Công ty Quốc tế EK có dấu hiệu thu phí trái quy định, thuê trường công làm cơ sở đào tạo
Những khoản thu phí được cho là có dấu hiệu sai phạm tại Công ty cổ phần liên minh tiến bộ Quốc tế EK đang bị người lao động phản ánh.
"Đâm lao rồi thì phải theo lao"
Công ty cổ phần Liên minh tiến bộ Quốc tế EK (gọi tắt là Công ty Quốc tế EK) có địa chỉ tại tầng 6, tòa nhà Bắc Hà, đường Tố Hữu (Trung Văn – Nam Từ Liêm- Hà Nội) đang bị người lao động phản ánh thu phí xuất khẩu lao động sai quy định, sai quy trình. Bên cạnh đó, đơn vị này còn bị phản ánh về việc không có cơ sở để đào tạo học viên nên phải đi thuê Trường Cao đẳng xây dựng số 1, thuê nhà riêng làm trụ sở.
Trong vai người có nhu cầu muốn đi lao động tại Nhật Bản, phóng viên đã vào cuộc để ghi nhận thực tế.

Công ty cổ phần Liên Minh Tiến Bộ Quốc tế EK thu tiền đặt cọc sai quy định đối với học viên.
>> Hàng loạt công ty XKLĐ thu phí “vượt ngưỡng”, bất chấp quy định Bộ LĐTB&XH
Có mặt tại Công ty Quốc tế EK, phóng viên được cán bộ tuyển dụng tư vấn: Đầu tiên, học viên sẽ phải khai from, sau đó học viên phải đi khám sức khỏe, tiếp đến học viên phải đóng tiếp 10 triệu đồng để đặt cọc thi tuyển đơn hàng. Tiền khám sức khỏe hết 800 nghìn đồng khi khám tại Bệnh viện Thăng Long.
“Theo quy định của công ty, khi nào học viên đỗ đơn hàng thì tiếp tục đóng cho công ty 2000 USD (khoảng 46 triệu đồng). Số tiền còn lại, khi nào học viên có tư cách lưu trú thì đóng nốt số tiền còn lại. Tiền ăn học sinh phải đóng riêng, mỗi tháng khoảng 1 triệu đồng cho 2 bữa ăn/1 ngày. Buổi sáng học viên tự túc ăn uống” – anh T. cán bộ tuyển dụng tư vấn.
Theo anh T. cho biết, nếu học viên đỗ đơn hàng sẽ được đào tạo, học tập tại Trường Cao đẳng xây dựng số 1 có địa chỉ tại Đường Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.
Hỏi về chi phí đơn hàng, anh T. cho biết hết khoảng 135 triệu đồng đổ lại. Đơn xây dựng hết khoảng 5000 USD, đơn công xưởng khoảng 6000 USD. Các nghiệp đoàn Nhật Bản qua đây tuyển. Thời gian để học viên có thể xuất cảnh được từ khoảng 6 tháng.

Cán bộ tuyển dụng Công ty cổ phần Liên Minh Tiến Bộ Quốc tế EK cho biết: Phí XKLĐ sang Nhật Bản mỗi học viên phải đóng khoảng 135 triệu đồng.
Quá trình vào cuộc tìm hiểu, phóng viên đã tiếp xúc với học viên Q. hiện đã đỗ đơn hàng đang theo học tại Công ty Quốc tế EK. Anh Q. cho biết, phí xuất khẩu lao động qua Nhật Bản làm việc tại công ty này hết khoảng hơn 6000 USD. Khi vào thi tuyển đơn hàng anh Q. đã phải đóng 10 triệu đồng tiền đặt cọc.
“Đóng 10 triệu đồng đặt cọc, thi đơn hàng lần 1 không đỗ, nhưng vì công ty gây khó dễ khi muốn nhận lại số tiền trên nên tôi phải tiếp tục thi tuyển thêm vài lần nữa. Đâm lao rồi thì phải theo lao thôi anh ạ” – lao động Q. chia sẻ.
Trường công, nhà riêng "biến" thành cơ sở đào tạo
Liên quan đến những thông tin về những dấu hiệu sai phạm tại Công ty Quốc tế EK, chúng tôi đã có buổi làm việc với bà Lâm Phương Thảo – TGĐ của Công ty.
Tại buổi làm việc, bà Thảo khẳng định hiện tại Công ty đang thu phí đặt cọc của học viên với mức từ 5 – 10 triệu đồng. Bản thân Công ty cũng không yêu cầu người lao động phải học tiếng tại công ty. Khi thi tuyển đỗ đơn hàng, Công ty sẽ thu trước 1.500 USD của học viên. Số tiền còn lại Công ty sẽ thu trước khi học viên xuất cảnh. Nếu nhân viên tư vấn mức phí vượt quá quy định thì sẽ kỷ luật nhân viên (?).

Công ty cổ phần Liên Minh Tiến Bộ Quốc tế EK phải thuê trụ sở Trường Cao đẳng xây dựng số 1 làm cơ sở đào tạo.
“Công ty chúng tôi đang giải trình với bên các nghiệp đoàn Nhật Bản là hiện tại thu của người lao động là 98 triệu đồng, nó sẽ vượt hơn so với con số 3600 USD như quy định. Với thời gian học tiếng Nhật khoảng 6 tháng thì số kinh phí 5,9 triệu đồng thu của người lao động không thể đủ được” – bà Thảo nói.
Hỏi về kinh phí khám sức khỏe cho người lao động, bà Thảo cho biết là không có quy định nào về điều này. Người lao động khám và trả tiền cho bệnh viện.
Liên quan đến việc hiện Công ty chưa có cơ sở để đào tạo học viên, bà Thảo thông tin: Hiện Công ty có 2 cơ sở đào tạo lao động gồm Trường Cao đẳng xây dựng số 1 và khu nhà biệt thự liền kề 14 (KĐT Bắc Hà) có địa chỉ phường Trung Văn - quận Nam Từ Liêm - TP. Hà Nội. Một cơ sở đào tạo ngoại ngữ nữa được đặt ở xã Phụng Châu (huyện Chương Mỹ - TP. Hà Nội).
Theo bà Thảo, khi thuê khu nhà biệt thự liền kề 14 (KĐT Bắc Hà) để làm nơi giao dịch, đào tạo, chỗ ở cho học viên, phía Công ty có báo cáo với chính quyền địa phương sở tại.
“Được biết Trường Cao đẳng xây dựng số 1 có chức năng được liên kết đào tạo nên Công ty đã thuê địa điểm này làm nơi đào tạo cho học viên, thuê theo mùa vụ, giáo viên là của nhà trường. Muốn rõ hơn thì làm việc với lãnh đạo nhà trường” – bà Thảo cho hay.
Phóng viên Báo Gia đình Việt Nam đã đặt lịch làm việc với Trường Cao đẳng xây dựng số 1 để làm rõ nội dung liên quan đến việc đơn vị Trường công thuộc Bộ Xây Dựng có được phép liên kết đào tạo, cho đơn vị tư nhân thuê địa điểm kinh doanh nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Đề nghị các cơ quan chức năng, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Cục Lao động ngoài nước vào cuộc kiểm tra vấn đề Báo Gia đình Việt Nam phản ánh!.
Theo quy định của Bộ LĐ-TBXH thì các khoản phí doanh nghiệp XKLĐ thu không được vượt quá 3.600USD/người/hợp đồng ba năm và không quá 1.200USD/ người/hợp đồng một năm. Và doành nghiệp chỉ được thu các khoản phí sau khi học viên, người lao động đã được phía Nhật Bản cấp tư cách lưu trú và doanh nghiệp đã ký hợp đồng với Nhật.
Bộ LĐ-TBXH nghiêm cấm các hành vi thu tiền trước dưới mọi hình thức đối với học viên thực tập sinh. Về học phí đào tạo tiếng Nhật, không quá 5,9 triệu đồng/ khóa.
Doanh nghiệp XKLĐ phải có đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, đáp ứng đủ điều kiện về đào tạo lao động theo quy định thì mới được phép đăng ký hoạt động.