Cô gái trường báo tìm được mẹ sau 20 năm nhờ Facebook
“Gần 20 năm xa mẹ dù trong lòng hồi hộp trước giờ chưa gặp mẹ nhưng khi gặp mẹ cảm xúc của em trôi tuột đi đâu mất. Em không dám chạy đến mà khóc, mà ôm chầm mẹ. Có lẽ tình cảm dành cho người mẹ em đã dành hết cho bà ngoại nên khi gặp mẹ em chẳng biết nói gì, chỉ chào mẹ mà thôi.."
Những ngày qua, câu chuyện về cô gái hiếu thảo nhờ Facebook tìm được mẹ sau gần 20 năm ròng rã xa cách đã lay động hàng triệu trái tim độc giả cả nước.
Được biết, cô gái này là Cù Thị Kim Ngân (sinh năm 1991, ở Cẩm Đội, xã Thụy Vân, TP.Việt Trì, Phú Thọ). Ngân vừa tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền và đang làm trong một công ty quảng cáo ở Hà Nội.
Từ lúc 3 tuổi, Ngân đã sống thiếu thốn tình cảm gia đình khi bố mẹ ly tán, em phải sống nhờ vào bàn tay chăm sóc của bà ngoại. Lúc đó, vì còn quá nhỏ, Kim Ngân thậm chí không thể nhớ nổi mặt mẹ ruột mình.
Trong hoài niệm của em chỉ có kí ức về những lần bố mẹ cãi nhau khiến em ngồi co rúm, khóc ti tỉ và chuyến về bà ngoại trong đêm để rồi sáng hôm sau Em chẳng còn thấy mẹ đâu nữa.
Kim Ngân có gương mặt sáng sủa, xinh xắn, có nét lai tây (Ảnh: Dân trí)
Tuổi thơ của Ngân là những ngày tháng đến trường bị bạn bè trêu chọc, mỉa mai là "đồ không cha không mẹ" (sau một thời gian mẹ bỏ đi, bố Ngân lập gia đình mới và ít quan tâm đến con gái), là sự thiếu thốn đủ bề, chỉ mơ ước một bộ quần áo mới để mặc. Nhưng thương bà ngoại vất vả tảo tần, em chưa một lần dám xin bà mua này nọ.
“Lúc đó em tủi thân ghê gớm, có đêm em nằm khóc đến sáng, chỉ mong sao mẹ về với em, để em có người tâm sự, sẻ chia"- Ngân rơm rớm nước mắt.
Cuối năm 2012, bà ngoại Ngân phát hiện bị bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Những ngày bà ngoại nằm bệnh viện, bà lúc nào cũng khóc mong một lần gặp mẹ Ngân - người con duy nhất của bà trước lúc đi xa. Thương bà, đã rất nhiều lần Ngân dán tờ rơi, gửi thông tin lên báo đài tìm mẹ nhưng đều vô vọng.
Một lần vô tình Ngân đọc được thông tin một bạn nam đã tìm được mẹ qua mạng xã hội Facebook, Ngân cũng thử làm cách này với hy vọng mong manh.
Trong thông điệp nhờ cộng đồng mạng chia sẻ, Ngân nhắn gửi đến mẹ rằng: “Mẹ ơi, bà ngoại bị ung thư giai đoạn cuối rồi, mẹ ở đâu về ngay với bà, mẹ nhé. Con chỉ mong mẹ về với bà dù chỉ một lần thôi cho bà yên lòng nhắm mắt. Con không có mẹ cũng được nhưng bà cần mẹ, bà cần một người con thực sự ở bên cạnh. Mẹ về với bà với con mẹ nhé.
Kim Ngân đăng ảnh tìm mẹ lên Facebook với những lời tận đáy lòng mình (Ảnh: Facebook)
Kim Ngân chia sẻ, lúc đầu khi đăng câu chuyện lên Facebook, Ngân nghĩ việc đưa chuyện đời của mình ra cho tất cả cộng đồng biết như thế không có gì hay ho.
Nhưng em thấy mất đi tự trọng bản thân cũng được vì chỉ mong sao tìm được mẹ về cho bà. Biết đâu đó trong cuộc đời vẫn có phép màu, có chút hy vọng mong manh có thể tìm được mẹ qua mạng xã hội Facebook.
Em quyết định đăng ảnh lên Facebook, dùng những lời tận đáy lòng mong muốn tìm được mẹ trở về. Sau khi đăng tin, em đã khóc rất nhiều chỉ sợ thêm lần nữa thất vọng.
Và rồi, điều kỳ diệu đã đến với Ngân. Kết quả chỉ trong hơn 24 giờ đồng hồ, Ngân đã nhận được phản hồi từ một cư dân mạng đang sống ở TP HCM. Theo số điện thoại Ngân đăng trên mạng, người này đã gọi điện thông báo cho em biết về nơi ở của mẹ em, đồng thời giúp em liên hệ với bà.
Giây phút được nhìn thấy người mẹ của mình suốt gần 20 năm xa cách lại là cuộc gặp gỡ dường như kìm nén cảm xúc của cả hai.
Hai mẹ con Ngân gặp lại nhau sau gần 20 năm ròng xa cách (Ảnh: Tiền Phong)
Ngân kể: “Gần 20 năm xa mẹ dù trong lòng hồi hộp trước giờ chưa gặp mẹ nhưng khi gặp mẹ cảm xúc của em trôi tuột đi đâu mất. Em không dám chạy đến mà khóc, mà ôm chầm mẹ. Có lẽ tình cảm dành cho người mẹ em đã dành hết cho bà ngoại nên khi gặp mẹ em chẳng biết nói gì, chỉ chào mẹ mà thôi.
Sau vài tháng, em với mẹ mới nảy sinh tình cảm với nhau khi cùng nhau chia sẻ khó khăn trong cuộc sống. Tết năm ấy lần đầu tiên em được ăn Tết cùng mẹ sau mấy chục năm xa cách. Hai tuần lễ em vào ở với mẹ là quãng thời gian hạnh phúc nhất. Mẹ con cùng ăn chung, đi chơi cùng… những điều mà em ngày nhỏ vẫn mơ ước khi nhìn thấy chúng bạn có ba mẹ ở bên”.
Bài viết sử dụng tư liệu của Dân trí, Tiền Phong, Facebook và các nguồn khác