Chuyên gia giải mã lý do Hào Anh 'hư hỏng'
'Suy cho cùng, Hào Anh chính là 1 nạn nhân của cách chúng ta giải quyết hỗ trợ người bị tổn thương trong xã hội'.
Bốn năm trước, Hào Anh bị hành hạ dã man ở trại tôm giống Minh Đức (huyện Đầm Dơi, Cà Mau).
Khi vụ án khép lại, cậu vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau sống một thời gian rồi về ở với mẹ trong căn nhà trọ ở phường 8.
Đầu năm 2014, khi đã đủ 18 tuổi, Hào Anh được Sở LĐ - TB - XH Cà Mau trao gần 900 triệu đồng là tiền gốc và lãi do nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước gửi hỗ trợ.
Có tiền, Hào Anh mua xe máy, nhà và đất với giá 380 triệu đồng. Sau đó, cậu đầu tư thêm trên 100 triệu đồng để sửa lại thành nhà mới, dọn vào ở từ cuối tháng 5/2014 đến nay.
Thông tin từ bà Thoa (mẹ Hào Anh), do sẵn có tiền từ các nhà hảo tâm, chưa đầy 1 năm, cậu đã mua 4 xe máy và 'đập' gần chục chiếc iPhone.
Đỉnh điểm, mới đây, trong lúc 'giận cá chém thớt', Hào Anh đã đuổi cha mẹ ra đường và vứt hết quần áo 2 người ra khỏi nhà.
Trước thông tin Hào Anh trở nên ngỗ ngược và thất hứa với chính quyền khi nhận tiền hứa 'tu chí làm ăn', TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho biết, cảm giác đầu tiên của bà là buồn và tiếc nuối.
Tuy nhiên, TS Hồng không quá ngạc nhiên khi chuyện này xảy ra vì theo bà: 'Đây chính là sản phẩm của cách chúng ta giải quyết hỗ trợ người bị tổn thương trong xã hội'.
Theo vị chuyên gia tâm lý, với một đứa trẻ lớn lên trong môi trường bạo lực như Hào Anh thì nguy cơ có hành vi bạo lực cũng lớn hơn những đứa trẻ khác.
'Chúng ta đã giúp đỡ Hào Anh nhưng không tới nơi tới chốn.
Nhiều đứa trẻ mới lớn, bình thường nếu không có công ăn việc làm, không được định hướng đúng còn dễ dính vào tệ nạn xã hội nữa là Hào Anh đã từng sống trong môi trường bạo lực, bị sang chấn tâm lý và không được học hành.
Đáng ra cậu bé phải được quan tâm nhiều hơn về mặt tâm lý, tinh thần chứ không phải vật chất như vậy', TS Hồng nêu quan điểm.
Qua câu chuyện của Hào Anh - cậu bé bất hạnh, nghèo đói bỗng nhiên có gần tỷ đồng trong tay do các nhà hảo tâm hỗ trợ, nhiều vấn đề được đặt ra giữa việc 'cho cần câu' hay 'cho cá'.
TS Khuất Thị Thu Hồng nhìn nhận, cách giúp đỡ của những nhà hảo tâm không có lỗi. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ trách nhiệm của mạng lưới các cơ quan hữu quan, các cơ sở bảo trợ xã hội.
'Đáng ra, các cơ quan này cần có các hình thức hỗ trợ phù hợp về giáo dục, việc làm, giải quyết vấn đề sang chấn tâm lý…
Cần có hình thức hỗ trợ lâu dài chứ không phải đưa một cục tiền cho nạn nhân rồi muốn làm gì thì làm', bà Hồng nói.
Nguồn: Zing