Chuyên gia đưa 3 khuyến cáo giúp phòng chống cúm A/H5N1
Việc nam thanh niên tử vong do cúm A/H5N1 đã khiến người dân lo lắng. Để phòng chống dịch cúm này chuyên gia y tế đã đưa ra 3 khuyến cáo quan trọng tránh lây lan trong cộng đồng.
Dịch đang có dấu hiệu bùng phát trở lại. Đặc biệt, sự việc bệnh nhân nam, 21 tuổi, tại thôn Tân Ninh, xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa tử vong do cúm A/H5N1 đang gây hoang mang cho nhiều người.
Cụ thể, khoảng đầu tháng 3/2024, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt, ho và tự điều trị nhưng các triệu chứng không thuyên giảm. Bệnh nhân đến khám và điều trị tại Trung tâm Y tế Ninh Hòa vào ngày 16 - 17/3, sau đó bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa điều trị với chẩn đoán viêm phổi. Tuy nhiên, do diễn tiến nặng, bệnh nhân đã tử vong vào ngày 23/3. Kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang cho thấy, bệnh nhân dương tính với cúm AH5N1.
PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.
Chia sẻ về những lo lắng của người dân về dịch cúm A/H5N1, PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: “Vào năm 2003 chúng ta đã chứng kiến đợt dịch rất lớn và nguy hiểm, khiến hàng trăm ca mắc với tỉ lệ tử vong lên đến 50%. Tuy nhiên, tư đó đến nay nước ta không có các đợt dịch lớn. Nếu như cúm H7N9 không gây chết ở gia cầm thì cúm A/H5N1 lại gây chết ở đàn gia cầm.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp gia cầm lành mang trùng và chim hoang dã cùng với gia cầm là nguồn truyền nhiễm lây bệnh cúm AH5N1 cho người và chưa phát hiện việc lây truyền từ người sang người".
TS Trần Đắc Phu cho rằng, cúm A/H5N1 là chủng có độc lực cao, người nhiễm thường có biểu hiện nặng, với tỉ lệ tử vong tương đối lớn.
Bình thường, loại cúm này vẫn lưu hành trên đàn gia cầm, nó có thể lây từ các loại chim hoang dã sang gia cầm nuôi, hoặc có thể lây từ gia cầm nuôi với nhau, sau đó lây từ vùng này sang vùng khác và rất khó khống chế. Nếu không dập tắt được dịch từ gia cầm thì dịch cúm sẽ lây sang người.
Để hạn chế tối đa việc dịch bùng phát, PGS. TS. Trần Đắc Phu đưa ra khuyến cáo: Thứ nhất, khi phát hiện những ổ dịch có gia cầm chết người dân phải ngay lập tức báo cáo đến các cơ sở thú y, cơ sở y tế để các cơ quan đó vào cuộc điều tra ngay.
Thứ hai, người dân phải nêu cao ý thức phòng dịch, thực hiện an toàn thực phẩm. Việc nuôi gia cầm phải đảm bảo an toàn trong chăn nuôi và đảm bảo vệ sinh thực phẩm trong việc giết mổ của Cục Thú y.
Tiếp đó, người dân phải thực hiện ăn chín, uống chín; phải đeo khẩu trang, găng tay và đồ bảo hộ khi tiếp xúc, giết mổ gia cầm. Đặc biệt, người dân không nên ăn tiết canh, không ăn thực phẩm gia cầm khi chưa nấu chín và cần phải vệ sinh trong giết mổ và trong việc chế biến thực phẩm.
“Khi có dấu hiệu bị sốt, bị viêm nhiễm đường hô hấp, có lịch sử tiếp xúc với gia cầm người dân không được chủ quan mà cần phải đi đến các cơ sở y tế để được khám và chuẩn đoán kịp thời”, PGS.TS.Trần Đắc Phu nhấn mạnh.