Chuyển đổi số tạo “cú hích” để Thanh Hóa phát triển
Chuyển đổi số đã và đang mang lại hiệu quả thực chất góp phần tạo ra “cú hích”, đưa Thanh Hóa phát triển toàn diện. Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2030 nằm trong top 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền số.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 06 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, hiện nay, Thanh Hóa đã và đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số ở cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Với 27 đơn vị hành chính cấp huyện, thị, thành phố và 558 xã phường, Thanh Hóa là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước ban hành bộ tiêu chí và giao chỉ tiêu hoàn thành chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã.
Thanh Hóa xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong những khâu đột phá đưa Thanh Hóa phát triển, phấn đến năm 2025 nằm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và đến năm 2030 tiếp tục nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước và top 5 tỉnh, thành phố đứng đầu về chính quyền số.
Đặc biệt, với Thanh Hóa chuyển đổi số xoay quanh lợi ích của người dân, doanh nghiệp (DN), trong khi chính quyền nỗ lực tạo điều kiện cho người dân tham gia chuyển đổi số, từ chính việc xây dựng các mô hình, tiêu chí chuyển đổi số từ cấp xã đến đến cấp tỉnh.
Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa cho biết, kết quả ở đây không chỉ là những con số, mà điều quan trọng hơn chính là sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, DN tham gia vào quá trình chuyển đổi số như một xu thế tất yếu, không ai đứng ngoài cuộc, nhất là chính quyền. Việc chuyển đổi số theo từng lĩnh vực, ngành nghề theo giai đoạn, trước khi tiến đến chuyển đổi tổng thể, toàn diện ở Thanh Hóa.
“Thanh Hóa đã chú trọng đến việc tuyên truyền về chuyển đổi số để thay đổi nhận thức của người dân, DN thay đổi hành vi, thói quen, chuyển từ các phương thức truyền thống sang phương thức số, môi trường số, làm việc với công nghệ số… góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thiết thực, hiệu quả phải có ngay”, ông Quyết nói.
Một trong những mục tiêu của chuyển đổi số là làm giảm các chi phí thời gian của người dân, doanh nghiệp, giảm tham nhũng tiêu cực hay nói cách khác làm tham nhũng vặt tại cơ sở công quyền. Về vấn đề này, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa Đỗ Hữu Quyết cho biết, những năm gần đây, Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa luôn chỉ đạo sát về việc nhận diện phát hiện, xử lý các hành vi nhũng nhiễu tiêu cực trong giải quyết công việc cho người dân, tổ chức, DN của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
“Chúng tôi nhận diện rõ việc xây dựng chính quyền số, làm cơ sở dẫn dắt kinh tế số, xã hội số xem như “kim chỉ nam” quan trọng để giải về việc giải quyết hồ sơ thủ tục cho người dân và DN trong những năm gần đây.
Chính quyền số bước đầu ở Thanh Hóa đạt kết quả khả quan qua việc trao đổi, xử lý văn bản, hồ sơ trên môi trường mạng giữa các cơ quan, chính quyền, đoàn thể trên 3,3 triệu lượt, tỷ lệ ký số cơ quan đạt hơn 98%.
Kết quả đó, đồng nghĩa với việc xử lý các đầu việc được giao đúng hạn, mang lại hiệu quả cao, giảm bớt các chi phí, giảm nhũng nhiễu... từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh”, ông Quyết nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa nêu ví dụ một người dân, DN ở huyện biên giới Mường Lát cách Thanh Hóa gần 300 km, muốn làm hồ sơ, xin thủ tục… những năm trước đây thường rất tốn kém, nhưng hiện nay chuyển đổi số cho phép DN, người dân thấy rõ ngay từ đầu vào của văn bản trên không gian số không quá hai ngày sẽ được trả lời xử lý, ngược lại văn bản chậm xử lý cũng sẽ thấy rõ văn bản đến đâu, đang tắc ở khâu nào và trường hợp bị trả lại hồ sơ, văn bản không quá 2 lần.
Dựa trên các tiềm năng thế mạnh với vị trí kết nối thuận lợi cả trong nước và quốc tế, đất đai rộng lớn, nguồn nhân lực dồi dào, bờ biển dài, có đầy đủ các loại hình giao thông. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái.
Với mục tiêu xây dựng tỉnh Thanh Hoá trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước với công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng; các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Hiện nay, ở Thanh Hóa, nhiều công cụ số được mở rộng để khách hàng tiếp cận nhiều dịch vụ số. Sự thay đổi này đã mở ra rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, thành phố thông minh, IoT, AI, big data, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo… đến với Thanh Hóa.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài thông qua chuyển đổi số, những kết quả ấn tượng trong chuyển đổi số là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thu hút đầu tư của các DN đến với Thanh Hóa.
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và vai trò của công nghệ số trong phát triển kinh tế số tỉnh Thanh Hóa”, các chuyên gia đã phân tích, đề xuất nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả chuyển đổi số ở Thanh Hóa. Theo đó, để chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang giai đoạn mới, tỉnh Thanh Hóa nên tập trung vào đổi mới sáng tạo: Cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, nâng cao chất lượng thể chế, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt hạ tầng số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh đổi mới và sáng tạo trong các doanh nghiệp. Cần đẩy mạnh các ngành lõi hay ICT đặc biệt là các ngành sản xuất điện tử, máy tính, viễn thông... Đẩy mạnh chuyển đổi số và thương mại điện tử trong các lĩnh vực và các ngành khác để nâng cao tỷ trọng kinh tế số trong các ngành lĩnh vực. Thanh Hóa cũng nên chuyển sang mô hình công nghiệp hóa phát huy lợi thế so sánh động, lợi thế cạnh tranh bậc cao.
Đồng thời, chuyển sang mô hình tăng trưởng xanh, bền vững và tuần hoàn: Chuyển đổi số cùng với chuyển đổi xanh là những yêu cầu bức thiết trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế và xã hội đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và sự phát triển bền vững. Việc chuyển đổi này mang lại nhiều lợi ích quan trọng: Trước hết, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh thông qua tự động hóa, phân tích dữ liệu và quản lý thông tin hiệu quả.
Đến nay toàn Thanh Hóa có 114/558 xã, phường, thị trấn được công nhận hoàn thành chuyển đổi số cấp xã. Thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến đứng đầu cả nước với tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt 99,51%.
Hiện toàn tỉnh Thanh Hóa đã kích hoạt thành công gần 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử, 100% người dân, DN sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Rà soát được gần 2,3 triệu mã số thuế cá nhân, đạt tỷ lệ 98,4%; tỷ lệ các DN thực hiện nộp thuế điện tử đạt 84%; 100% DN được tiếp cận và ứng dụng các nền tảng số trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tổng số DN công nghệ số trên địa bàn là 615 DN…