Chứng nghiện smartphone đã có tên gọi quốc tế là Nomophobia
Không ngạc nhiên khi giới trẻ hiện nay yêu chiếc smartphone của họ. Theo số liệu từ Pew Research Center, 90% người Mỹ sở hữu điện thoại, 58% trong số đó dùng smartphone.
Tỉ lệ người mắc một hội chứng về tâm lí thích mang smartphone bên mình đang ngày càng tăng cao.
Hội chứng này được gọi là nomophobia (viết tắt của no-mobile-phone phobia, tạm dịch là nỗi ám ảnh vì không có điện thoại di động). Các nhà tâm lí học cho rằng, hội chứng này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người trẻ tuổi.
Mọi người đang dành phần lớn thời gian cho smartphone
Triệu chứng của nomophobia bao gồm cảm giác lo sợ hoặc tuyệt vọng khi bạn tách rời chiếc điện thoại, không thể tập trung vào các cuộc hội thoại hoặc công việc mà liên tục kiểm tra thông báo mới trên điện thoại.
Một số người dùng cảm giác thấy điện thoại của họ đang rung (hoặc đổ chuông) trong khi thực tế không phải vậy. Tình trạng có tên “hội chứng rung điện thoại di động” là một dấu hiệu của chứng nghiện di động cực kì trầm trọng, theo các nhà nghiên cứu.
Theo các nhà tâm lí học, chứng nghiện mang theo smartphone cũng tương tự với một số cơn nghiện khác, đều có liên quan đến việc rối loạn điều hòa dopamire. Dopamire là một chất truyền thần kinh có tính chất khen thưởng nằm tại vùng trung não. Nó thúc đẩy người ta làm những điều mà họ nghĩ đó là điều tích cực.
“Mỗi khi bạn nhận được một thông báo từ điện thoại, sẽ có thêm một chút dopamire được tiết đi, nói với bạn rằng có một thứ gì đó hấp dẫn, cho dù đó có thể là một tin nhắn từ người lạ, email hoặc bất cứ thứ gì”, David Greenfield - Trợ lí giáo sư tâm thần học tại đại học y Connecticut cho hay.
“Vấn đề nằm ở chỗ bạn không biết thông báo đó có nội dung gì và khi nào nó xuất hiện. Điều này sẽ thôi thúc não bộ liên tục kiểm tra chiếc điện thoại”.
Theo một khảo sát tiến hành bởi Huffington Post và YouGov, 64% những người ở độ tuổi từ 18 đến 29 đi ngủ với máy tính bảng hoặc smartphone trên giường. Mặc dù vậy, không nhiều người nhận ra họ đã mắc phải nomophobia.
“Giống với bất cứ chứng nghiện nào khác, từ chối là phản xạ tự nhiên của con người. Không nhiều người thừa nhận họ đang gặp vấn đề”, một bác sĩ tâm lí cho hay.
Một số nhà tâm lí học đã đề xuất đưa nomophobia vào chương trình chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM), được coi là chương trình cao nhất để bảo vệ sức khỏe con người.
Greenfield cho biết nomophobia chỉ là một phần nhỏ của vấn đề lớn hơn, đó là nghiện Internet. “Smartphone chỉ là công cụ để truy cập Internet. Nghiên cứu của tôi chỉ ra rằng, sự dễ dàng tiếp cận, tính phổ biến và di động của smartphone khiến nó có tác hại gây nghiện gấp đôi các phương thức khác. Sự tiện lợi chính là ngọn nguồn của vấn đề. Bạn càng tiếp cận nhanh với công nghệ, bạn càng dễ bị nhiễm độc”.
Bên cạnh đó, việc liên tục nhận được hàng trăm, thậm chí hàng nghìn like, comment trên Facebook, Twitter hay Instagram tạo cảm giác tự cho mình là quan trọng của một số người.
“Cảm giác đó khiến bạn sẽ cảm thấy rất đáng tiếc nếu không liên tục kiểm tra điện thoại. Trên thực tế, phần lớn cuộc sống thực của chúng ta không liên quan gì đến chiếc smartphone. Những gì xảy ra trên các thiết bị di động không phản ánh những gì đang diễn ra ngoài đời thực”.
Nhiều chương trình cai nghiện kĩ thuật số đã được lập nên. Chẳng hạn như tại Trung Quốc, những cô bé, cậu bé tuổi teen được đưa đến những trại cai nghiện, nơi chúng phải sống trong một môi trường quân đội để cắt bỏ cơn nghiện Internet.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đều đồng ý với quan điểm, chưa cần đến những biện pháp mạnh như vậy để cai nghiện Internet. Người dùng chỉ cần tải về những ứng dụng như Menthal, ghi lại xem mình đã dùng điện thoại bao lâu mỗi ngày. Phần lớn người dùng đều không nhận ra, họ đã tiêu tốn quá nhiều thời gian vào chiếc điện thoại của mình, khiến nó gây ảnh hưởng đến não bộ không khác gì ma túy.
“Hãy dừng nhắn tin khi đang lái xe. Đừng mang theo smartphone khi đi tắm. Đặt cho mình một quy tắc không được sử dụng điện thoại khi đi chơi với bạn bè. Khi đang trong một cuộc hẹn, hãy đảm bảo bạn chỉ dùng tối đa 5 phút để kiểm tra điện thoại sau mỗi 90 phút. Đó là những quy tắc đơn giản bất cứ ai cũng có thể tuân theo”.