Chậm chuyến, hủy chuyến: câu chuyện của ngành hàng không toàn cầu
Theo một khảo sát của Forbes, trong năm 2022, trung bình hành khách phải chờ 5,2 tiếng tại sân bay do tình trạng chậm chuyến và hủy chuyến.
Chi tiết hơn, Forbes cho biết trong số hành khách phải chờ đợi, 55% hành khách được bay sau khi chờ dưới 4 tiếng, 43% phải chờ hơn 5 tiếng, và 11% chờ từ 7-9 tiếng.
Chậm chuyến, hủy chuyến là điều không một hãng bay và hành khách nào mong muốn, nhưng lại là vấn đề không thể tránh khỏi của ngành hàng không toàn cầu.
Mùa hè năm 2022, sau hai năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19, lẽ ra đã phải là một mùa hè nhộn nhịp của ngành hàng không, nhưng lại bị phá hủy bởi sự gián đoạn của hàng loạt chuyến bay. Đỉnh điểm là tháng 7/2022, có ngày có tới 25.000 chuyến bay chậm chuyến và 3.100 chuyến bị hủy trên toàn thế giới.
Nguyên nhân của tình trạng này là do lượng hành khách tăng cao sau thời gian dài bị “trói chân”, trong khi ngành hàng không thiếu hụt phi công, tiếp viên, nhân viên mặt đất, thiếu hụt tàu bay do nhiều tàu phải bảo dưỡng… và hàng loạt yếu tố khách quan khác.
Trong năm 2022, hơn 20% chuyến bay tại Mỹ bị chậm và 3% bị hủy. Các hãng bay nội địa Mỹ có tỉ lệ chậm chuyến cao nhất kể từ năm 2014. Trong số những chuyến bay bị chậm, 26% là do ảnh hưởng của thời tiết. Chỉ riêng dịp lễ Giáng sinh và năm mới vừa qua, bão tuyết đã phá hỏng kỳ nghỉ của nhiều gia đình khi các hãng hàng không phải hủy hơn 6.000 chuyến chỉ trong 3 ngày ngay trước lễ Giáng sinh, và hơn 21.000 chuyến bay bị chậm. Southwest, một trong những hãng lớn tại Mỹ, phải hủy hơn 70% số chuyến bay của mình.
Tại châu Âu, tình hình nhân lực tại các sân bay, nhân viên không lưu, tiếp viên, phi công… ngày càng trở nên trầm trọng hơn trong năm qua. Điều đó ảnh hưởng tới hoạt động khai thác hàng không, dẫn tới tỉ lệ chuyến bay đúng giờ trong dịp cao điểm hè chỉ đạt 50-60%.
Tại Úc, tỉ lệ chuyến bay đúng giờ trung bình các tháng trong năm 2022 đều ở mức thấp nhất trong lịch sử kể từ khi bắt đầu thống kê vào năm 2003. Nếu đầu năm 2022, tỉ lệ chuyến bay đúng giờ đạt 85% thì đến tháng 7/2022 tỉ lệ này chỉ còn 55%, thấp nhất trong vòng 2 thập kỷ qua. Hiện tại, tỉ lệ này cũng chỉ ở mức 66%.
Tại châu Á, trong dịp cao điểm cuối năm vừa qua, hơn 65.000 hành khách đã bị kẹt tại sân bay Ninoy Aquino tại thủ đô Manila, Philippines do sự cố kỹ thuật gây mất điện hệ thống kiểm soát không lưu tại sân bay. Kết quả là hàng trăm chuyến bay bị hủy, bị chậm hoặc phải chuyển hướng.
Tại châu Phi, theo số liệu của Tổng cục Hàng không Nigeria, hơn 60% số chuyến bay nội địa bị chậm, 13% chuyến bay bị hủy trong năm 2022. Nguyên nhân gây nên tình trạng này là do thiếu hụt nhiên liệu bay, thiếu quầy check-in, khu vực đậu sân bay quá nhỏ và các sân bay thường không thể khai thác vào ban đêm.
So với thế giới, tỉ lệ đúng giờ của các hãng hàng không Việt Nam thời gian qua lên tới trên 90%, là tỉ lệ rất cao trên thế giới. Tỉ lệ đúng giờ của các hãng hàng không Mỹ chỉ vào khoảng trên dưới 80%. Tuy nhiên, ít ai biết rằng để hướng tới chỉ số đúng giờ cao, cơ quan quản lí ngành hàng không Việt Nam sẽ buộc phải giảm số lượng chuyến bay (giảm số lượng slot cấp ra), gián tiếp làm tăng chi phí, khiến giá vé tăng cao và khiến số người được bay giảm đi.
Do đó, để các hãng hàng không có thể vận chuyển tối đa lượng hành khách về quê đoàn tụ gia đình và du xuân, việc tăng chuyến bay cho các hãng hàng không là rất cần thiết trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán hiện nay. Cùng với đó, sự thông cảm và chia sẻ của hành khách với những khó khăn của ngành hàng không, trong đó có tình trạng chậm chuyến, sẽ giúp cho các hãng bay phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân.
Ông Mark Baier, Giám đốc điều hành của AviationManuals, nhà cung cấp dịch vụ hướng dẫn phát triển hàng không và phần mềm hệ thống quản lý an toàn, cũng cho rằng hành khách sẽ phải làm quen với một số khó khăn do tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến là điều không tránh khỏi trong ngành hàng không.