Cha mẹ cần làm gì để con bớt áp lực thi cử?
Mùa thi đang cận kề kéo theo nỗi lo lắng, căng thẳng, stress… cho bao sĩ tử. Cha mẹ cần có biện pháp để loại bỏ áp lực tâm lý, suy nghĩ tiêu cực, giúp các con có tinh thần tốt trong mùa thi.
Cuối năm học là thời điểm học sinh chuẩn bị bước vào các kỳ kiểm tra, đánh giá. Đặc biệt, với học sinh cuối cấp, đây là thời điểm quan trọng chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp, bởi vậy, áp lực, nỗi lo về học hành, thi cử lại càng gia tăng.
Ngày càng có không ít trường hợp học sinh gặp phải những rối loại tâm lý do áp lực học tập. Nếu không được phát hiện và hỗ trợ kịp thời, tình trạng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ.
Áp lực học hành và thi cử dễ khiến học sinh căng thẳng và bị stress (Ảnh minh họa)
TS Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục cho biết, kỳ thi đến, áp lực tăng lên, tình trạng căng thẳng tâm lý ở học sinh sẽ gia tăng.
Vị chuyên gia chia sẻ, thực tế stress có 2 mặt, bao gồm cả có lợi và có hại. Trước những áp lực lớn, cần nhiều sự nỗ lực, con người xuất hiện áp lực là điều hết sức bình thường. Nhưng nếu áp lực đó vượt ngưỡng chịu đựng và con người không biết cách giải quyết thì sẽ dẫn đến suy giảm các chức năng tâm lý, phá vỡ cấu trúc bộ máy tâm thần, khi đó sẽ gây ra rất nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Hiện nay, có nhiều học sinh đang gặp phải các vấn đề về tâm lý, đặc biệt là trong bối cảnh hậu Covid-19.
“Theo nghiên cứu của chúng tôi với học sinh từ bậc tiểu học đến THPT, trong giai đoạn Covid-19 và hậu Covid-19, có đến 70% các em được khảo sát cho biết gặp phải tình trạng căng thẳng tâm lý, hơn 40% có biểu hiện rối loạn lo âu xuất hiện nhiều hơn trước và tình trạng trầm cảm xuất hiện ở hơn 30% học sinh. Đây quả thực là dấu hiệu đáng lo ngại đặc biệt khi các em bước vào các kỳ thi cuối năm và kỳ thi chuyển cấp”, TS Hoàng Trung Học cho hay.
Lý giải về những áp lực của em học sinh, vị chuyên gia tâm lý cho biết, đây là giai đoạn học sinh gặp khó khăn kép: vừa phải thích ứng với môi trường học tập trực tiếp trong giai đoạn hậu Covid-19, vừa phải đối mặt với các kỳ thi.
Sự thay đổi liên tục và hình thành các thói quen mới khiến các em mất nhiều năng lượng. Điều này xảy đến cùng với thời điểm áp lực thi cử, tất yếu thúc đẩy tình trạng stress trước kỳ thi của học sinh.
Cha mẹ cần đồng hành và động viên, thấu hiểu để giúp con giảm những áp lực mùa thi (Ảnh minh họa)
TS Hoàng Trung Học cho biết, những dấu hiệu bất thường phổ biến nhất ở học sinh xuất hiện trong mùa thi là tình trạng stress, lo âu học đường, trầm cảm học đường. Cha mẹ có thể nhận thấy trong thời gian này như con thường xuyên than phiền mệt mỏi về các vấn đề học tập, thi cử, là tình trạng bỏ bê học hành tập hay sa sút kết quả học tập bất thường.
Trẻ cũng thường có những cơn cáu gắt, xung đột với mọi người do không thể kiểm soát được cảm xúc. Thậm chí, một số em do quá mệt mỏi với việc học nên lao vào thế giới ảo và trò chơi điện tử để giải tỏa. Một số em xuất hiện các dấu hiệu như nói dối, bỏ nhà đi chơi game, trốn học, tham gia vào những nhóm bạn xấu ngoài trường….
Để giải quyết vấn đề này, chuyên gia tâm lý Hoàng Trung Học chia sẻ, trước hết cha mẹ cần thấu hiểu, đồng hành để giúp đỡ con, giảm áp lực cho con bằng cách giảm những kỳ vọng, xem lại khả năng của con và đặt ra những mục tiêu phù hợp với năng lực học tập của con.
Thứ 2, trong giai đoạn này, các bậc phụ huynh cũng cần cố gắng chăm sóc dinh dưỡng tốt nhất cho con, chú ý xây dựng nề nếp sinh hoạt hàng ngày khoa học. Học tập cần đi liền với nghỉ ngơi, chăm sóc dinh dưỡng, tập thể dục thể thao.
Ngoài ra, với thầy cô và nhà trường cũng cần có giải pháp phân luồng cho học sinh phù hợp. Khi có định hướng rõ ràng, học sinh sẽ giảm những căng thẳng, lo âu. Không chỉ làm công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, mà các trường cũng nên làm tốt công tác tư vấn cho cha mẹ để các cha, mẹ không tạo thêm áp lực không phù hợp cho học sinh trước mùa thi.