Cám ơn ba dù sự xuất hiện của con là điều không mong muốn
Hình như tôi chưa bao giờ hiểu được ba mình hoặc tôi chưa bao giờ thực sự muốn hiểu ông ấy. Đó không chỉ là rào cản thế hệ, tuổi tác hay giới tính mà còn là mâu thuẫn được hình thành từ những ngày đầu tôi bắt đầu có nhận thức ngăn cản tôi đến gần ông ấy.
Ngày bé, những cô bác trong xóm mỗi khi nhìn thấy tôi sẽ kể cho tôi nghe một câu chuyện mà họ nghĩ rất buồn cười. Họ nghĩ thôi, dù đến giờ tôi vẫn chưa thấy nó buồn cười.
Chuyện kể rằng lúc mẹ tôi sắp sinh được nội đưa vào trạm xá, ba tôi khoan thai tới muộn kèm câu hỏi: “Con trai hay con gái vậy má?”.
“Con gái” - Bà nội tôi trả lời và ba tôi đã ra về.
Không hỏi han chi cả, không quan tâm gì nữa. Lạnh lùng thế đó, vậy mà giờ ông ấy vẫn cưng chiều tôi đấy thôi. Rồi họ cười xòa vì câu chuyện đó. Có gì đáng cười nhỉ, với một con nhóc suốt ngày chỉ nghĩ chuyện thả diều, tắm ao như tôi ngày đó sao mà hiểu được.
Sau này khi lớn lên chút, khi đọc những câu chuyện tình yêu ngược luyến, xem những bộ phim truyền hình tình yêu lâm ly bi đát lúc 8 giờ, tôi cảm thấy chắc người ta cười vì đấy là kiểu tình tiết “vả mặt” mà phần đông khán giả rất thích. Đáng tiếc, tôi thuộc phần còn lại không tích những tình tiết đó và ba tôi ông ấy cũng không “tự vả” như thế, tôi đã từng nghĩ ba tôi thể hiện sự yêu thương gượng ép kia để hàng xóm không bàn tán, xì xầm thôi.
Ai cũng nói ba tôi muốn có một đứa con trai, ông ấy muốn thật. Người ta còn nói nhà tôi có bốn đứa con gái (tôi là con út, trên có ba chị gái nữa) như vậy thì đâu được, phải cố gắng kiếm đứa con trai chứ. Những câu nói đó đã từng làm tôi hoang mang trong khoảng thời gian không ngắn.
Ảnh minh họa.
Con trai rất quan trọng sao? Tôi bắt đầu đi tìm ưu điểm của giới tính nam. Tôi quan sát tụi con trai trong lớp và nhận ra rằng không ai học giỏi hơn mình vì thế đưa ra kết luận muốn có con trai không phải vì tụi nó học giỏi. Trong xóm lại có vài người đàn ông thích uống rượu và bài bạc, tôi lại rút ra một bài học, muốn có con trai cũng không phải vì những đóng góp của họ cho gia đình và xã hội. Giờ nghĩ lại vẫn thấy buồn cười, hồi đó tôi đúng là thích vơ đũa cả nắm.
Một buổi tối khi đang xem một bộ phim Trung Quốc, tôi bừng tỉnh vì mình đã tìm được câu trả lời. Thì ra con trai là để nối dõi tông đường, duy trì nòi giống. Hay thật, nghe cứ như có ngai vàng để thừa kế hay có gia tài tổ truyền cần giữ gìn qua nhiều thế hệ. Hình như lúc ấy tôi đã vừa nhìn ba tôi vừa nghĩ, việc thiêng liêng như vậy đúng là cần một đứa con trai thật rồi.
Thật ra ngoài việc luôn mong ước một đứa con trai ba tôi cũng không có khuyết điểm khác. Ông ấy không uống rượu hay đánh đập gì vợ con. Chỉ là ông ấy không mang tiền về cho vợ thôi. Chắc là con gái thì nuôi nấng không tốn nhiều tiền nhỉ, một mình mẹ tôi thì cũng nuôi được rồi.
Các chị của tôi lần lượt lấy chồng, sau đám cưới của chị Tư, tôi bần thần nhìn căn nhà trống rỗng chỉ còn lại ba mẹ và mình. Rồi mỗi ngày tôi sẽ phải nói gì với ba mình nhỉ, tôi không có gì muốn nói với ông ấy cả. Đừng nghĩ rằng tôi xa lánh ba hay việc gì đại loại thế, chỉ tôi cũng không có nhu cầu giao tiếp với mọi người thôi. Có điều triệu chứng này khi gặp ba tôi thì nó nặng thêm chút nữa, có khi chỉ muốn đâm đầu vào gối cho xong.
Tôi học xong đại học và vẫn độc thân từ trong bụng mẹ cho đến bây giờ. Thế là tôi đối mặt với những câu hỏi làm nhân loại đau đầu vào mỗi dịp Tết: “Con đã có người yêu chưa?”, “Thế muốn chọn người như nào mà tới giờ vẫn chưa chọn được?”,... Và hình như ba tôi cũng muốn hỏi thế. Tôi không biết trả lời sao cả, hét lên là tôi không muốn yêu đương hay lấy chồng sao?
Nguyên nhân của việc tôi không muốn lấy chồng có thể nói rất vớ vẩn. Không phải do tôi quá thành công hay quá mạnh mẽ để có thể tự tin độc lập mà là vì tôi tình cờ nghe được một quan điểm quá làm người ta khiếp sợ. Quan điểm này cho rằng con gái trong tiềm thức thường có xu thế chọn một người chồng giống ba mình, dù ba mình tốt hay xấu. Phải nói là lúc nghe xong tâm hồn thiếu nữ của tôi vỡ đầu đất không dán lại được. Tôi không tự tin mình lý trí và có mắt nhìn người hoặc giả tôi lý trí đi thì ai mà biết cái tiềm thức của tôi nó như thế nào, vì vậy tôi quyết định, tránh xa những con người có giới tính nam.
Vì sợ một người chồng không biết có xuất hiện hay không giống với ba mình mà quyết định quay lưng với nam giới, đúng là một tình cha con cảm lạnh mà. Tự tôi đã nghĩ thế, không biết bao nhiêu lần.
Trọng nam không phải là điều quá hiếm thấy ở Việt Nam, không biết những trường hợp khác sẽ thế nào nhỉ?
Cố gắng xuất sắc để đạt được sự công nhận hay cứ uất ức mãi trong lòng. Tôi không thuộc trường hợp nào cả. Tôi cũng cố gắng học tập những không thất vọng khi thành tích của mình không được quan tâm, tôi cũng hay ấm ức vì không được yêu chiều như con nhà người ta nhưng lại rất dễ bị những chuyện khác lôi kéo sự chú ý. Sao vậy nhỉ, từ không hiểu ba tôi quay sang không hiểu mình luôn rồi. Nói chung là con người thật khó hiểu.
Nhưng dù sao đi nữa, tôi vẫn muốn cảm ơn ba mình vì đã giúp tôi có mặt trên thế giới này. Và cả việc từ nhỏ đến giờ tôi chưa từng bị ba đánh nữa. Nếu có ai hỏi điều làm tôi cảm thấy hạnh phúc nhất cho đến bây giờ là gì, tôi có thể trả lời ngay rằng: tôi chưa từng bị đánh.
Với một người sợ đau như tôi đây đúng là hạnh phúc không gì bằng. Cảm ơn ba nhé, dù ban đầu sự xuất hiện của con là không mong muốn, nhưng con biết ba đã cố gắng đối xử với con dịu dàng hết sức có thể rồi.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt
Bài dự thi cuộc thi viết “Cha và con gái”
Tác giả: Ngô Thị Kim Khang
Địa chỉ: KP6, Phường Linh Trung, TP. Thủ Đức, TP.HCM.
Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"
Yêu cầu
- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.
- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…
Đối tượng dự thi
- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi
- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi.
- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam.
Thời gian nhận bài thi
- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.
- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.
Địa chỉ nhận bài thi
- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].
- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).
Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.
Thông tin liên hệ
Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.
Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).
Lưu ý: Tòa soạn sẽ chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định.
Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem tại đây!