Thứ hai, 13/05/2024 22:08
|
Hà nội 21*C/61%
Emagazine
Dù mang đến những kết thúc viên mãn, hạnh phúc nhưng những bộ phim truyền hình vẫn chưa cho thấy sự sáng tạo khi triển khai tập cuối cho tác phẩm.

Dù mang đến những kết thúc viên mãn, hạnh phúc nhưng những bộ phim truyền hình vẫn chưa cho thấy sự sáng tạo khi triển khai tập cuối cho tác phẩm.

Trong những năm gần đây, màn ảnh Việt đã chào đón những tác phẩm truyền hình chất lượng với những kết thúc phim mỹ mãn và có hậu. Tuy nhiên, việc nhiều tác phẩm sở hữu những cái kết có phần tương đồng khiến cho tập cuối trở nên quen thuộc, thậm chí là rơi vào tình trạng "một màu" do chưa mang đến sự mới mẻ và sáng tạo.

Những tập cuối “đẹp không tì vết”

Cụ thể, những bộ phim nhận được sự quan tâm của khán giả thời gian gần đây như "Thương ngày nắng về", "Đừng làm mẹ cáu", "Dưới bóng cây hạnh phúc",... đều có kết thúc rất đẹp khi các nhân vật trong phim có được hạnh phúc cho riêng mình. Không chỉ các nhân vật mà ngay cả khán giả xem đài cũng cảm thấy được "vui lây" khi chứng kiến nhân vật mình yêu thích có một cuộc sống tốt đẹp và yên bình sau khi trải qua bao sóng gió. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là việc duy trì những kết thúc "đẹp không tì vết" của đại đa số tác phẩm truyền hình liệu có khiến cho dòng phim này trở nên nhàm chán?

Empty

Điểm chung tập cuối của các phim thường là giải quyết tất cả mâu thuẫn còn tồn đọng trước đó, xây dựng viễn cảnh hạnh phúc cho các nhân vật. Chẳng hạn như với tác phẩm "11 tháng 5 ngày" đã dành đến 3/4 thời lượng cho tập cuối chỉ để giải quyết nốt mối quan hệ phức tạp của cặp đôi chính. Hay ở bộ phim "Dưới bóng cây hạnh phúc", nhân vật ông Công (NSND Quốc Trị) đang có định kiến gắt gao với nhân vật Nhài (Thu Huyền) - một bà mẹ đơn thân. Nhưng chỉ qua một vài tương tác ở tập cuối mà mâu thuẫn của hai nhân vật này lại bỗng chốc “tan thành mây khói”.

Một ví dụ khác có thể kể đến chính là tác phẩm "Đừng nói khi yêu". Trước đó, nhân vật mẹ Quy (NSƯT Mỹ Uyên) đã xúc phạm danh dự của nữ chính và mẹ của nữ chính một cách nghiêm trọng. Nhưng sang đến tập cuối, mối quan hệ của bà với các nhân vật nhanh chóng được "hạ nhiệt" và được giải quyết êm đẹp như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Empty

Không chỉ nội dung mà hình thức tập cuối của các bộ phim cũng được thể hiện "na ná nhau". Ví dụ như phim "11 tháng 5 ngày", "Phố trong làng" hay gần đây nhất là "Dưới bóng cây hạnh phúc" đều kết thúc bằng việc các nhân vật quây quần chụp ảnh kỷ niệm. Còn đối với các tác phẩm như "Thương ngày nắng về", "Đừng làm mẹ cáu"... sẽ khép lại bằng những đám cưới đình đám, hoành tráng.

Và còn có không ít những bộ phim chọn cách kết thúc bằng những mâm cơm gia đình, khai trương cửa hàng, hội ngộ nhau, trò chuyện vui vẻ và nhìn lại những điều buồn vui mà họ đã trải qua. Đến cuối phim, hầu hết các tác phẩm sẽ được khai thác theo hình thức hồi tưởng bằng cách tua lại những phân cảnh nổi bật, tiêu biểu có trong toàn bộ tác phẩm.

Kết thúc “màu hồng”: Chiều lòng khán giả hay cạn ý tưởng?

Có thể thấy được biên kịch và những nhà làm phim có phần hơi "nịnh" khán giả bằng những tập cuối đầy “màu hồng”. Dù rằng những bộ phim luôn cố gắng mang đến những viễn cảnh tốt đẹp nhất để thỏa mãn mong ước của khán giả nhưng cách truyền đạt không có gì mới mẻ đang cho thấy sự bí ý tưởng của các nhà làm phim khi muốn kết thúc một bộ phim. Chưa kể, còn có nhiều tác phẩm cố gắng "chạy nước rút" bằng những cái kết chóng vánh, qua loa, gây hụt hẫng cho khán giả, chẳng hạn một vài cái tên như "Đừng nói khi yêu" , “Phố trong làng”...

Empty

Nguyên nhân về việc kết thúc phim không đa dạng có thể được cho là vì phim truyền hình Việt đang bắt đầu xây dựng lại vị thế trong thời gian gần đây. Cho nên các nhà làm phim đang cố gắng đơn giản hóa kết thúc để chiều lòng người xem, giúp thỏa mãn mong ước của khán giả. Đây cũng giống như minh chứng cho việc các nhà biên kịch, đạo diễn luôn sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người xem.

Ngoài ra, các bộ phim đều có kịch bản gần gũi với cuộc sống thường nhật, thường đan xen chuyện gia đình, chuyện tình yêu đôi lứa, không có nhiều những nội dung hóc búa, phức tạp. Vì thế, việc mang đến những cái kết nhẹ nhàng như chính cuộc sống của các nhân vật cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng nếu cứ lặp đi lặp lại từ nội dung cho đến hình thức sẽ khiến cho mô típ kết thúc phim dần trở nên sáo rỗng, thiếu sáng tạo, thiếu dấu ấn. Những kết thúc hiện nay chỉ nằm trong vùng an toàn, đang cố gắng cộng dồn và giải quyết những gì tập trước còn bỏ ngỏ.

Empty

Việc triển khai cái kết như vậy đôi khi không khác gì như một "bát mì ăn liền", thiếu chiều sâu, thiếu sự chỉn chu và đầu tư. Ngoài ra, một số bộ phim còn cố gắng nhồi nhẹt những phân cảnh mới, tình tiết mới để giải thích thêm sự kiện, sự việc. Điều này không may sẽ làm cho tác phẩm trở nên gượng ép và vô tình khiến khán giả bị “bội thực” khi tiếp nhận diễn biến của phim.

Thoát khỏi vùng an toàn, vươn tới sự sáng tạo

Để tạo ra một cái kết đẹp là điều đã quá dễ dàng, nhưng để tạo nên một tập cuối hợp lý, mới lạ và khác biệt thì vẫn còn là một điểm hạn chế của dòng phim truyền hình. Việc kết thúc mỹ mãn cho phim ban đầu có thể làm hài lòng các "thực khách khó tính", nhưng càng về sau, sẽ gây nên sự nhàm chán, một màu và đến ngay cả người xem cũng dễ dàng đoán trước được kết cục của tác phẩm.

Một bộ phim hay nên cần một kết thúc thật bùng nổ chứ không nên gói gọn trong một khuôn khổ hay một vùng an toàn. Hơn trên hết, tập cuối của phim cần chạm đến cảm xúc của người xem, khiến cảm giác trong họ được vỡ òa, thăng hoa. Từ đó, chính những khán giả cũng cảm thấy rằng việc họ dành sự quan tâm, theo dõi và yêu mến bộ phim đó là hoàn toàn xứng đáng.

Empty

Dẫu biết rằng các bộ phim luôn đề cao hạnh phúc của nhân vật, hạnh phúc của gia đình, của tập thể nhưng những nhà làm phim cũng nên linh hoạt khi triển khai tập cuối, có những sự đổi mới sao cho hợp thời, đa dạng thay vì xài chung một kiểu mẫu rồi xào đi xào lại.

Để phim truyền hình thành công trọn vẹn, việc cần làm là nên đa dạng hóa kết thúc cho phim. Có thể sử dụng các hình thức như kết mở hoặc thay đổi hình thức sao cho phong phú hơn chứ không đơn thuần dừng lại ở những bữa tiệc, những đám cưới, những lần chụp hình tập thể,... Nên tập trung làm nổi bật những mối quan hệ sâu sắc và quan trọng có trong phim thay vì lan man giải quyết tất cả những mối quan hệ ngoài lề. Điều đó sẽ vô tình làm mạch phim bị loãng cũng như biến tập cuối trở nên dàn trải, nhạt nhòa, kém hấp dẫn.

Trong quá trình xây dựng kịch bản thì người làm phim nên quan tâm đến việc hình thành tình tiết và cách thức giải quyết tình tiết, nhất là tình tiết mâu thuẫn, tránh việc giải quyết cho có hoặc giải quyết vô lý. Từ đó sẽ hạn chế được việc tạo ra những phân cảnh khiên cưỡng, gượng gạo thậm chí là "sượng trân".

Quả thật, bất kỳ người xem nào cũng muốn thưởng thức một tác phẩm được khép lại bằng sự vui vẻ, hạnh phúc. Và việc chiều lòng khán giả cũng đã chứng minh được sự quan tâm, lắng nghe và thấu hiểu từ các nhà sản xuất phim. Nhưng khi thị hiếu và nhu cầu của khán giả ngày một tăng thì việc đổi mới, sáng tạo cũng cần được chú trọng trong các tác phẩm truyền hình. Nhờ đó mà các tác phẩm mới thêm phần đa dạng, chất lượng. Thông qua đó, dòng phim truyền hình sẽ không bị một màu, ngày càng có cơ hội khẳng định vị thế vững chắc và ngày một phát triển mạnh mẽ, gặt hái được những thành công thật vang dội.

Nội dung - Thiết kế: Thu Loan  
Nova Service và K.V Golf Resort & Hotel Management ký kết hợp tác chiến lược
Cục nóng điều hòa có cần che chắn khi đặt ngoài trời?
Cơ thể con người thay đổi thế nào khi nhiệt độ vượt quá 40 độ C?
Nhiều người ngáy to nhưng tỉnh dậy vẫn một mực phủ nhận, vì sao vậy?
Bố đơn thân và hành trình nuôi con gái mắc bệnh Down
Nhầm lẫn tai hại trong tiệm spa
Biết 5 tác dụng này sẽ hiểu vì sao nhiều người uống nước dừa mỗi ngày
Có nên mua tủ lạnh thông minh, cần lưu ý điều gì?
Nhiều người cấm con đọc truyện tranh nhưng không hay biết 9 điều đặc biệt
Vì sao người xưa nói “nghèo không lễ Phật”?
Xác cá voi dài 6m trôi dạt vào bờ biển Nghệ An
Niềm tự hào của Cha về hai con gái
Xem thêm