Cách lái xe ô tô đường cao tốc an toàn trong ngày mưa gió
Lái xe ô tô cao tốc ngày mưa gió tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc. Vì thế, chủ xe nên lái cẩn trọng và tuân thủ một số nguyên tắc an toàn.
Giữ khoảng cách an toàn giữa các xe và không chạy theo xe quá gần
Dù trời mưa nhẹ hay mưa tầm tã, tầm nhìn lái xe của tài xế không thể rõ ràng như trời nắng. Vì vậy, tài xế cần chú ý đến việc duy trì khoảng cách giữa các xe và không chạy theo xe quá gần.
Trên đường đi, nếu phát hiện xe phía trước có dấu hiệu giảm tốc độ, chủ xe cũng nên giảm tốc độ kịp thời, nếu không rất dễ bị tông vào đuôi xe. Ngoài ra, trong trường hợp mưa lớn, khoảng cách sẽ phải được tăng lên. Đặc biệt khi chạy trên cao tốc, những làn cho phép chạy 100km/giờ, 120km/giờ thì càng phải lưu ý điều này.
Nếu không giữ khoảng cách, chạy bám đuôi xe phía trước thì khi xe phía trước bất ngờ phanh hoặc chuyển làn, rất dễ xảy ra va chạm liên hoàn. Những tài xế có kinh nghiệm và thường xuyên lái xe trên đường cao tốc chia sẻ, nếu lái xe với tốc độ 60km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu với xe phía trước khoảng 35m.
Từ 60 - 80km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu khoảng 55m. Tốc độ 80 đến dưới 100km/giờ, cần giữ khoảng cách an toàn tối thiểu là 70m và từ 100 đến dưới 120km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu với xe phía trước khoảng 100m.
Ảnh minh họa.
Kiểm soát tốc độ và tránh phanh gấp
Vào những ngày mưa lớn, đường cũng khá trơn trượt. Nếu tài xế lái xe quá nhanh, xe rất dễ bị trượt bánh, đe dọa đến sự an toàn của chính họ. Vì vậy, các chủ xe phải chú ý kiểm soát tốc độ của xe, thà chạy chậm còn hơn chạy nhanh khi trời mưa gió. Ngoài ra, sử dụng phanh đúng cách khi lái xe để tránh phanh gấp.
Không chuyển làn hoặc vượt thường xuyên
Thông thường, mỗi chiều trên cao tốc sẽ có 2 - 4 làn, tương ứng với các mức tốc độ cho phép khác nhau. Vì vậy, nếu đột ngột chuyển làn rất dễ xảy ra va chạm do sự chênh lệch về tốc độ. Do đó, chỉ được chuyển làn ở những đoạn cho phép (vạch đứt, có biển báo).
Thứ hai, khi xác định chuyển làn, cần bật xi nhan để báo hiệu cho xe phía sau ở làn bên kia. Đồng thời quan sát xe chạy trước và xe chạy sau để của làn hiện tại để giữ khoảng cách an toàn rồi mới tiến hành chuyển làn. Bên cạnh đó, khi nhập sang làn mới, tùy theo tốc độ cho phép mà giảm, tăng tốc tương ứng.
Ảnh minh họa.
Điều khiển theo lộ trình của xe đi trước khi lái xe trên đoạn đường xa lạ, khó đi
Nếu chủ xe đang lái xe trên những con đường không quen thuộc hoặc những đoạn đường khó đi trong thời tiết mưa gió nên lái xe cẩn thận theo lộ trình của xe phía trước. Điều này tương đương với việc “tiếp bước kinh nghiệm của những người đi trước”, có thể tránh được một số nguy hiểm.
Tránh chạy theo xe tải lớn trong thời gian dài và tìm thời điểm để vượt
Xe tải lớn có thể được nhìn thấy trên cả đường bình thường và đường cao tốc. Loại xe này rất lớn, có thể dễ dàng che khuất tầm nhìn của chủ phương tiện phía sau. Vì vậy, các chủ xe nên tránh đi sau trong thời gian dài.
Theo kinh nghiệm, nếu muốn vượt xe khác làn trên đường cao tốc nên chạy xe đến vị trí sao cho hình ảnh xe của bạn lọt vào tầm nhìn gương chiếu hậu của xe phía trước. Giữ tốc độ sau đó phát tín hiệu thông qua việc nháy đèn hoặc bấm còi đề báo hiệu.
Chú ý quan sát, nếu bảo đảm an toàn, tiếp tục tăng ga cho xe di chuyển trong giới hạn tốc độ cho phép để vượt xe phía trước. Khi lái xe trên đường cao tốc không nên đi song song với các xe tải, container… vì có thể làm cho bạn giảm tầm nhìn và đề phòng những yếu tố bất ngờ hay xảy ra.
Ảnh minh họa.
Xác định vị trí điểm dừng, đỗ theo quy định
Các tuyến đường cao tốc đều có những chặng dừng chân để nghỉ ngơi hoặc xử lý sự cố. Khi di chuyển vào những điểm dừng này, cần bật xi nhan chuyển làn và quan sát kỹ các xe đi phía sau và phía trước. Với trường hợp cần dừng xe khẩn cấp hoặc đưa xe ra khỏi làn đang chạy nhưng không được, cần phát tín hiệu để những tài xế phía sau có thể quan sát, thường là bằng biển báo tam giác.
Ngoài ra, khi di chuyển từ làn dừng, đỗ sang làn khác, cũng cần quan sát kỹ rồi mới nhập, không vọt ga ngay lập tức. Trên đường cao tốc, làn ngoài cùng bên phải được tách biệt bằng vạch liền, gọi là làn khẩn cấp, dành cho các xe gặp sự cố có thể dừng lại, hoặc dành cho những xe ưu tiên trong trường hợp khẩn cấp có thể chạy như xe cứu thương, xe công an.
-> Lái xe riêng cho nhà giàu sướng hay khổ, lương tháng bao nhiêu?