Cách chăm sóc mắt cho trẻ sơ sinh tránh các bệnh nhiễm khuẩn thường gặp
Trong những tháng đầu đời, trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn mắt nếu không được giữ gìn vệ sinh cẩn thận
Trẻ sơ sinh là đối tượng dễ dàng mắc các chứng nhiễm khuẩn mắt với các dấu hiệu dễ dàng nhận biết như đau mắt đỏ, mắt đổ ghèn, sưng, tiết nước mắt thường xuyên… Cha mẹ cần nắm rõ một số dấu hiệu nhiễm khuẩn về mắt thường gặp ở trẻ sơ sinh và cách xử trí khoa học để giảm thiểu những biến chứng, làm ảnh hưởng tới thị lực của trẻ.
Trong những tháng đầu đời, trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn mắt nếu không được giữ gìn vệ sinh cẩn thận
Những chứng nhiễm khuẩn mắt thường gặp
Tắc tuyến lệ
Theo uớc tính, có khoảng 10% trẻ sơ sinh mắc phải tình trạng này. Triệu chứng chính là mắt bé thường xuyên có nước mắt ngay cả khi bé không khóc. Triệu chứng này xuất phát từ nguyên nhân tuyến lệ bị chặn, do đó, những giọt nước mắt được tạo ra không thể thoát ra ngoài, khiến cho đôi mắt của bé trở nên ngập nước. Thông thường mắt bé sẽ đỏ ngầu vì bị viêm. Nhiễm trùng thứ phát có thể xảy ra trong trường hợp này dẫn đến hình thành mủ.
Viêm kết mạc và viêm giác mạc
Một trong những vấn đề về mắt mà trẻ sơ sinh thường gặp đó chính là viêm kết mạc và viêm giác mạc. Các triệu chứng thường gặp như mắt sưng đỏ, có ghèn vàng, mi mắt dính lại, khó nhắm mở, tiết nhiều nước mắt…thường bắt đầu từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 sau sinh.
Nguyên nhân của các vấn đề kể trên có thể do: rách, xước giác mạc, dị vật tác động, hạt thóc, bỏng hoá chất… Bên cạnh đó, việc giữ vệ sinh mắt cho trẻ kém cũng làm gỉ mắt xuất hiện nhiều, để lâu ngày, rất dễ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm.
Việc giữ vệ sinh mắt cho trẻ kém cũng làm gỉ mắt xuất hiện nhiều, để lâu ngày, rất dễ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm
Tuy nhiên, đa phần các trường hợp trẻ bị viêm kết mạc hoặc viêm giác mạc là do nhiễm một số loại vi khuẩn từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở. Chuyên gia chỉ ra 3 tác nhân thường gây nhiễm khuẩn mắt nhất là Neisseria gonorrhoea (vi trùng gây bệnh lậu), Chlamydia trachomatis (trùng roi) (bé có thể mắc phải hai tác nhân này trong khi sinh từ đường sinh dục của mẹ) và Staphylococcus aureus (mắc phải cả từ đường sinh dục mẹ hay sau khi sinh, từ người chăm sóc).
Những dấu hiệu này nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực mắt trẻ, thậm chí dẫn tới mù lòa.
Trẻ sơ sinh bị lẹo mắt
Lẹo mắt hay chắp mắt ở trẻ sơ sinh là một loại mụn nhỏ mọc ở bờ mi mắt hay dưới chân lông mi do một loại tuyến nhỏ ở bờ mi bị nhiễm trùng. Lẹo mắt thường xuất hiện, rồi biến mất sau khi điều trị nhưng rất dễ tái phát lại nếu không được điều trị dứt điểm dưới sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ là tình trạng phổ biến xảy ra ở mọi lứa tuổi, vào nhiều thời điểm trong năm. Đau mắt đỏ có tỷ lệ biến chứng khoảng 20% chủ yếu là viêm giác mạc. Nguyên nhân là do vi khuẩn và virus gây ra. Trẻ bị đau mắt đỏ sẽ có những biểu hiện: Sưng nề, dử mắt ra nhiều, mắt đỏ, xuất huyết dưới kết mạc, chảy nước mắt…
Đau mắt đỏ rất dễ lây lan qua môi trường, sự tiếp xúc gần, tia bọt bắn ra lúc nói chuyện… Vệ sinh cẩn thận là cách tốt nhất để kiểm soát lây lan. Nếu để lâu có thể dẫn đến biến chứng vĩnh viễn cho mắt.
Chuyên gia chỉ cách vệ sinh phòng nhiễm khuẩn mắt
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường dễ gặp những vấn đề về mắt, như mắt đổ ghèn nhiều, viêm tắc tuyến lệ. Trường hợp mắt trẻ đã bị nhiễm trùng, ghèn mắt đổ nhiều và liên tục kéo dài trong khoảng 6-7 ngày, cần cho trẻ đi khám để biết nguyên nhân chính xác nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc về sau.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần phải đặc biệt giữ gìn vệ sinh đôi mắt cho bé. PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng bộ môn Nhi, Đại học Y Hà Nội cho biết: “Khi chào đời, hốc mắt của trẻ còn dính dịch từ cơ thể mẹ nên cần phải thường xuyên làm sạch mắt. Vệ sinh mắt cho bé bằng nước muối sinh lý là một trong những cách để nuôi con khỏe mạnh. Điều này giúp loại bỏ các chất nhầy dư thừa, vi khuẩn, ngăn ngừa các chứng bệnh nhiễm khuẩn mắt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”.
Bác sĩ cũng hướng dẫn các bậc phụ huynh, khi vệ sinh mắt, mẹ nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào miếng bông gòn rồi lau 2 bên khóe mắt. Phụ huynh nên sử dụng 2 miếng bông khác nhau để tránh lây nhiễm chéo. Mẹ cần giữ miếng bông ẩm kết hợp với thao tác lau nhẹ nhàng, không để gỉ khô chà xát gây tổn thương bé. Khác với mũi, phụ huynh không nhỏ trực tiếp nước muối vào mắt bé vì có thể làm ảnh hưởng đến giác mạc.
Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, chính vì vậy, cha mẹ cần cẩn trọng trong khâu vệ sinh, đặc biệt là việc lựa chọn sản phẩm an toàn chăm sóc đôi mắt trẻ.
-> Bố mẹ bị nhiễm vi khuẩn HP, làm sao phòng bệnh cho con?
Xem thêm: Bệnh thủy đậu, cách chăm sóc và điều trị