Thứ tư, 15/01/2025 19:22     |   Tiêu dùng     |   Nhịp sống miền Tây     |   Phụ nữ Sức khoẻ
|
Hà nội 21*C/61%
Chủ nhật, 23/04/2023 05:30

Bố có lỗi lầm gì tôi cũng chọn thứ tha

“Nhiều người hỏi rằng, tôi có hận bố, có ghét bố không, vì ông không đoái hoài đến tôi suốt chừng ấy năm. Nhưng dù bố có lỗi lầm gì, tôi cũng chọn tha thứ cho ông. Quá khứ đã qua rồi, giờ là lúc chúng tôi hàn gắn vết thương để hướng về phía trước”.

Vết thương thời thơ ấu

Bố tôi về quê, lần này bố ở miền Nam đưa em gái về Bắc làm đám cưới. Đó là một sự kiện đặc biệt với gia đình tôi. Cả họ rộn ràng, bận bịu hết cả lên. Tôi cũng vui lắm, những ký ức về một thuở ấu thơ lại hiện về sống động.

Năm tôi 2 tuổi, gia đình gặp biến cố. Mẹ tôi đau ốm triền miên. Để có tiền chữa bệnh cho mẹ, bố tôi bôn ba đi làm ăn, theo bạn bè vào Nam, rồi gia đình bặt tin ông từ đó. Khi bố đi xa, ông bà ngoại đã đưa mẹ tôi về chăm sóc, còn tôi ở lại để nhà nội trông nom.

Khi ông nội bệnh nặng, anh trai của bố - tức bác tôi đón cả ông bà và tôi về nuôi. Ít lâu sau thì ông nội qua đời, ước nguyện muốn nhìn mặt cậu con trai út lần cuối đã không thành.

1

Ảnh minh họa

Tôi không thường xuyên được gặp mẹ. Quê ngoại chỉ cách nhà tôi một ngọn núi và một con sông. Nhưng sức khoẻ mẹ yếu, không về thăm tôi được. Khi mùa màng nhàn rỗi, bà nội mới đưa tôi đi thăm.

Hai mẹ con lâu ngày không gần gũi, con bé tỏ ra lạ lẫm và xa cách. Mỗi lần gặp, nó thường né tránh sự âu yếm của mẹ. Gương mặt mẹ, tôi không thể nào nhớ nổi. Nhưng trong ký ức của mình, có vài lát cắt vẫn còn in đậm trong tâm trí. Lần cuối cùng tôi gặp mẹ, người phụ nữ 28 tuổi nằm trên giường với dáng hình gầy gò và yếu ớt. Mẹ nói muốn uống nước do chính tay con gái rót. Cô bé rụt rè bưng chén nước đến bên giường. Mẹ cầm tay tôi, vuốt ve khuôn mặt tôi rồi bật khóc. Có lẽ mẹ đã biết trước chuyện gì sẽ đến.

Sau lần đó, tôi trở lại nhà nội để đi học. Có một ngày, khi tôi đang trong lớp, anh họ tôi hớt hải chạy đến báo tin: “Về ngay đi, mẹ em chết rồi”. Tai tôi ù đi, hai hàng nước mắt nóng hổi cứ thế lăn dài trên má. Năm đó, tuổi tôi vừa lên 7.

Đám tang của mẹ được tổ chức ở quê ngoại. Tôi nhìn thấy mẹ nằm đó lặng im và lạnh lẽo, được phủ bằng những lớp vải có nhiều hoa văn. Nhiều ánh mắt đang đổ dồn vào tôi, nhưng trước mặt người lớn, con bé cố để không bật khóc. Khuôn mặt dửng dưng như thể người đang nằm đó không liên quan gì tới nó. Thi thoảng, tôi lén quẹt chiếc khăn tang qua mặt để lau vội nước mắt cứ trực trào.

“Con bé thật ngốc, mẹ mất rồi nó vẫn chưa biết gì”, tôi chỉ giấu mình một góc bên cánh tay của bà nội để tránh những ánh nhìn. Có lẽ không ai biết, tâm hồn tôi từ đó đã bị đâm thủng một lỗ, không bao giờ có thể chữa lành.

Sự trở về của bố

Suốt nhiều năm, bác tôi dò la tin tức về bố khắp nơi. Có người nói bố tôi đã chết, cũng có người nói còn sống nhưng không biết địa chỉ. Cứ thế ông bặt vô âm tín suốt hơn 20 năm. Trong hồ sơ của tôi những năm đi học, mục về bố luôn để trống.

Bác tôi cũng nghèo, đã có 3 người con, nuôi thêm một đứa trẻ không phải chuyện nhỏ. Người làng thường bàn tán nhiều về hoàn cảnh của tôi. Họ thường hỏi:“ Có nhớ mặt bố không? Nhớ mặt mẹ không? Lớn lên có đi tìm bố không?”; “Tội nghiệp con bé, mồ côi cả bố lẫn mẹ”. Tôi không nói gì, chỉ cúi đầu lặng thinh, tôi sợ những lời thương hại.

Có lần tôi nghe người ta bảo bác: “Hay là đưa nó vào trại trẻ mồ côi”. Tôi sợ lắm, trốn lên rừng khóc cả ngày hôm ấy. Nhưng bác tôi chẳng bao giờ nói về chuyện đó. Ông lẳng lặng nuôi tôi bằng tất cả tình yêu thương và trách nhiệm còn hơn một người cha. Dù vất vả bao nhiêu, ông chẳng bao giờ nặng lời đe nẹt, cũng chẳng bao giờ than thở.

Bác tôi thường chuẩn bị mọi thứ trước mỗi năm học mới. Ông mua cặp sách và bút vở, ông chọn trường chọn lớp. Năm lớp 6, tôi có giấy gọi vào trường nội trú huyện, cách nhà 30km, bắt đầu cuộc sống xa nhà. Bác tôi chưa từng phải nhắc nhở về chuyện học hành, vì tôi sớm ý thức và hiểu chuyện, kết quả học tập không làm ông thất vọng.

Với thành tích tốt, sang cấp 3, tôi lại được gọi vào nội trú tỉnh, trường ở thành phố cách nhà 70km. Mỗi năm, tôi chỉ về nhà vào kỳ nghỉ hè và nghỉ tết. Năm lớp 11, có một ngày khi đang ở ký túc xá của trường, các anh tôi đến thăm, cùng với đó là một người đàn ông lạ mặt.

“Bố em đấy, ra chào bố đi”, anh tôi nói.

Tôi bất ngờ và hoang mang, trong lòng chỉ muốn chạy đi, tôi chẳng nói được lời chào. Có lẽ bố cũng khó xử khi đứng trước cô con gái đã xa cách hơn 20 năm.

“Chào con!”, nói rồi ông tiến lại gần cầm tay tôi, tôi chưa biết làm sao để đón nhận ông. Cuộc gặp chóng vánh, sau buổi trưa ấy ông lại ra đi. Dù vậy, từ đó tôi biết là mình vẫn còn có bố.

22

Ảnh minh họa

Khi tôi vào đại học, bác vẫn là người duy nhất có vai trò quyết định trong cuộc sống của tôi. Ông không để tôi thiếu thốn điều gì so với chúng bạn, nhưng thực lòng, trong tâm hồn của một đứa trẻ, việc thiếu vắng bố mẹ vẫn để lại một khoảng trống không thể lấp đầy. Bác cũng luôn bao dung với đứa em của mình, chẳng một lời trách móc và đòi hỏi, trong lòng tôi, ông mãi là một tượng đài vĩ đại.

Nhiều người hỏi rằng, tôi có hận bố, có ghét bố không, vì ông không đoái hoài đến tôi suốt chừng ấy năm. Nhưng dù bố có lỗi lầm gì, tôi cũng chọn tha thứ cho ông. Có lẽ ông có cái khó của mình, hoàn cảnh buộc lòng ông phải thế. Giờ đây, tôi mừng cho bố, vì ông có gia đình riêng hạnh phúc, có người vợ yêu thương và 2 đứa con đã khôn lớn.

Lần này bố trở về, tôi đưa ông về quê ngoại, nơi mẹ tôi đang yên nghỉ. Ở đó có một bầu trời kỷ niệm của bố mẹ, thắp nén hương lên bàn thờ mẹ, gương mặt ông trầm tư và xúc động.

Bà ngoại tôi nói, mẹ đã luôn ngóng chờ bố, dù khổ tâm nhưng trước khi nhắm mắt xuôi tay, mẹ vẫn không hận ông. Ở nơi chín suối, mẹ tôi có lẽ cũng sẽ mỉm cười chúc phúc cho bố.

Lần tái ngộ này, tôi và bố có vài ngày ở gần nhau, ăn cùng vài bữa cơm, cũng tương tác nhiều hơn. Quá khứ đã qua rồi, giờ đây chúng tôi chỉ muốn hàn gắn để nhìn về phía trước.

Bố không biết tôi đã lớn lên thế nào, từng bước trưởng thành của tôi ông không được chứng kiến, tôi cũng không có ký ức gì về ông. Dù vậy, tình phụ tử là thứ bản năng thiêng liêng nhất trên đời, tôi cảm nhận được sự dằn vặt của ông và ánh mắt dịu dàng của một người cha với con gái mình. Và ở chiều ngược lại, tôi cũng vẫn thương ông.

Chiều nay, tôi chia tay bố. Trong dòng người ở sân bay, ông cứ ngoái đầu nhìn lại với ánh mắt rưng rưng. Tôi vội vã ngoảnh mặt đi để giấu vội đôi mắt đã ướt nhòe.

Lúc trước tôi từng mặc cảm vì tuổi thơ bất hạnh. Nhưng hiện tại, tôi thấy mình may mắn, những năm tháng khó khăn nhất đã qua rồi, tôi may mắn vì được lớn lên trong sự yêu thương và bao bọc của bà nội, của bác tôi. Và cũng thật may mắn, vì bố tôi vẫn còn đó, ông còn nhớ đường về nhà sau nửa đời lưu lạc.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Cha và con gái"

- Tác giả: Lương Diễn

- Địa chỉ: Số 3/568 Lê Lai, phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa, Thanh Hóa

Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"

Yêu cầu

- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.

- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…

- Ưu tiên những bài dự thi có ảnh nhân vật kèm theo

Đối tượng dự thi

- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi

- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi.

- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam.

Thời gian nhận bài thi

- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.

- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.

Địa chỉ nhận bài thi

- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].

- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).

Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.

Thông tin liên hệ

Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.

Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).

Lưu ý: Tòa soạn sẽ chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định.

Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem tại đây!

Ban tổ chức  
Bí quyết '5 chữ' dạy 3 con gái thành CEO và giáo sư đại học nổi tiếng thế giới
'Ngược dòng' dư luận dạy 3 con gái thành thiên tài cờ vua
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: 'Cuộc thi 'Cha và con gái' mang ý nghĩa nhân văn, thấu cảm nhiều người'
NSND Hoàng Cúc: 'Cha sẵn sàng viết đơn cắt hộ khẩu để tôi thoát ly gia đình theo đuổi nghệ thuật'
'Cuộc thi 'Cha và con gái' là cầu nối để tôi được nói tiếng lòng với cha'
“Cuộc thi Cha và con gái giúp tôi nói lời tri ân sâu sắc tới hậu phương”
“Học sinh ngoan, chăm chỉ hơn sau bài viết về cha”
Cuộc thi 'Cha và con gái': Khi tâm tư được viết ra mà không sợ phán xét
PGS.TS Lưu Khánh Thơ: “Cha và con gái” là cơ hội để tôi trải lòng những hồi ức về cha'
Nhà báo Lê Quốc Minh: “Suốt 10 năm tôi đằng đẵng đưa con gái đi học đàn”
Trao giải cuộc thi viết 'Cha và con gái': Lan tỏa những điều tử tế, tốt đẹp cho cộng đồng
Nhà văn Nguyễn Một: Sự chân thật là yếu tố đặc biệt của cuộc thi 'Cha và con gái'
Sáng ngày mai tổng kết và trao giải cuộc thi “Cha và con gái”
MC Chiến Thắng dẫn chương trình Lễ trao giải “Cha và con gái”
Những lá thư tay trong thời đại số
Phát hành sách Cha và con gái: 'Có những câu chuyện làm mình bật khóc ngay từ những dòng đầu tiên'
Ba là 'đôi chân' cho con
Tổng kết và trao giải cuộc thi “Cha và con gái” vào ngày 12/7
Nơi cha và con gái được thành thật với nhau để sẵn sàng tha thứ
Lùi thời gian trao giải cuộc thi viết “Cha và con gái”
Xem thêm