Bị nhồi máu cơ tim cấp sau khi TNGT ngã đập ngực xuống nền cứng
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, đau ngực trái, nhịp tim chậm, phổi thông khí kém. Tím vùng mắt, trầy xước dọc theo xương ức, vết thương phức tạp bàn chân trái nham nhở, bẩn.
Thông tin từ Sở Y tế Quảng Ninh cho biết, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy vừa cấp cứu, điều trị thành công một trường hợp nhồi máu cơ tim cấp do chấn thương ngực kín sau tai nạn giao thông, đây là trường hợp hiếm gặp.
Theo đó, ông V.V.H (57 tuổi, trú tại Thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) bị tai nạn giao thông ngã đập ngực xuống nền cứng, sau ngã tỉnh, tức ngực khó thở nhiều vào Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên cấp cứu. Trong quá trình cấp cứu, bệnh nhân xuất hiện tình trạng mạch chậm, tụt huyết áp nên được chuyển đến Bệnh viện Bãi Cháy.
Bệnh nhân được chuyển vào Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) trong tình trạng khó thở, đau ngực trái, nhịp tim chậm, phổi thông khí kém. Tím vùng mắt, trầy xước dọc theo xương ức, vết thương phức tạp bàn chân trái nham nhở, bẩn.
Kết quả xét nghiệm cận lâm sàng, X quang có: Tràn khí màng phổi phải; Điện tim: Ngoại tâm thu thất, ST chênh lên DII, DIII, aVF, chênh xuống DI-aVL,Troponin T/I: 0.03 ng/ml. Người bệnh được chẩn đoán: Sốc tim - Nhồi máu cơ tim cấp do chấn thương mạch vành - Chấn thương ngực kín: Tràn khí màng phổi phải - Chấn thương bàn chân trái/COPD.
Kíp can thiệp do Ths.BS Đinh Danh Trình - Phó khoa Tim mạch (Bệnh viện Bãi Cháy) cùng ê kíp đã tiến hành chụp mạch vành, kết quả cho thấy người bệnh bị huyết khối do lóc tách RCA1 ngay lỗ vào gây tắc gần hoàn toàn RCA1, các bác sĩ đã tiến hành đặt 01 stent thông mạch máu để nuôi tim. Sau một ngày can thiệp, hiện sức khỏe người bệnh đã ổn định và tiếp tục được chăm sóc tại Khoa hồi sức tích cực và chống độc.
Ths.BS Đinh Danh Trình cho biết, nhồi máu cơ tim là bệnh cảnh cấp tính và có tỷ lệ tử vong cao, diễn biến phức tạp. Căn bệnh này thường rơi vào nhiều người lớn tuổi có bệnh lý nền tim mạch. Song, vẫn có không ít trường hợp nhồi máu cơ tim ở người bị chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, lao động…
"Do đó, đối với các trường hợp đau ngực sau khi bị tai nạn cần hết sức chú ý, tốt nhất nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn điều trị hoặc can thiệp kịp thời", Ths.BS Đinh Danh Trình khuyến cáo.