Thứ sáu, 22/11/2024 06:52     |   Tiêu dùng     |   Nhịp sống miền Tây     |   Phụ nữ Sức khoẻ
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ ba, 28/03/2023 05:30

Bé gái 12 tuổi bữa đói, bữa no thay cha mẹ chăm 3 em nhỏ

Bố bỏ đi biệt tích, mẹ bế đứa em út 7 tháng tuổi đi làm thuê ở xa. Thương mẹ, Y Sang Chí (12 tuổi) cáng đáng chăm sóc 3 em thơ với mong ước bữa cơm có rau, có cá...

Men theo con đường bê tông nhỏ chúng tôi tìm đến nhà của 4 chị em Y Sang Chí tại thôn 8, xã Đăk La (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum). Gọi là nhà nhưng thực chất chỉ là túp lều tạm bợ được chắp vá bằng tấm bạt đã mục nát.

Mặc dù biết trước hoàn cảnh của Y Sang Chí nhưng chúng tôi vẫn bất ngờ về cô bé mới chỉ 12 tuổi đã phải tất tả chăm sóc ba đứa em. Trong đó, bé A Lôi 10 tuổi đang bị bệnh u xương, A Chung 8 tuổi và A Đức Chính 3 tuổi.

Be-gai-nuoi-3-em-nho (1)

Mới 12 tuổi nhưng Y Sang Chí đã phải thay cha mẹ cáng đáng việc chăm sóc 3 em

Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” với dáng người nhỏ thó dù đã học lớp 7, Y Sang Chí đã phải thay bố mẹ chăm sóc, dạy bảo các em. Thiếu hơi ấm của mẹ, vắng bóng dáng của cha nên trông cô bé chững chạc hơn so với độ tuổi của mình.

"Bố em bỏ đi gần một năm rồi. Mùa này mẹ bế em út mới 7 tháng tuổi đi hái cà phê ở Đăk Nông. Buổi tối mẹ em vẫn hay gọi về hỏi thăm lắm. Ở nhà, chỉ còn bốn chị em nên quan tâm, chăm sóc nhau thôi ạ", Y Sang Chí nói.

Ít ai có thể tưởng tượng được cảnh một cô bé lớp 7 đều đặn mỗi sáng thức dậy lúc 5h nấu cơm, chuẩn bị sách vở cho các em đi học, gửi đứa em nhỏ cho hàng xóm. Sau giờ học lại vội vã về nhà lo toan cho buổi cơm trưa.

Xa mẹ, từ nấu cơm, rửa bát, giặt giũ đến tắm rửa, bón cơm cho em hay dỗ dành mỗi khi các em nhớ mẹ, Y Sang Chí đều đảm đương hết. Chẳng ai có thể tin một đứa trẻ lại chăm 3 đứa trẻ khác một cách thuần thục và thành thạo đến thế.

Be-gai-nuoi-3-em-nho (2)

Trong gian bếp nhỏ, Y Sang Chí nấu cơm chuẩn bị cho các em.

Nhà chỉ có một bóng đèn, nên cứ tối đến Chí nhường nơi có ánh sáng cho em chơi đùa, còn mình thì lụi cụi bật đèn pin nấu cơm sau bếp. Nhà thưng tạm vài tấm bạt nên những khi trời nóng cô bé lại dẫn các em ra gốc cây trước nhà tránh trú. Trời mưa thì dắt díu các em đi ngủ nhờ.

“Đợt trước mưa bão, nhà ướt hết. Nhà chẳng hư hỏng gì vì trong nhà em không có gì cả. Chỉ có mấy chị em thôi, nên lại chạy đi ngủ nhờ", Y Sang Chí kể.

Trong căn nhà tuềnh toàng chừng 15m2 không có gì quý hơn ngoài chiếc giường chỏng chơ. Tới bữa ăn, cả 4 chị em Sang Chí quây quần bên bữa ăn chỉ có nồi cơm trắng. Ấy vậy mà ba đứa trẻ cứ tíu tít vây quanh cô chị chờ xới cơm như ba con chim non đang chờ mẹ mớm mồi.

“Hôm bữa, có một chú ghé đến cho tụi em trứng, sữa và mì gói. Đó là bữa ăn ngon nhất của tụi em từ trước đến giờ. Hôm nay hết rồi, nên lại ăn cơm trắng như mọi ngày thôi ạ”, Y Sang Chí nói.

Cô Bùi Thị Ngọc Anh – giáo viên chủ nhiệm của Sang Chí xúc động cho biết, cô thường xuyên vào nhà Y Sang Chí và chứng kiến cảnh em một mình chăm em, lo chu toàn mọi việc trong nhà mà thấy thương học trò của mình.

"Có hôm vào bất chợt, thấy mấy chị em ăn tối, bữa tối chẳng có gì ngoài nồi cơm trắng. Nhìn thấy vậy mà rơm rớm nước mắt", cô Ngọc Anh bùi ngùi.

Cô Ngọc Anh cho biết thêm, Sang Chí là học trò ngoan, lễ phép, hoà đồng và chịu khó học tập. Bản thân cô và nhà trường luôn quan tâm và tạo điều kiện giúp đỡ để em vơi bớt khó khăn mà yên tâm đến trường.

Be-gai-nuoi-3-em-nho (3)

Xa mẹ, Y Sang Chí đảm đương mọi thứ từ nấu cơm, rửa bát, giặt giũ đến tắm rửa, bón cơm cho em.

Vắng bóng cha mẹ nhưng bù lại Chí có những người họ hàng tốt bụng. Có những hôm nhà không còn hạt gạo nào, mợ Y Ví lại gọi chị em Chí sang ăn cơm.

"Chồng tôi là em ruột của mẹ Chí, anh ấy làm thợ hồ thôi, nhưng lâu lâu tôi cũng cho chị em nó 50 - 100 nghìn đồng để mua mắm, mua muối. Nhà tôi ăn gì thì chị em Sang Chí ăn nấy”, chị Y Ví tâm sự.

Hỏi về ước mơ, cô bé 12 tuổi bộc bạch những điều hết sức bình dị: “Em ước cho các em của mình được ăn no, Đức Chính có sữa để uống. Em ước bữa cơm có cá, có rau. Em cũng muốn có nhà để tránh mưa và nắng. Nhưng em mong nhất vẫn là được ở cạnh mẹ”.

Kể về hoàn cảnh của mình, chị Y Mỏi – mẹ của Y Sang Chí cho biết do ở nhà không có thu nhập nên chị phải đi làm xa với ngày công 200 nghìn đồng.

"Để con ở nhà như thế thương lắm nhưng biết làm sao được. Phải đi làm mới có tiền mua gạo và lo cho con", chị Y Mỏi nói.

Chia sẻ về hoàn cảnh của mẹ con chị Y Mỏi, ông Trần Thanh Tâm – Phó chủ tịch UBND xã Đăk La ((huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) cho biết: “Hiện tại trên địa bàn xã có tổng số 130 hộ nghèo và gia đình chị Y Mỏi là một trong số đó. Chính quyền địa phương luôn quan tâm, động viên gia đình. Sắp tới chính quyền sẽ xây nhà tình nghĩa cho hộ gia đình chị Y Mỏi”.

Nhã Tịnh  
Diễn giả quốc tế: VinFuture thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ toàn cầu
50 năm hành trình rực rỡ của trường Tiểu học Dịch Vọng A - Hà Nội
2 cô giáo Sóc Trăng nhận giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” năm 2024
Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: “Mô hình hành động tập thể” tạo thay đổi tích cực và bền vững cho cộng đồng
Băng rừng 'gieo chữ' nơi bản làng Hà Giang
Cô giáo mầm non bám trường gieo chữ nơi miền núi Quảng Ninh
Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị
Tâm sự thầy giáo trường Y: Thích 'mổ xẻ' để tìm cái đẹp cho đời
“Tiếng oan” sau vô lăng thầy dạy lái xe
Cô giáo 17 năm vào chùa mở lớp học cho trẻ em nghèo, khuyết tật
Giáo dục lấy hạnh phúc làm trọng tâm: Xu hướng tạo nên sự thay đổi tích cực trong trường học
Mất hơn 30 triệu đồng, nam thanh niên vội vàng nhập viện sau lần vào phòng khám tư
Nhiễm ký sinh trùng nguy hiểm do thói quen ôm chó mèo
Quán cà phê lạ hút giới trẻ đến thử cảm giác nằm trong quan tài
Công ty Nhật Bản gặp mặt gia đình thực tập sinh Việt Nam
Nữ sinh phố núi Gia Lai vào Đại học Fulbright nhờ suất học bổng từ cấp 2
Ra mắt sách giới thiệu BĐS Việt Nam với người nước ngoài, tặng toàn bộ tiền cho bệnh nhân ung thư
Người dưới 18 tuổi không được chơi một game quá 60 phút mỗi ngày
Kiếm hàng trăm triệu mỗi năm nhờ... khóc thuê
'Cà phê chị em' ở Điện Biên: Nơi những người phụ nữ tìm lại vị thế của mình
Xem thêm