Bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp của người lao động được tính thế nào?
Được xem như “tấm khiên chắn” bảo vệ người lao động, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là 1 trong 5 chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc theo pháp luật Việt Nam. Điều này thể hiện tính nhân văn sâu sắc nhằm chia sẻ một phần gánh nặng, bù đắp thu nhập cho người lao động khi chẳng may gặp rủi ro.
Tuy nhiên, trên thực tế không ít người lao động chưa hiểu hết các qui định về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nên chưa ý thức đầy đủ về tầm quan trọng của lĩnh vực này hoặc lúng túng, xử lý không thích hợp khi gặp sự cố liên quan đến bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Xuất phát từ thực tiễn trên, Gia đình Việt Nam phối hợp với Phòng Lao động (Sở LĐTBXH thành phố Cần Thơ) cung cấp đến bạn đọc những kiến thức cơ bản dựa trên các văn bản qui phạm pháp luật về lĩnh vực trên.
Người lao động được các doanh nghiệp tư vấn, tuyển dụng trực tiếp tại phiên giao dịch việc làm.
Đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gồm những ai? Qui định về mức đóng hiện hành ra sao?
Theo qui định của pháp luật hiện hành, người sử dụng lao động đóng cho người lao động vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức từ 0,3%- 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gồm:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng.
- Cán bộ, công chức, viên chức.
- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân.
- Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học hưởng sinh hoạt phí.
- Người quản lý doanh nghiệp, người điều hành hợp tác xã có tiền lương
Khi chẳng may xảy ra rủi ro bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì người lao động được giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo qui định của nhà nước.
Các điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp?
Theo điều 43, Luật BHXH số 58/2014/QH13; điều 45 Luật An toàn vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 qui định rõ, người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi đáp ứng đồng thời đủ 02 điều kiện như sau:
- Người bị tai nạn thuộc 1 trong các trường hợp: tại nơi làm việc và trong giờ làm việc; ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động (trường hợp này yêu cầu văn bản theo yêu cầu của đơn vị); trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và truyến đường hợp lý.
- Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên.
Quyền lợi hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ra sao?
Tiến sĩ Trần Thị Xuân Mai (áo xanh) - Ủy viên UBND, Giám đốc Sở LĐTBXH TP. Cần Thơ, trưởng đoàn công tác thăm nhà máy Vinatex ở huyện Vĩnh Thạnh.
Có 02 hình thức người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là: nhận tiền trợ cấp 01 lần, nhận tiền trợ cấp BHXH hàng tháng.
- Nhận tiền trợ cấp 01 lần: người lao động suy giảm khả năng lao động 5% thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở. Sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở. Ngoài mức trợ cấp đã qui định thì người lao động còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào quĩ bảo hiểm tai nạn lao động. Từ một năm trở xuống thì tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quĩ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quĩ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc xác định mắc bệnh nghề nghiệp.
- Nhận tiền trợ cấp BHXH hàng tháng: người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hàng tháng với mức 30% mức lương cơ sở. Sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở. Ngoài mức trên, hàng tháng người lao động còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào quĩ bảo hiểm tai nạn lao động. Từ 01 năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng được tính thêm 0,3 mức tiền lương đóng vào quĩ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc xác định mắc bệnh nghề nghiệp.
Trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quĩ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.