Băng huyết nguy kịch do thai bám sẹo vết mổ đẻ
Sản phụ đột nhiên xuất hiện tình trạng chảy máu không kiểm soát có dấu hiệu sốc mất máu, da xanh, niêm mạc nhợt, mạch nhanh, huyết áp tụt do băng huyết...
Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh (Phú Thọ) vừa cấp cứu thành công cho sản phụ C.T.H (31 tuổi, Hương Xạ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) bị băng huyết do có thai bám tại sẹo mổ đẻ cũ.
Sản phụ có tiền sử mổ lấy thai 2 lần, đột nhiên xuất hiện tình trạng chảy máu không kiểm soát có dấu hiệu sốc mất máu như da xanh, niêm mạc nhợt, mạch nhanh, huyết áp tụt do băng huyết và chảy máu trong ổ bụng. Sản phụ được chẩn đoán băng huyết nặng do có thai bám tại vết mổ đẻ cũ, máu tràn nhiều trong ổ bụng.
Các bác sĩ khẩn trương mổ cấp cứu và hồi sức tích cực cho sản phụ, cho thở oxy, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, truyền 11 đơn vị máu, huyết tương tươi đông lạnh và tiến hành cắt tử cung bán phần.
Sau 3 giờ, ca phẫu thuật thành công. Sau phẫu thuật 3 ngày, sức khỏe sản phụ ổn định, tỉnh, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, niêm hồng, vết mổ khô được theo dõi và điều trị tại khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản.
BSCKI. Đặng Thị Việt Phương - Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản (Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) cho biết đây là một trường hợp băng huyết nặng, sản phụ mất rất nhiều máu, rất may mắn sản phụ được cấp cứu kịp thời nên chưa nguy hiểm đến tính mạng.
Băng huyết là biến chứng sản khoa xảy ra bất ngờ và không có dấu hiệu báo trước có thể đe dọa đến tính mạng của sản phụ. Vì vậy, các sản phụ nên khám thai định kỳ. Đối với phụ nữ từng có sẹo mổ cũ, khi mang thai cần khám sớm để phát hiện thai tại vị trí có sẹo mổ cũ, giúp điều trị bảo tồn khả năng sinh sản.
Bên cạnh đó, cần bổ sung sắt, acid folic theo chỉ dẫn của bác sĩ để phòng ngừa thiếu máu; khi có một trong các dấu hiệu bất thường như: đau bụng, ra nước âm đạo, ra huyết âm đạo, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, thai máy yếu, đau bên sườn hoặc khó thở… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.