Bà Thái Hương: Người trồng rau dũng cảm
Tôi đã từng đi tới rất nhiều vùng đất rau, đất lúa, nhưng ít người làm giàu được từ rau, từ lúa như Bà Thái Hương- Chủ tịch HĐQT tập đoàn TH.
Thăng trầm ngành rau củ
Cách đây 9 năm, chúng tôi đã từng tới một vùng rau nổi tiếng ở Quỳnh Lưu (Nghệ An). Lúc đó “thương mại điện tử” với nông dân ở nhiều vùng quê khác, và ngay cả với doanh nghiệp còn là điều rất xa vời, nhưng nông dân ở đây đã tiếp cận được thông qua việc lập trang web bán rau trên mạng.
Ban đầu là biết bao nhiêu hào hứng, nhưng sự nhiệt tình, hào hứng ấy giảm dần. Vì khách đặt hàng toàn từ Hà Nội, đặt một hộ thì thiếu, đặt 2-3 hộ thì phải có người thu gom, bảo quản. Và hơn hết là kiểm soát chất lượng của các hộ khác… Những bài toán be bé ấy đã khiến người nông dân nản. Và họ lại chọn cách làm thông thường: Bán hàng cho thương lái, chịu cảnh giá cả bấp bênh.
Tập đoàn TH đã thành công với mô hình rau củ quả sạch FVF tại Nghệ An
Các chuyên gia nông nghiệp cũng đã tìm hiểu, địa phương nào cũng có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã đứng ra tiêu thụ cho nông dân. Thế nhưng, vai trò của các tổ chức này trong việc tìm đầu ra thường đều vượt quá khả năng. Do đó khi có vấn đề cung vượt cầu xảy ra thì nông dân bao giờ cũng là người chịu thiệt.
Dĩ nhiên là vẫn có rất nhiều mô hình thành công trong trồng rau củ, và những mô hình ấy đều phải là loại rau ngon, sạch, đặc biệt là không dội chợ. Cũng đã có nhiều doanh nghiệp xắn tay vào làm, đã áp dụng công nghệ hiện đại… nhưng mô hình nào là bền vững vẫn còn là câu hỏi lớn.
Tại Thái Bình chúng tôi đã nhìn thấy một tư duy khác, một cách làm hoàn toàn khác. Người phụ nữ nhỏ bé Thái Hương đứng bên bờ sông Thái Bình, không cần bất cứ giấy tờ, văn bản nào, bà nói như dứt cả gan ruột: “Chúng tôi sẽ đưa khoa học công nghệ , khoa học quản trị vào để thúc đẩy tạo ra sản phẩm đạt chất lượng quốc tế và sản lượng dồi dào. Riêng về rau, tại Nghệ An chúng tôi đã có mô hình tạo ra được doanh số 2 tỷ đồng/1ha, lợi nhuận khoản 20 – 25%, có nghĩa là chúng ta có thể thu được khoảng 500 – 600 triệu đồng/1ha”
Niềm tin trên những luống cày
Cách làm của bà là xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi từ vườn ươm, trồng trọt, chiết xuất, thu hái thành phẩm, xử lý và đóng gói, phân phối sản phẩm. Với cách làm này, bà đưa sản phẩm tới tận tay người tiêu dùng, chẳng có thương lái làm khó được bà.
Mỗi mớ rau, củ quả, mỗi kg lúa gạo do tập đoàn TH làm ra đều được sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP và tiêu chuẩn Organic (hữu cơ) (chứng nhận EC 834-2007, EC 889-2008 của Châu Âu và USDA-NOP của Mỹ) theo hướng “5 không”: Không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không kích thích tăng trưởng, không chất bảo quản và không giống biến đổi gen...
Tiến trình sản xuất áp dụng quy trình kiểm soát dịch hại tổng hợp (nguồn giống được lựa chọn kỹ càng có sức đề kháng cao và không mang mầm bệnh; đất trồng, nước tưới an toàn; phương pháp canh tác khoa học có nhật ký hành trình theo dõi sát sao quá trình phát triển của cây cũng như thu hoạch, sơ chế, bảo quản và phân phối, luôn đạt yêu cầu cao về tính kỷ luật và tuân thủ). Trên mỗi sản phẩm đều có cam kết về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm rõ ràng.
Sản phẩm rau sạch FVF, sữa tươi sạch TH true MILK có mặt trên thị trường
Điều này bà Thái Hương đã làm được với rau củ quả sạch FVF, sữa tươi sạch TH true MILK và dược liệu sạch TH herbals. Bà làm nông nghiệp với niềm tin sắt đá: đó phải là sản phẩm sạch, đạt các tiêu chuẩn quốc tế, để khi bán ở thị trường trong nước hay nước ngoài, người Việt Nam có thể tự tin, tự hào về hàng nông sản Việt Nam.
Những sản phẩm đó sẽ được trồng trong nhà kính, nhà lưới, trồng trên những cánh đồng mở có kiểm soát an toàn thực phẩm từ chất đất, nguồn nước. Với việc áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, bà cũng tin rằng thời tiết cũng sẽ không “làm khó” bà. Dù bốn mùa xoay vần thế nào, rau củ vẫn lên xanh tốt.
Bởi vậy, bà đã không ngại ngần triển khai một Dự án đột phá trong nông nghiệp: đầu tư gần 3.000 tỷ đồng để trồng rau, trồng lúa trên diện tích 3.000 ha. Bà tin tưởng trên mỗi luống cày, đất đai sẽ không phụ công bà.
Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH
Tuy nhiên, là doanh nhân, bà cũng tính toán trước các rủi ro: “Dù có nỗ lực đến bao nhiêu và tài chính bao nhiêu nếu không có sự dẫn dắt và sự quyết liệt vào cuộc của Chính quyền địa phương thì rất khó thành công. Không thể tất cả đều thuận lợi, dù nông nghiệp công nghệ cao đã giảm thiểu tác động của thiên nhiên nhưng vẫn nhiều rủi ro. Do đó, cần phải chính sách hỗ trợ, phải có sự đồng tâm hiệp lực của chính quyền địa phương. Địa phương cũng phải xem đây là một cuộc cách mạng thực sự trong nông nghiệp để cùng chúng tôi sánh bước”.
Cái khó cuối cùng là về chính sách- “người trồng rau dũng cảm” Thái Hương đã có những bàn thảo kỹ, đưa ra những quyết sách mạnh mẽ để sẵn sàng đưa ra thị trường những mớ rau lành, những nhành rau củ sạch.
Ngày 24/2, tại xã Dũng Nghĩa (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), tập đoàn TH tổ chức Lễ Khởi công Dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau củ quả hữu cơ và lúa chất lượng cao. Khi triển khai các dự án nông nghiệp, bà Thái Hương chủ trương đưa công nghệ cao vào sản xuất bởi theo bà, công nghệ cao là chìa khóa vàng cho phát triển nông nghiệp Việt Nam. Trong nông nghiệp công nghệ cao, không thể lấy trụ cột là nông dân mà phải bằng chính sách để lôi kéo những doanh nhân có đủ Tâm – Trí - Lực vào lĩnh vực này. Chính doanh nghiệp mới là trụ cột, tạo hiệu ứng để định hướng cho nông dân đi cùng. |
Quang Anh