Bà Rịa - Vũng Tàu kỳ vọng lớn vào “cửa ngõ” giao thương quốc tế
Sở hữu cụm cảng nước sâu hiện đại nhất cả nước, vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) đang nổi lên là trung tâm logistics hàng đầu, cửa ngõ giao thương quốc tế, là động lực tăng trưởng mới của cả khu vực phía Nam.
Cụm cảng nước sâu chiến lược, kết nối đồng bộ

Lợi thế nổi bật của BR-VT là cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng biển nước sâu duy nhất ở Việt Nam đủ điều kiện đón các tàu container trọng tải lớn (lên tới 200.000 DWT), với các chuyến đi trực tiếp đến châu Âu, châu Mỹ mà không cần trung chuyển qua Singapore hay Hong Kong.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, sản lượng hàng hóa qua cụm cảng này chiếm gần 20% tổng lượng hàng qua cảng biển Việt Nam và đang tiếp tục tăng trưởng ổn định.
Số liệu từ Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy: Lượng hàng hóa thông qua cảng Cái Mép - Thị Vải đạt hơn 138 triệu tấn/năm, tương đương 10,8 triệu TEU. Đây là minh chứng rõ ràng cho vai trò cửa ngõ xuất nhập khẩu của Việt Nam, đồng thời cho thấy năng lực trung chuyển quốc tế ngày càng được khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT khẳng định tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2025: “Tỉnh đặt mục tiêu phát triển Cái Mép - Thị Vải trở thành cụm cảng cửa ngõ quốc tế đặc biệt, tầm cỡ châu Á, là trung tâm trung chuyển và động lực tăng trưởng chính của vùng Đông Nam Bộ”.
Để phát huy lợi thế cảng biển, tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến kết nối logistics trọng yếu như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tuyến liên cảng Cái Mép - Thị Vải, đường ven biển, đường sắt Biên Hòa - Cái Mép, cùng các kết nối chiến lược với sân bay quốc tế Long Thành và cửa khẩu Mộc Bài.
Qua đó, tạo nên mạng lưới vận tải đa phương thức, kết nối chặt chẽ với TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và các vùng sản xuất lớn của cả nước.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng chú trọng phát triển các trung tâm logistics hiện đại tại các vùng: Phú Mỹ, Long Sơn và Châu Đức với quy mô lớn, tích hợp kho bãi, dịch vụ hậu cần, trung tâm phân phối và chuỗi cung ứng sử dụng năng lượng sạch.
Việc ứng dụng công nghệ số, tự động hóa và chuẩn hóa thủ tục hành chính giúp nâng cao hiệu suất, giảm chi phí và thời gian giao nhận.
Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Tỉnh cam kết đồng hành, đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để hiện thực hóa định hướng xây dựng cụm cảng Cái Mép - Thị Vải thành trung tâm trung chuyển hàng hóa tầm khu vực”.
Trong giai đoạn 2024-2025, tỉnh kỳ vọng ngành logistics sẽ chiếm khoảng 4,4% GRDP, tăng trưởng bình quân 8%/năm và trở thành ngành dịch vụ chủ lực. Đặc biệt, định hướng phát triển logistics xanh và bền vững được tỉnh ưu tiên để phù hợp với cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trung tâm kết nối vùng và hội nhập toàn cầu
Từ vai trò một cửa ngõ hàng hải, BR-VT đang vươn lên trở thành trung tâm trung chuyển khu vực nhờ sự kết nối với hành lang kinh tế xuyên Á, các tuyến vành đai 3 - vành đai 4 TP.HCM và các cao tốc liên vùng.
Vị trí chiến lược này giúp hàng hóa từ các khu công nghiệp lớn ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và miền Trung nhanh chóng tiếp cận thị trường quốc tế thông qua cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Không chỉ là nơi tiếp nhận hàng hóa, BR-VT còn đang định hình vai trò là trung tâm phân phối và trung chuyển liên vùng, liên quốc gia, nhờ vào sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp hậu cần lớn, các tập đoàn vận tải biển quốc tế và sự cải thiện liên tục về hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ số và quản lý logistics theo chuẩn quốc tế.
Theo chuyên gia kinh tế cảng biển Phạm Anh Tuấn, Cái Mép - Thị Vải là một trong số ít cảng tại Đông Nam Á có điều kiện tự nhiên và chiều sâu luồng tàu lý tưởng.
Nếu tiếp tục đầu tư vào trung tâm hậu cần, số hóa và dịch vụ nhiên liệu sạch, cụm cảng này hoàn toàn đủ năng lực cạnh tranh với các cảng lớn trong khu vực.
Với định hướng rõ ràng, sự đầu tư đồng bộ và cam kết hành động từ lãnh đạo địa phương, BR-VT đang dần hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm logistics và cảng trung chuyển quốc tế mang tầm khu vực châu Á.
Đây không chỉ là lợi thế riêng của địa phương mà còn là cơ hội chiến lược để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam đến năm 2050, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải được xác định là cảng cửa ngõ quốc tế đặc biệt, thuộc nhóm cảng biển loại IA.
Đây sẽ là trung tâm trung chuyển quốc tế lớn nhất phía Nam, có thể cạnh tranh trực tiếp với các cảng trung chuyển khu vực như Singapore, Klang (Malaysia) và Laem Chabang (Thái Lan).