Bà mẹ có 3 con làm cảnh sát biển
Đó là gia đình bà Phan Thị Chung (SN 1950) và ông Hoàng Ngọc Sáu (SN 1952) trú ở xóm Trung Phú, xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu.
“Ba con làm Cảnh sát biển đồng nghĩa với việc con vắng nhà quanh năm suốt tháng. Thế nhưng, khi Tổ quốc cần thì mình cũng động viên các con yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ Nhà nước giao cho. Tổ quốc có bình yên thì gia đình mới bình yên, hạnh phúc được”- người mẹ của ba Cảnh sát biển ấy vẫn luôn rạng ngời niềm tự hào về các con của mình.
Niềm tự hào về con
Biết chúng tôi tìm đến để được chia sẻ về những vất vả, hy sinh của gia đình khi có con là những chiến sĩ Cảnh sát biển (CSB) cũng như những công việc thầm lặng của các anh đang ngày đêm bám biển giữ vững chủ quyền của Tổ quốc, bà Chung nở nụ cười tươi cùng ánh mắt rạng ngời mỗi khi nhắc về những đứa con thân yêu của mình.
Sinh được 5 người con (2 trai, 3 gái), người anh lớn là Thiếu tá Hoàng Quốc Đạt (SN 1975), Hải đội trưởng Hải đội 201 thuộc CSB vùng 2. Ngoài anh Đạt là CSB thì gia đình còn có hai anh con rể Lê Xuân Hùng (SN 1978) - người con rể thứ 2 và Thượng úy Vũ Đức Hạnh (SN 1983) - người con rể thứ 3 hiện là CSB vùng 2.
Bà Chung nâng niu tấm Bằng khen Chiến sĩ thi đua của CSB vùng 2 trao tặng cho anh Hoàng Quốc Đạt
Nói về các con mình, bà cho biết: “Làm CSB nên chúng nó đi suốt, một năm may ra mới về thăm nhà được một lần, nhưng được ít hôm rồi chúng lại đi liền. Vợ chồng thằng Đạt giờ sinh sống ở Đà Nẵng, hễ lúc nào tàu vào bờ là lại vội vàng về thăm vợ con rồi đi ngay. Còn hai con rể Hùng và Hạnh thì vợ ở quê nhà nên có năm chỉ về được một lúc xong rồi lại đi ngay mà không kịp qua chào bố mẹ. Làm mẹ nhiều lúc thấy cũng tủi thân lắm, nhưng rồi mình cũng phải cố gắng động viên để cho con yên tâm công tác”.
Dịp 30/4 vừa rồi được nghỉ lễ nên anh Đạt có về thăm ông bà, tưởng gia đình sẽ được một bữa cơm đầm ấm. Nhưng rồi anh lại nhận nhiệm vụ mới và phải đi ngay. Chào tạm biệt bố mẹ với cái ôm thật chặt sau bao ngày xa cách, tạm biệt bạn bè, làng xóm đến chung vui cùng gia đình, anh trở về đơn vị và lên tàu CBS 4033 để ra khu vực Hoàng Sa nơi mà Trung Quốc đang hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trong thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Chị An, vợ anh Hạnh cho biết: “Anh đi được mấy hôm thì báo đài đưa tin liên tục về tình hình ở Biển Đông khiến vợ con, ông bà ở nhà lo lắm, nhưng chỉ biết động viên lẫn nhau. Đi khoảng 15 ngày thì tàu anh bị tàu Trung Quốc đâm va dẫn đến bị hư hỏng nên phải vào bờ sửa chữa. Vội vã về nhà được mấy hôm anh lại lên tàu 4032 đi tiếp”.
Vợ luôn là chỗ dựa để các anh yên tâm bám biển
Là người trụ cột của gia đình nhưng các anh hầu như quanh năm suốt tháng lênh đênh trên biển, nên ít có dịp gần bên gia đình. Chính vì vậy mà những người đứng phía sau các anh là người vợ, người mẹ luôn làm hậu phương vững chắc để các anh có thể yên tâm làm nhiệm vụ.
Cuộc sống gia đình hiện giờ của các anh còn gặp nhiều khó khăn. Vợ anh Đạt mới phải mổ ghép thận, hiện giờ sức khỏe đang còn yếu, vợ anh Hùng hiện cũng chưa có công việc nên phải ở nhà chăm sóc con cái ăn học... Dù phải vất vả, hy sinh và chịu nhiều thiệt thòi khi chồng luôn phải xa nhà nhưng các chị vẫn luôn động viên chồng, vẫn luôn là điểm tựa, là chỗ dựa cho các anh.
Còn với ông bà, chỉ khi nào Tổ quốc bình yên thì gia đình mới bình yên, mới có thể sum họp quây quần được. Vậy nên dù có lo lắng, nhưng ông bà vẫn luôn động viên các con yên tâm để công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho.
“Hơn hai tháng nay ông Sáu thay bà vào chăm sóc cho con dâu mới ghép thận và đưa đón cháu đi học. Cứ vậy, hết ông rồi bà lại thay nhau đi nên vất vả cũng không kém. Nhưng vì thương con, thương cháu nên ông bà có ngại gì vất vả, miễn sao ở nhà mọi chuyện yên ổn để các con ở ngoài biển xa yên tâm công tác”, bà Chung cho biết.
Giờ ở nhà một mình bà cũng buồn lắm, nên bà chỉ biết làm bạn với chiếc tivi để theo dõi tin tức thời sự và biết thêm tình hình nơi các con đang làm nhiệm vụ. Lo lắng cũng nhiều, nhớ con cũng lắm nhưng trong ánh mắt bà vẫn rạng ngời niềm tự hào về những đứa con trai, con rể của mình. Vì tình hình trên biển hiện nay, vì Tổ quốc đang cần những chiến sĩ CSB, cần đến các anh nên với bà, đó là sự thiêng liêng cao cả, là niềm tự hào về những đứa con là CSB.
Ông Võ Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Vạn cho biết: “Gia đình bà Chung là một gia đình có nề nếp, chấp hành mọi nội quy của địa phương cũng như quy định của Đảng và Nhà Nước. Gia đình có anh Đạt và hai anh con rể hiện đang làm CSB vùng 2. Do đặc thù công việc nên cũng ít khi các anh về gia đình, địa phương”.
Với những chiến sĩ CSB, lấy biển đảo làm nhà, làm quê hương, điều đó đâu có gì xa lạ. Nhưng trước sóng gió của biển khơi, trước những hiểm nguy luôn rình rập, ở các anh vẫn luôn giữ vững niềm tin cùng tinh thần bất khuất, kiên cường để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nguồn: Đức Chung/ Công an Nghệ An