Ba là "siêu nhân" ngành xây dựng
Ba chữ "con nhà nghèo" với con chẳng có gì đáng sợ. Con lớn lên nhờ biết bao giọt mồ hôi của ba. Từ những cái ôm vương mùi xi măng và vị mằn mặn, con đã hiểu ra mỗi món đồ mà mình có được đều do ba đã vất vả đánh đổi.
Ba của con,
Ước mơ của ba là gì? Con nhớ, lúc con hỏi ba câu đó cho bài tập làm văn trên lớp, ba đã trả lời: "Ước mơ của ba là con gái ba được sống bình an, hạnh phúc cả đời." Con thắc mắc: "Ba không ước cho ba sao?" Ba cười nói: "Ba của con là siêu nhân mà. Ba không cần gì cả ngoài con."
Ba à, ba đúng là siêu nhân thật đó, ba biết không?
Ba là "anh thợ hồ" rồi thành "ông thợ hồ" hơn 30 năm rồi, giới nhà thầu có công trình khó là họ gọi ba. Ba là "siêu nhân" trong ngành xây dựng. Con cũng được hưởng ké vinh quang. Mỗi lần ba dắt con đi thăm công trường, con thấy mọi người liên tục chào ba, còn khen con xinh, mặc dù con biết nhan sắc mình tàm tạm.
Ba từ anh thợ hồ chuyển sang ông thợ hồ
Ba biết lắp ống nước, ở đâu muốn có vòi nước qua tay ba là hiện ra ngay. Ba biết cách trị cho cái vòi cũ rỉ nước đêm ngày ngoan ngoãn tắt giọt. Ba biết sửa điện, sửa bóng đèn, sửa quạt máy. Đồ chơi hỏng nhà hàng xóm bỏ đi, con nhặt về đưa ba, ba tháo ra nghiên cứu một lát rồi quấn keo, hàn chì… sau đó món đồ chơi "khỏe" lại như cũ, còn nếu như nó đã hỏng nặng thì thể nào ba cũng "chế" thành món khác cho con. Ba biết sửa xe, từ xe đạp cho đến xe máy. Cái nào khó quá, ba ra tiệm sửa rồi tranh thủ học nghề, về sau ba tự sửa ở nhà.
Ba còn biết rất, rất nhiều thứ nữa. Nhưng nếu khoe tiếp, ba của con sẽ ngại lắm đúng không? Thể nào ba cũng sẽ nói người cha nào trên đời này cũng thế. Không đâu ba ạ. Nhà người ta có hư hỏng gì, họ toàn kêu thợ sửa, chẳng ai nhọc công như nhà mình cả. Hồi nhỏ con còn tưởng làm thợ hồ giỏi là phải biết hết tất cả những điều trên. Lớn lên mới hiểu thì ra là do nhà mình nghèo, đến bây giờ vẫn chưa khá hơn, nên để tiết kiệm, ba đã già vẫn phải còng lưng sửa này sửa nọ. Như lúc hố ga đầy chẳng hạn, thay vì gọi bên hút hầm cầu, ba phải cực khổ mở hầm múc bớt. Mùi hôi bay nồng nặc khắp nhà, nhưng hơn cả là mùi cái nghèo làm mắt con nhòa lệ.
Nhà mình nghèo. Con biết ba không thích con nhắc đến chuyện này, vì ba sẽ buồn, sẽ thấy áy náy với đứa con gái ba cưng như châu báu. "Có người cha nào không muốn con cái được bằng bạn bằng bè." Có lần con nghe ba nói với má như vậy. Ba còn sợ con tủi thân rồi trốn ba khóc thầm hoặc làm chuyện dại dột. Ba đã lo lắng quá rồi ba ạ!
Thực ra, ba chữ "con nhà nghèo" với con chẳng có gì đáng sợ. Con lớn lên nhờ biết bao giọt mồ hôi của ba. Từ những cái ôm vương mùi xi măng và vị mằn mặn, con đã hiểu ra mỗi món đồ mà mình có được đều do ba đã vất vả đánh đổi. Nhìn bạn bè có đồ chơi đẹp, con cũng thích lắm, nhưng về đến nhà, thấy tay ba bị tôn cứa chỗ này, bị đinh đâm chảy máu chỗ kia, con đã lặng im. Đồ chơi mới đến lúc nào đó cũng sẽ cũ đi rồi bị vứt bỏ; nhưng ba của con, con muốn ba mãi mãi bên mình, nên con không thể để ba thêm cực khổ.
Con đã học cách trân trọng những gì mà mình có, còn biến tấu chúng thành vài thứ hay ho nhờ cách tái sử dụng. Càng lớn lên, con càng biết quý trọng đồng tiền, càng biết cách chi tiêu hợp lý. Tính ra "nghèo" là bàn đạp không quá tệ cho con đúng không ba?
Học sách cũ cũng vui lắm ba ạ. Mùi sách cũ không thơm như sách mới, nó có mùi gỗ mục và dấu ấn tháng năm, làm con hồi hộp giở từng trang chẳng biết người chủ trước để lại gì trong đó. Là hình bậy bạ thì có hơi sợ giáo viên phát hiện, là "kiệt tác" thì tự hào đem khoe, có khi còn có lời giải cứu nguy cho con những lúc cô hỏi bài.
Áo dài của con cũng là đồ đi xin nên mặc rộng thùng thình, lúc nào phần trước ngực cũng bị chùng xuống. Ba có lần chụp hình con vừa đi học về, nhác thấy vải áo đã xỉn màu, đôi chỗ sờn rách, mặt ba buồn so, con thì cười nói: "Mặc như vậy thoải mái lắm ba. Khỏi sợ bứt nút." Ba không biết đâu, áo dài của con tuy nó cũ mèm nhưng mỗi lần con lên bảng giải bài hay lên bục nhận thưởng, mọi đôi mắt đều phải hướng vào nó. Khi đó, họ không chỉ nể phục mỗi con mà còn tán thưởng cả ba má nữa. Cái áo dài cũ nhưng lúc nào cũng thẳng tinh tươm, có ai mà không nhìn ra đứa con gái này đã được ba má yêu thương, dạy dỗ tốt nhường nào. "Con ông thợ hồ còn học giỏi hơn con bác sĩ nữa." Nghe như thế đã tai ba nhỉ.
Con thương ba lắm, mặc dù lúc ba ôm hỏi "Có thương ba không?" con toàn làm lơ. Con cũng biết ơn và tự hào về ba rất nhiều, nhiều như cái cách ba hồ hởi khoe thành tích của con cho họ hàng biết. Còn nữa, ba biết không, con cũng lo lắng cho ba lắm đó. Ba là người thấy ai gặp nạn sẽ dừng xe lại giúp. Con chỉ sợ những người hay lo chuyện thiên hạ thường khổ, ba sẽ bị vạ lây. Từ lúc con hiểu chuyện, ba toàn phải chịu thiệt về mình. Lúc nhà hàng xóm cháy, ba là người đầu tiên leo lên mái nhà để tạt nước.
Ấy mà khi chuyện xong xuôi, hội người đứng nhìn lại to mồm nhất, kể lể đủ điều, còn ba - người anh hùng thực sự thì lẳng lặng vào nhà, cười nhẹ nhõm nói: "Họ bình an là được." Trời mưa gió, mái tôn bị thủng chỉ mình ba đội mưa kệ sấm, ướt nhẹp leo lên mái vá lại. Con đứng dưới nhìn mà lòng như lửa đốt. Con đã từng ước giá như mình sinh ra được khỏe mạnh hoặc làm thân con trai cũng được, con đã có thể giúp đỡ ba nhiều hơn.
"Ba là siêu nhân mà." Ba cứ nhắc lại với con điều đó. Nhưng mà ba ơi, siêu nhân cũng biết mệt đúng không? Siêu nhân nào cứ đêm đến là rên rỉ với má "Hôm nay phải đập tường cả ngày, chỗ nào cũng ê ẩm" rồi còn "Ngứa quá, da tay bị xi măng ăn lở hai bên rồi"... Con chẳng thể thay ba chịu đau. Con chỉ biết âm thầm lên mạng tìm thuốc bôi phù hợp cho ba. Ba thích nghe nhạc Khánh Ly, con tải vào điện thoại đầy album nhạc để ba nghe trong lúc uống trà. Những gì con có thể mang đến cho ba chỉ được nhiêu đó, mãi mãi cũng chẳng sánh được với những gì ba đã làm cho con. Nhưng con vẫn sẽ tiếp tục cố gắng ba ạ!
Ba cứ làm siêu nhân như ba muốn đi nhé, cứu giúp cả thế giới cũng được; còn con, con sẽ bảo vệ ba.
Thương yêu,
Con của ba
Nguyễn Vũ An Hòa
* Tiêu đề bài viết được tòa soạn biên tập
Bài dự thi cuộc thi viết Cha và con gái
Tác giả: Nguyễn Vũ An Hòa
Địa chỉ: Hẻm 444/6a Trần Hưng Đạo, phường Lạc Đạo, TP. Phan Thiết, Bình Thuận
Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"
Yêu cầu
- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.
- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…
Đối tượng dự thi
- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi
- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi.
- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam.
Thời gian nhận bài thi
- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.
- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.
Địa chỉ nhận bài thi
- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].
- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).
Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.
Thông tin liên hệ
Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.
Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).
Lưu ý: Tòa soạn sẽ chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định.
Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem tại đây!