9X du học Úc, bỏ lời mời ngàn đô về quê mở trang trại nuôi ong lớn nhất huyện
Từng là du học sinh Úc nhưng Nguyễn Phi Long đã quyết bỏ qua lời mời "ngàn đô" để về quê mở trang trại nuôi ong lấy mật ngay dưới chân dãy núi Hồng Lĩnh.
Nằm sát dưới chân dãy núi Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh trang trại nuôi ong của Nguyễn Phi Long (SN 1992, trú thôn Bắc Sơn, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân) được đánh giá "khủng" nhất huyện nhà.
Nguyễn Phi Long từng là du học sinh Úc. Rời nước bạn trở về quê nhà Long đã bỏ qua lời mời gọi từ nhiều tập đoàn lớn hứa hẹn mức lương vài nghìn đô hấp dẫn để quyết lập nghiệp từ quê hương.
"Phải đem kiến thức nông nghiệp tích luỹ ở xứ người trở lại quê nhà, làm giàu trên chính mảnh đất gió Lào cát trắng" - Long trăn trở.
Cương Gián quê hương anh ngoài biển là vùng núi bán sơn địa khó làm ăn kinh tế. Sau nhiều ngày dài ấp ủ tìm lối đi riêng, Long quyết chí sẽ mở trang trại nuôi ong lấy mật.
Để khởi nghiệp Long vay mượn vốn từ bè bạn, người thân. Bố mẹ để ủng hộ cũng "cắm" cả sổ đỏ cho quỹ tín dụng xã quyết dồn sức chắp cánh cho cậu con trai khởi nghiệp.
“Thời điểm hiện tại tôi đầu tư 156 tổ ong. Thời gian thu mật thường diễn ra từ tháng 3 đến tháng 9 trong năm, nhưng với riêng mô hình này tôi chỉ lấy mật 3 tháng (tháng 4 - tháng 6). Điều này tôi học hỏi từ mô hình nuôi ong lấy mật của nông dân Úc, nơi trước đây tôi đã từng sinh sống, học tập" - Long nói.
Như chia sẻ, Long chỉ lấy mật trong 3 tháng hè, bởi theo thanh niên trẻ, thời điểm này đúng dịp mùa hoa sim nở bạt ngàn đồi núi, là mùa hấp thụ của những đàn ong mật đi tìm thức ăn, nên thu hoạch vào những dịp này khối lượng sẽ vượt trội. Những tháng còn lại đến hết năm thời tiết gió mưa không ổn định, phải dự trữ mật lại cho những tổ ong làm thức ăn để duy trì.
"Tôi không đặt nặng số lượng, quan điểm nhất quán là chất lượng luôn phải đặt ở vị trí hàng đầu” - chủ trang trại ong cho biết.
Theo cựu du học sinh Úc, công đoạn lọc mật bằng thủ công, sử dụng vải màn để vắt, ép tổ khiến mật bị pha loãng, ôi chua. Vì thế, anh đi theo hướng khác là sử dụng máy quay li tâm để tách lọc những giọt mật ra khỏi bánh tổ.
Với cách khai thác này, khung cầu của đàn ong không bị phá, nhộng ong không bị chết, không gây ức chế đàn ong, nâng cao được chất lượng mật tinh tuý nhất.
Chia sẻ về mô hình nôi ong của cựu du học sinh Úc, Chủ tịch UBND xã Cương Gián, ông Hoàng Văn Hà cho biết, mô hình nuôi ong lấy mật của Nguyễn Phi Long có quy mô lớn nhất huyện, là một trong những hướng đi phát triển kinh tế bền vững tại địa phương, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, mỗi năm thu về hơn 500 lít mật, tương đương gần 500 triệu đồng.
"Chính quyền địa phương đang khuyến khích, tạo điều kiện hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản xuất cho cơ sở” - ông Hà cho hay.