55 tuổi bố vẫn gọi tôi là "bình rượu mơ"
Tròn 14 năm ngày bố ra đi nhưng cô vẫn nhớ mãi bức thư bố viết khi cô 55 tuổi và đang nằm trên giường bệnh với cách gọi thân thương "bình rượu mơ của bố".
“Con gái yêu quý của bố!
Nghe tin con vừa trải qua kíp mổ kéo dài 5 tiếng và mang trong mình bạo bệnh, lòng bố như lửa đốt. Bố lo và thương "bình rượu mơ" rất nhiều, bố không thể đến thăm con, vì bệnh trọng.
Con gái, hãy can đảm lên bố tin con sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Giờ đây con phải biết chăm lo cho bản thân, thuê người giúp việc, cố gắng điều trị theo phác đồ của bác sỹ, đừng nản chí, đừng buông bỏ. Con hãy gạt hết nỗi buồn và suy tư trong cuộc sống, để tập trung chữa bệnh. Bố luôn bên con, và đừng lo gì cho bố, ở nhà đã có mẹ và các anh, chị em con lo”.
Nhận được thư, kèm thêm mấy triệu tiền "quỹ đen" của bố do mẹ mang đến, tôi áp chặt lá thư vào lồng ngực băng bó chằng chịt mà òa khóc, ở cái tuổi 55 mà tôi vẫn khóc như trẻ thơ, khi được bố vỗ về, an ủi.
Năm 1960 bố được Tỉnh ủy Hà Bắc cử đi học tại trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học Viện Chính Trị Quốc Gia), trong 5 đứa con, bố chọn tôi, "bình rượu mơ" 5 tuổi, đơn giản vì tôi rất giống mẹ.
Bố mẹ và "Bình rượu mơ"
Được đi cùng bố, tôi vui lắm. Ở ký túc xá học viên, tôi và 5 đứa tuổi sàn sàn nhau, thường chơi trò nấu ăn, đuổi mắt, bắt dê, ô ăn quan... Cuộc sống tuổi thơ của tôi đầy ắp tiếng cười. Những ngày ở trường cùng bố, sáng nào ngủ dậy trên bàn cũng có một tô phở, câu nói đầu tiên tôi được nghe từ bố: “Bình rượu mơ, dậy thôi, vệ sinh đi, ăn phở nào”.
Nhiều sáng tôi lười nằm không muốn dậy, bố cà cằm có râu vào má tôi, chọc làm tôi cười, khiến tôi không thể không nghe lời. Thời đó được ăn sáng bằng phở là niềm hạnh phúc của bất cứ đứa trẻ nào. Cứ nghĩ bố cũng được ăn phở sáng nên tôi ăn ngon lành, vô tư hưởng thụ. Cho đến một ngày, chứng kiến bố ăn sáng với cơm nguội, muối vừng, thì ra tiêu chuẩn học viên mỗi người một bát phở ăn sáng, bố đã nhường cho "bình rượu mơ", tôi đòi bố chia đôi bát phở. Phở trộn cơm nguội, từ đó là bữa ăn sáng thần tiên của hai bố con.
Ngày đó tóc tôi dày lắm, chấy rất nhiều, lắm lúc ngứa điên đầu. Thấy vậy bố lấy hạt na giã nhỏ, pha với rượu trắng ủ lên đầu tôi, vài lần chấy sạch bách, cơn ngứa điên đầu cũng chấm hết. Đến bây giờ tôi còn nhớ như in cách bố chăm sóc tóc cho "bình rượu mơ", bố luôn có một chai đựng nước chanh cô đặc tự làm. Mỗi khi gội đầu bằng nước bồ kết, bố thường cho mấy giọt nước chanh xoa đều lên tóc tôi, vì thế tóc óng mượt, đen mướt.
Bố thường nói: "Cái răng cái tóc là góc con gái đấy, rượu mơ nhé”. Lúc đó, mắt bố lấp lánh niềm vui: “Con giống mẹ quá” rồi thơm nhẹ lên tóc. Tôi bám lấy cổ bố, thì thầm “con yêu bố” rồi chạy đi chơi cùng các bạn.
Chân dung bố ngày trẻ.
Chiều thứ bảy luôn là ngày háo hức của hai bố con, về nhà. Bố đèo tôi ngồi đằng trước chiếc xe đạp thống nhất nam, chiếc khung được lót chiếc áo bông. Hai bố con đi 60 km mới về dự ngày hội gia đình. Đi đường, lúc cao hứng tôi và bố cùng hát bài "Con cò be bé" nên đường đi dường như cũng ngắn lại...
Thứ bảy, nhà tôi tụ họp đông đủ, tối mẹ hay có nồi ốc luộc lá chay thơm nức, bố mẹ và 5 con thi nhau nhể ốc, xì xụp ngon lành. Cùng nhau chuyện rôm rả, sau đó là tấu nhạc của anh thứ 3 và em kế tôi tấu ghi ta, anh trưởng hát và tôi góp vui bằng điệu khoa chân múa tay.
Có lần bố để tôi ở nhà 1 tuần, tôi vui lắm, nhưng cứ đến tối, nhớ bố, nhớ mùi mồ hôi mà bố hay đùa: “Mùi này, chỉ có mẹ và "bình rượu mơ" là chịu được”.
Có hôm trời mưa lất phất, tôi trốn ra đầu hồi, khóc rất to, gào lên: “Bố ơi về với con”. Tiếng khóc chìm trong tiếng mưa. Lúc sau mẹ đi tìm, dắt vào nhà, mẹ dỗ, tuần sau bố về đón con, nghe thế tôi mới thôi thút thít.
Năm 1961, tôi về thăm ông bà tại bãi Nghĩa Dũng - Hà Nội, bị chó cắn. Bố phải đưa tôi đi tiêm 21 mũi vào rốn. Lúc nhìn thấy mũi kim tiêm chọc vào cạnh rốn, bố nắm chặt tay tôi, mặt nhăn lại, bố nhìn tôi đầy thương xót.
Năm 1964, mẹ sinh thêm em trai út, đặt tên là Thanh Hải. Tôi được phân công bế em. Bố hay nói, bé làm việc bé chỉ có lao động mới nên người. Chúng tôi 6 chị em đều được phân công làm việc nhà, chị cả đang học để thi hết cấp 3 nên được ưu tiên, còn tôi việc bế em là đương nhiên. Tôi yêu em lắm. Nhìn mặt bầu bĩnh, da trắng, môi đỏ, đôi mắt to tròn của em là tôi chỉ muốn thơm vào má.
Mỹ mang bom bắn phá Miền Bắc, cơ quan bố sơ tán tại Tân Yên. Mẹ tôi được bố động viên học Đại học Tài chính kế toán tại Vĩnh Phúc, bố cân cả 6 con. Vừa làm giám đốc sở Tài chính tỉnh Hà bắc, vừa quản lý các con, bố tôi thật tài. Chúng tôi vừa học, vừa giúp bố, lớn dạy bé, nhà tôi đầy ắp tiếng cười, tiếng khóc và chí chóe.
Thương bố nên tôi chăm em lắm, tôi thường nấu cháo gạo nếp, đỗ xanh, cà rốt ninh xương hay thịt nạc, cho tất vào vải xô nghiền lấy bột, nấu cùng với sữa bò cho em ăn. Có lần, em bị mọc mụn bọc to gần rốn, bố đèo hai chị em đến bệnh viện Hồng Phong tại trại dẻ Cao Thượng. Lúc về, bố dặn: "Nếu đêm em đau hay khóc, con bế em lên phòng trực bác sỹ nhé”.
Thứ 7 xong việc, bố đến thăm 2 chị em. Tôi bế em ra cổng bệnh viện ngóng bố, nhìn dáng bố đi trên bờ mương từ xa, tôi và em đã vẫy tay rối rít. Bố đến gần, dựng xe ôm hai đứa con vào lòng. Chỉ đợi có vậy, tôi dụi đầu vào ngực bố khóc nức nở, bố ôm hai chị em rất chặt nói: “Bố đây, con đừng sợ”.
Thời gian trôi thật nhanh, chúng tôi đều trưởng thành, xây dựng gia đình, có công ăn việc làm, có chồng, con.
Tôi đã là cô giáo cấp 3 của trường tỉnh, bố tôi đi làm về thường tạt qua nhà tôi thăm con và cháu. Lần nào đến ông cầm theo đồ, lúc gói mỳ chính, lúc cân đường, hộp sữa, khi một chút tiền dành giụm. Có lần, bố đi dự hội nghị về cho tôi một chiếc vỏ chăn vải chéo màu xanh chấm bi. Với tôi, đây là một món quà vô cùng quý giá. Tôi giữ nó hơn 20 năm, cho đến khi bị rách, tôi cất chiếc vỏ chăn đó vào ngăn tủ kỷ niệm.
Năm 2009, bố tôi ốm nặng, lúc đó ông đã 86 tuổi, còn tôi 55 tuổi. Cả bố và tôi đều mắc bệnh hiểm nghèo. Bố tuổi cao, nên dù bác sỹ, mẹ và các con hết lòng bố vẫn không qua được. Lúc bố hấp hối tôi vừa truyền xong 6 đợt hóa chất, nên chỉ sau khi mặc áo quan mọi người mới báo tin cho tôi. Về đến nhà, tôi chỉ được ôm bố lần cuối sau vỏ áo quan. Tôi đã khóc, đúng như người ta hay nói: “Khóc như cha chết”.
Sau khi lo cho bố, mẹ gọi tôi vào ban thờ bố, bà kể lúc lâm chung khi mẹ hỏi: “Ông ra đi còn vương vấn điều gì không?”.
Bố nói rất khẽ: “Trong từng đấy đứa con, người tôi thương và lo nhất vẫn là con gái Thanh Hoa”. Nghe mẹ nói tôi òa lên khóc một chập rồi thiếp đi lúc nào không biết.
Tỉnh dậy, nhìn lên di ảnh của bố tôi thầm hứa với bố, tôi sẽ ổn.
Tôi có thói quen, sắp ngày giỗ bố thường ngồi lặng lẽ một mình trước ảnh ông, thì thầm với ông đủ thứ chuyện. Lúc đó vẫn cảm nhận đầy đủ tình yêu thương bố dành cho tôi, nỗi nhớ bố chẳng thể nguôi ngoai. Nước mắt lại rơi...
Năm nay tròn 14 năm ngày bố mất cũng là bằng ấy năm tôi thoát án tử. Tôi vẫn sống khỏe mạnh và làm được tất cả những việc đang làm dang dở. Tôi thì thầm với bố: “Mẹ được các con chăm sóc rất tốt, "bình rượu mơ" của bố ổn, cháu gái bố đã trưởng thành rồi, đang học tiến sỹ sinh dược bên nước bạn, và rất hiếu thảo. Hai cháu nội của "bình rượu mơ" ngoan lắm, hai thằng nhóc đó đứa có khiếu âm nhạc, đứa rất thích học toán...”.
Tôi thấy trong ảnh bố mỉm cười.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt
Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"
Tác giả: Trịnh Thanh Hoa
Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"
Yêu cầu
- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.
- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…
- Ưu tiên những bài dự thi có ảnh nhân vật kèm theo
Đối tượng dự thi
- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi
- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi
- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam.
Thời gian nhận bài thi
- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.
- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.
Địa chỉ nhận bài thi
- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].
- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).
Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.
Thông tin liên hệ
Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.
Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).
Lưu ý: Tòa soạn sẽ chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định.
Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem tại đây!