5 thứ người giàu không mua nhưng người nghèo hay sắm
Người giàu và người nghèo có sự khác biệt rất lớn về tư duy tiêu tiền, quan niệm tiêu dùng nên người giàu hiếm khi sập bẫy của những nhà bán hàng.
Trong thời đại tiêu dùng bùng nổ, nhiều người bị thôi thúc và không thể thoát ra khỏi suy nghĩ "hãy mua nó" dù đó là món đồ không thực sự cần thiết.
Khi nghiên cứu về hành vi và thói quen chi tiêu, các chuyên gia phát hiện có năm nhóm hàng hóa người giàu rất ít khi mua trong khi người nghèo lại rất hứng thú, thậm chí chấp nhận vay nợ để mua.
Mua đồ hiệu
Khi mua hàng xa xỉ, người ta thường có hai tâm lý. Đầu tiên là thể hiện danh tính trước mọi người. Nhiều người nghĩ người giàu thường có thói quen chi tiêu xa hoa, mua những thứ xa xỉ để thể hiện địa vị của mình. Nhưng đa số người giàu không ham mua sắm đồ hiệu bởi họ hiểu bản thân muốn gì. Trong khi người nghèo và một số người tự xưng là giàu bị choáng ngợp bởi những thứ xa hoa, lộng lẫy.
Ảnh minh họa.
Điều thứ hai khi mua hàng xa xỉ là họ đang ngụy trang cho mình. Một số người sợ bị người khác coi thường nên phải dùng đồ xa xỉ nhằm che đậy. Nhưng thực tế, cách làm này chỉ phơi bày mặc cảm bên trong họ.
Trong khi người thu nhập thấp dành nhiều thời gian chải chuốt, làm đẹp bản thân để tự tin hơn thì trong mắt người giàu, đây là hành vi tốn thời gian và sức lực.
Steve Jobs, người đồng sáng lập Apple luôn chỉ mặc áo phông đen, quần jean và giày thể thao. Ông hầu như không mua các loại quần áo khác. Theo vị tỷ phú này, ông không muốn lãng phí thời gian vào những việc không liên quan như vậy.
Lý do về cách ăn mặc đơn giản của Steve Jobs còn là bởi ông muốn tạo ra phong cách có tính nhất quán tối ưu giữa thương hiệu cá nhân với thương hiệu đang điều hành. Khi mọi người nhớ tới Steve Jobs sẽ lập tức nhớ đến thương hiệu cá nhân và hình dung ra ông là người thế nào, tập đoàn đó ra sao.
Đây chính là điểm khác biệt trong tư duy của người giàu. Hầu hết người nghèo đều chú ý vẻ bề ngoài. Còn thứ mà người giàu thực sự quan tâm là một loại triết lý sống. Chính loại triết lý này đã khiến họ có được thành tựu như hiện tại.
Sản phẩm điện tử
Mỗi khi Apple ra mẫu di động mới nhất, cảnh tượng rất nhiều người trẻ bỏ làm bỏ học để xếp hàng chờ mua đã không còn xa lạ. Thậm chí, có người còn bán thận để có được chiếc điện thoại mới.
Ảnh minh họa.
Vì sao sản phẩm điện tử lại có sức hút lớn như vậy? Nguyên nhân là khi được sở hữu, nó mang lại cảm giác hài lòng chưa từng có. Nhiều người tin rằng chỉ cần có được sản phẩm điện tử mới nhất, chất lượng sống sẽ được cải thiện. Với họ, đồ điện tử còn là biểu trưng cho mức sống của bản thân. Điều này làm hình thành thói quen chi tiêu lãng phí cho đồ điện tử.
Trong khi đó, người giàu luôn hiểu rằng, sản phẩm điện tử chỉ là đồ dùng tiện ích, là một trong những mặt hàng thay đổi nhanh nhất thế giới. Sự đột phá giữa sản phẩm cũ và sản phẩm mới không lớn như nhiều người vẫn tưởng. Bởi vậy họ không đam mê và thường mua ít hơn.
Với những người giàu có và bận rộn, việc dùng điện thoại hay các thiết bị điện tử cho những việc không quan trọng đôi khi là lãng phí thời gian.
Theo dữ liệu của Nielsen, người trưởng thành trong các hộ gia đình có thu nhập hàng năm dưới 25.000 USD ở Mỹ dành trung bình 42 phút/tháng để chơi game. Trong khi đó, con số này ở các hộ gia đình có thu nhập hàng năm trên 75.000 USD chỉ là 17 phút.
Thời gian xem TV hàng tháng của các hộ gia đình thu nhập thấp là 211 phút, cao hơn hẳn so với 113 phút của các hộ gia đình thuộc nhóm có thu nhập cao nhất. 98 phút chênh lệch đó có thể là thời gian mà những người giàu dành để làm điều khác biệt và thành công.
Hàng giảm giá
Những đợt khuyến mãi, những món quà tặng kèm hấp dẫn khi mua hàng vô hình chung khiến nhiều người tiêu rút hầu bao dù có nhiều thứ chẳng bao giờ dùng tới.
Ảnh minh họa.
Người thu nhập thấp thường bị thu hút bởi những chiêu khuyến mãi bởi suy nghĩ sẽ được miễn phí một số thứ khác. Tuy nhiên người giàu lại không quan tâm đến khoản tiền ít ỏi như vậy. Đối với họ, thời gian và năng lượng vô cùng quý giá, thà dành thời gian để làm những việc khác có ý nghĩa hơn là xem livestream mua sắm hoặc lướt các sàn thương mại điện tử.
Còn một số người nghèo suốt ngày chìm đắm trong việc mua sắm online sẽ khiến họ ngày càng nghèo đi, khoảng cách với những người giàu cũng ngày càng lớn.
Chi phí giáo dục đắt đỏ
Các triệu phú đều cho rằng giáo dục công không khác nhiều so với các chương trình giáo dục tư đắt đỏ. Điều làm nên sự thành công của mỗi người trong cuộc sống là tính kỷ luật, lòng quyết tâm, sự kiên trì. Ngoài ra thì kinh nghiệm chuyên môn và kỹ năng thực sự quan trọng hơn bằng tốt nghiệp đại học.
Song những người có thu nhập ở mức bình thường lại cho rằng một nền giáo dục đắt đỏ là tấm vé để bước vào đời thành công. Thậm chí họ còn phải trả khoản vay khổng lồ để trang trải chi phí học hành. Sau khi tốt nghiệp, họ làm việc trong nhiều năm cực khổ mới trả hết số tiền đó.
Vé máy bay hạng thương gia
Không phải người giàu đều sẽ mua vé máy bay hạng thương gia cho các chuyến đi của họ. Ngay cả khi có tài chính dư dả thì họ vẫn muốn tiết kiệm chi phí đi lại và đi du lịch một cách khiêm tốn.
Ảnh minh họa.
Người sáng lập IKEA, Ingvar Kamprad, cho rằng bay hạng thương gia là điều xa xỉ không cần thiết. Chính vì vậy tất cả các nhân viên của IKEA, bất chấp trình độ và năng lực tài chính, đều bay hạng phổ thông và ở trong những khách sạn chi phí thấp.
Ngược lại, nhiều người có thu nhập vừa phải lại sẵn sàng chi trả quá nhiều cho chuyến đi hạng thương gia, bất chấp chuyến đi đó sẽ ảnh hưởng lớn đến ngân sách của họ. Bởi vì hành động đó như một cách chứng minh năng lực vật chất của những người thích sống hào nhoáng và ưa hình thức.