5 dấu hiệu điển hình của người mắc bệnh đậu mùa khỉ
Trước tốc độ lây lan nhanh của bệnh đậu mùa khỉ, chuyên gia y tế cho rằng người mắc căn bệnh này có 5 dấu hiệu điển hình.
Đường lây của virus đậu mùa khỉ
BS Đỗ Thị Hồng Hiên - Nhóm đáp ứng tình huống y tế khẩn cấp WHO Việt Nam thông tin, đậu mùa khỉ là bệnh lây từ động vật sang người, đầu tiên phát hiện ở khu vực rừng rậm (Châu Phi) và lây lan sang các khu vực khác. Bệnh có thể lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm bệnh hoặc động vật bị nhiễm bệnh và với vật dụng có virus.
Virus đậu mùa khỉ có thể lây người qua người bằng hình thức tiếp xúc gần qua da, mặt đối mặt, da kề da, miệng với miệng hoặc miệng với da trong việc sinh hoạt tình dục. Virus còn có thể lây truyền qua dịch tiết cơ thể, qua giọt bắn, vật dụng chứa virus như như chăn, ga, gối…
Có nhiều hình thức và nguồn lây truyền bệnh đậu mùa khỉ (Ảnh minh họa)
Phần lớn bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng nhẹ, có thể hồi phục sau vài tuần. Tuy nhiên cũng có trường hợp biến chứng do chăm sóc các vết thương trên da, nốt phát ban không được tốt.
“Bệnh này có thể tự khỏi, bệnh nhân tự hồi phục từ 2-4 tuần. Một số trường hợp diễn biến nặng ở nhóm nguy cơ cao như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, suy giảm miễn dịch”, BS Hồng Hiên cho biết.
Dấu hiệu điển hình đậu mùa khỉ
Theo bác sĩ Hiên, người mắc bệnh đậu mùa khỉ có các dấu hiệu như sốt, đau đầu, mệt mỏi, đau cơ… giống nhiều bệnh khác nhưng dấu hiệu phát ban là điển hình của bệnh.
Phát ban đậu mùa khỉ xuất hiện theo thứ tự. Đầu tiên là những nốt phát ban dẹt, đau, sau đó nổi bọng nước, có mủ và vỡ ra… Tiếp xúc với dịch đó sẽ làm lây lan bệnh.
Đáng lưu ý là dịch bệnh này, rất nhiều bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng không điển hình, thậm chí không triệu chứng khiến cho việc chẩn đoán khó khăn hơn.
Phát ban là dấu hiệu điển hình của bệnh đậu mùa khỉ (Ảnh minh họa)
Về đánh giá nguy cơ, chuyên gia Who cho rằng Việt Nam nằm ở khu vực tây Thái Bình Dương, mức nguy cơ đậu mùa khỉ xâm nhập từ thấp đến trung bình. Việc đánh giá dựa vào 3 tiêu chí: Mức độ trầm trọng của bệnh, nguy cơ ca xâm nhập và nguy cơ lây lan ở khu vực.
“Do mở cửa, chúng tôi nhận định nguy cơ có ca xâm nhập vào Việt Nam là có thể”, BS Hiên thông tin.
Cũng theo đại diện WHO tại Việt Nam, sự gia tăng ca bệnh trên toàn cầu hoàn toàn chưa được báo cáo đầy đủ.
“Quy mô thực tế bệnh đậu mùa khỉ hơn những gì chúng ta thấy trên báo cáo. Đáng lưu ý, có rất nhiều ca bệnh hoàn toàn không có tiền sử đi lại đến vùng có ca bệnh. Chúng tôi cho rằng có nguy cơ những làn sóng mới và sự gia tăng mới của ca bệnh đậu mùa khỉ là hoàn toàn có thể. Đường lây truyền virus có nhiều điều cần tiếp tục nghiên cứu”, BS Hồng Hiên thông tin.
Đối tượng nào cần tiêm vắc xin đậu mùa khỉ?
Bs Socorro Escalante - Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng thông tin thêm, WHO không khuyến cáo sử dụng vắc xin tiêm đại trà cho người dân. Một số vắc xin đã được đăng ký lại để được phép sử dụng trong trường hợp việc tiêm chủng cần được thực hiện.
Tuy nhiên, WHO đưa ra khuyến cáo rằng việc tiêm chủng vắc xin đậu mùa khỉ có thể được tiến hành cho các nhóm đối tượng như sau:
- Người đã tiếp xúc với người bệnh- tiêm phòng sau phơi nhiễm.
- Người hỗ trợ các trường hợp mắc bệnh- tiêm chủng chủ động cho nhóm này để phòng ngừa lây sang họ gồm nhân viên y tế, nhân viên làm việc tại các phòng xét nghiệm.
“Hiện tại căn cứ trên sự rủi ro, lợi ích, cộng thêm virus đậu mùa khỉ không dễ lây lan, bệnh có thể tự khỏi nên chúng ta không cần tiêm chủng đại trà vào thời điểm này”, Bs Socorro Escalante nói.