4 món ăn chay trong ngày Tết Đoan Ngọ
Theo quan niệm xưa, ăn uống trong ngày Tết Đoan ngọ không chỉ để thưởng thức, mà còn là cách để "giết sâu bọ", tẩy sạch âm khí, mong cầu sức khỏe và may mắn cho cả gia đình. Tuy nhiên, mâm cúng chay tịnh thơm ngon, đủ đầy hương vị vẫn được nhiều gia đình lựa chọn.
Ngày 5/5 Âm lịch, gọi là Tết Đoan Ngọ là dịp nhà nhà háo hức chuẩn bị những món ăn truyền thống đặc trưng vùng miền riêng. Vào ngày này, hầu hết mọi gia đình sẽ chuẩn bị một mâm cúng thật đầy đủ để thắp hương trên bàn thờ ông bà, gia tiên. Bởi, theo quan niệm xưa, ăn uống trong ngày này không chỉ để thưởng thức, mà còn là cách để "giết sâu bọ", tẩy sạch âm khí, mong cầu sức khỏe và may mắn cho cả gia đình.
Tùy theo vùng miền, mâm cúng Tết Đoan Ngọ khác nhau. Ở miền Bắc thường có trái cây, hoa tươi và một số phẩm vật đặc trưng trong tiết khí Hạ chí như: vải, mận, xôi, bánh gio, rượu nếp... Còn miền Trung ngoài hoa quả, rượu nếp, bánh tro có thể được thay bằng bánh ú, bánh kê tại một số địa phương... thì đặc biệt không thể thiếu thịt vịt. Hay ở miền Nam, có xôi chè, cơm rượu vo lại thành viên tròn, hòa trong nước đường và nước cốt dừa, bánh ú hoặc bánh xèo dân dã, đậm đà hương vị quê nhà.
Tuy nhiên, mâm cúng chay tịnh thơm ngon, đủ đầy hương vị cũng được nhiều gia đình lựa chọn.
Mâm cúng chay tịnh thơm ngon, đủ đầy hương vị cũng được nhiều gia đình lựa chọn
Bánh xèo chay
Bánh xèo cuốn tay như ý nghĩa mà ông bà xưa gửi gắm "cuốn bánh xèo trong từng lớp lá, rau quê như gói ghém, nâng niu & cuốn tròn hạnh phúc". Với mâm rau vườn tươi rói, đủ loại như: quế đất, lá xá xị, diếp cá, lá cách, các thể loại rau thơm, đọt cóc, đọt xoài non... Rồi mỗi thứ một lá cuộn chặt tay cùng miếng bánh xèo, thêm nhân củ hủ dừa, củ sắn và chấm vào chén nước mắm chua ngọt, cay cay của ớt mà các bà, các mẹ, các dì tất bật làm sẽ gợi nhắc ký ức tuổi thơ của bao người. Hơn hết là dấu ấn ẩm thực miền Tây không thể lẫn vào đâu được, đặc trưng & đậm đà hương vị miệt sông nước của ngày mùng 5 tháng 5.
Bánh xèo cuốn tay
Chả giò trái cây
Lớp vỏ ngoài giòn và phần nhân bên trong được kết hợp bởi nhiều nguyên liệu khác nhau, chả giò còn mang ý nghĩa cho một sự cầu chúc “trong ấm ngoài êm” và mọi sự như ý, suôn sẻ. Đặc biệt, nhân có các loại trái cây thái hạt lựu, nấm mèo, bắp... thanh ngọt và mềm thơm.
Với vị mặn nhẹ và sự giòn tan của lớp vỏ, sau đó là sự ngọt thanh, thơm bùi của phần nhân bên trong, bạn chắc chắn sẽ hài lòng với món này trong mâm cúng chay nhà mình.
Chả giò mang ý nghĩa cho một sự cầu chúc “trong ấm ngoài êm” và mọi sự như ý, suôn sẻ.
Phù trúc cuộn nấm sốt tiêu
Phù trúc cuộn nấm đùi gà thái lát mỏng, thêm bột sắn dây tạo độ sệt rồi chiên vàng đều. Rưới sốt tiêu sóng sánh mằn mặn, ngọt ngọt và cay dịu lên trên cho thấm rồi ăn kèm với bánh bao mềm xôm xốp, thơm sữa càng “cuốn”.
Phù trúc cuộn nấm sốt tiêu ăn kèm bánh bao
Gỏi cuốn chay
Gỏi cuốn chay là một trong những món ăn "thuyết phục" khẩu vị của những tín đồ ăn chay bởi sự kết hợp hài hòa giữa các loại rau củ, nấm tươi ngon cùng nước sốt đậu đậm đà, beo béo tạo nên hương vị thanh mát, thơm ngon. Món ăn đẹp mắt mà còn đầy đủ dinh dưỡng, là lựa chọn hoàn hảo cho mâm cúng chay thanh đạm nhà bạn.
Gỏi cuốn chay - lựa chọn hoàn hảo cho mâm cúng chay thanh đạm.
Mâm cúng chay tịnh thơm ngon với nhiều món như lẩu, chả giò, gỏi cuốn, chả đậu gà...
Dù mâm cúng tự tay bày biện hay đặt mua mâm cúng sẵn, thì ai cũng cố gắng sao cho đầy đủ và tươm tất nhất có thể, dâng lên ban thờ ông bà gia tiên trong ngày 5/5 Âm lịch và gửi gắm vào đó những mong ước về một mùa màng bội thu, công việc suôn sẻ và sức khỏe dồi dào.
Tết Đoan Ngọ - mùng 5 tháng 5 không chỉ là ngày sum họp, quây quần bên mâm cơm nhà ấm cúng mà còn thể hiện nét đẹp truyền thống trong văn hóa người Việt.