4 chiêu trò lừa đảo ai cũng biết nhưng vẫn mắc
Mặc dù đã được cảnh báo nhưng nhiều người vẫn dễ rơi vào 4 "bẫy" lừa đảo phổ biến hiện nay.
Lừa mua sản phẩm sức khỏe
Khi nhận thức của giới trẻ về các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tăng, các đối tượng lừa đảo dần chuyển hướng sang người cao tuổi. Thực tế, người cao tuổi có khả năng tiếp cận thông tin hạn chế và có thể dễ dàng bị lừa bằng một số thủ đoạn từ đơn giản đến tinh vi. Theo đó, nhóm tội phạm lừa đảo thường khai thác tâm lý lo lắng, nhẹ dạ của người cao tuổi để thực hiện hành vi phạm tội.
Những kẻ lừa đảo đầu tiên sẽ duy trì mức độ thân mật cao với người cao tuổi thông qua các sự kiện hay hội nhóm người cao tuổi, sau đó dụ họ nhận đồ miễn phí, tổ chức các tour du lịch miễn phí. Sau khi hoàn toàn chiếm được lòng tin của người cao tuổi, chúng sẽ giới thiệu các sản phẩm chăm sóc sức khỏe với danh nghĩa "hãy yêu bản thân" và "giữ gìn sức khỏe".
Đáng chú ý, công dụng của các sản phẩm này thường được thổi phồng, trong khi giá lại quá đắt đỏ. Người mua, đặc biệt là những người có bệnh đã tin tưởng sử dụng, để rồi tiền mất, tật mang.

Lừa đảo du lịch và thương mại điện tử giả mạo
Đối tượng lừa đảo tạo ra các trang web nhái lại các trang mua sắm, du lịch và bán lẻ hợp pháp, dụ dỗ nạn nhân bằng mức giá cực kỳ hấp dẫn.
Những trang web này được sao chép một cách tinh vi, từ thiết kế website đến các trang dịch vụ khách hàng, khiến họ gần như không thể phân biệt được.
Để tránh bị phát hiện, kẻ lừa đảo sử dụng kỹ thuật như “cloaking” (che đậy) và tạo cảm giác cấp bách bằng cách đưa ra các “ưu đãi có thời hạn” nhằm buộc người dùng quyết định nhanh chóng.
Thậm chí, những đối tượng lừa đảo này còn thao túng danh sách doanh nghiệp, thêm số điện thoại giả để mạo danh các doanh nghiệp hợp pháp.
Vì vậy, người dùng nên kiểm tra URL, các tính năng bảo mật, cảnh giác với các mức giá thấp và lời hối thúc mua hàng nhanh chóng.
Lừa đảo việc làm
Nhóm đối tượng lừa đảo này nhắm đến những người đang tìm kiếm công việc từ xa như mẹ bỉm sữa, sinh viên,... với mức thu nhập hấp dẫn. Chúng đăng tin tuyển dụng giả trên các trang web tuyển dụng uy tín và mạng xã hội, sau đó, tiến hành các buổi phỏng vấn video chuyên nghiệp và thực hiện các quy trình giới thiệu chi tiết, thường giả mạo công ty quốc tế trong lĩnh vực giao dịch tiền điện tử hoặc tiếp thị kỹ thuật số.
Một hình thức khác của chiêu tò lừa đảo này là lừa đảo đánh cắp thông tin đơn hàng trực tuyến. Phương pháp của kẻ lừa đảo rất đơn giản. Thỉnh thoảng, họ sẽ gửi một số nhiệm vụ rà soát đơn hàng và yêu cầu đối phương tải xuống và đăng ký ứng dụng. Khi nạn nhân hoàn thành nhiệm vụ, họ sẽ trả hoa hồng từ vài chục đến vài trăm nghìn cho mỗi đơn hàng. Nếu muốn kiếm tiền sau này, nạn nhân sẽ được yêu cầu trả thêm tiền để tham gia nhóm cao hơn, nhưng cấp độ nhóm càng cao đồng nghĩa số tiền bị lừa ngày càng nhiều.
Các công ty mai mối, ứng dụng hẹn hò
Chiêu trò này mới xuất hiện thời gian gần đây nhưng cũng khiến nhiều người rơi vào "bẫy", đặc biệt với những người bị gia đình thúc giục kết hôn. Để tìm được người bạn đời phù hợp càng sớm càng tốt, một số người tìm đến các công ty mai mối online hoặc các ứng dụng hẹn hò. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tìm được cuộc hôn nhân cho riêng mình sau khi liên hệ các trung tâm mai mối mà lại trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo.

Về cơ bản, các bước dẫn dụ nạn nhân vào bẫy gồm: mời chào nạn nhân theo những hình thức như làm khảo sát hẹn hò để nhận tiền, làm khảo sát để đi du lịch cặp đôi, giới thiệu người hẹn hò. Sau khi đã có được lòng tin của nạn nhân, chúng sẽ đưa ra yêu cầu nếu hai người muốn gặp nhau ngoài đời phải làm nhiệm vụ.
Nếu con mồi chuyển tiền, chúng tiếp tục đưa ra yêu cầu chuyển tiếp. Khi họ muốn rút nhưng nhập lệnh rút toàn báo lỗi, kẻ lừa đảo yêu cầu phải chuyển thêm để được rút. Cứ như vậy, số tiền của nạn nhân tăng dần từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng.
Một số kẻ lừa đảo khác lại dùng “chiêu” chinh phục, làm quen, sau đó ở buổi hẹn hò đầu tiên hoặc thứ hai sẽ thừa cơ hội nạn nhân thiếu cảnh giác trộm các tài sản giá trị như điện thoại đắt tiền, xe máy, ví tiền...