27/7, thăm mẹ liệt sĩ Gạc Ma: Tình người ở lại (2)
“Nhiều đêm tôi vẫn mơ thấy Dư còn sống. Có lúc còn thấy cảnh hai đứa hứng chí đấm nhau thùi thụi, thử xem đứa nào khỏe hơn, hệt như khi còn ở chung đại đội…”.
Nguyễn Văn Dũng và Phan Tấn Dư là những chiến sĩ của đại đội thông tin C5 thuộc Lữ đoàn 146. Một ngày trước hôm xuống tàu HQ 604 ra Gạc Ma theo lệnh, anh Dũng bị viêm họng, mất giọng nói. Thấy anh khó hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình trạng đó, chỉ huy điều anh Dư đi thay.
Và người đồng đội “ăn cùng mâm, ngủ cùng giường”, gắn bó còn hơn ruột thịt với Nguyễn Văn Dũng đã mãi mãi nằm yên dưới lòng biển lạnh, sau trận chiến đấu anh dũng bảo vệ Trường Sa ngày 14/3/1988.
Liệt sĩ Phan Tấn Dư. Chụp từ ảnh lưu tại gia đình
Ba ngày sau tin bạn mất, anh Dũng cũng xin lên tàu ra đảo: “Nhiều đêm tôi vẫn mơ thấy Dư còn sống. Có lúc còn thấy cảnh hai đứa hứng chí đấm nhau thùi thụi, thử xem đứa nào khỏe hơn, hệt như khi còn ở chung đại đội…”.
Năm 1993, Nguyễn Văn Dũng xuất ngũ. Trở về Nha Trang, anh thường xuyên nung nấu quyết tâm tìm bằng được gia đình anh Dư. Điều kiện thông tin liên lạc, đi lại ngày ấy quá khó khăn, lại không có tiền trong tay, anh đành vừa gầy dựng làm ăn, vừa lên kế hoạch tìm người thân đồng đội.
Anh mở cửa hàng ăn uống ở Nha Trang, mùa nắng lo buôn bán, làm ăn; mùa mưa ít khách, đóng cửa, chạy xe 120km ra Phú Yên tìm kiếm với mỗi dòng thông tin ít ỏi về người bạn: Phan Tấn Dư, ở Phú Yên, từng đi lính Trường Sa.
“Mấy năm đó, Phú Yên còn nghèo lắm, những con đường toàn đất bùn rải sỏi. Mùa mưa thì lầy lội khỏi nói. Rất nhiều lần, xe tôi ủi vào những hố bùn, phải xoay chuyển hết sức khó khăn mới ra được”, anh kể. Gần 2 năm, những chuyến đi rồi về không, hỏi ai cũng thấy lắc đầu, không một dấu vết để hy vọng.
Năm 1995, Nguyễn Văn Dũng tiếp tục ra Phú Yên. Mùa mưa năm đó dai dẳng. Xe anh sa vào bãi lầy, không thoát ra được. Anh bỏ xe, đi vào những ngôi nhà hai bên đường nhờ người giúp. Xong việc, anh gửi chút tiền bồi dưỡng và như mọi lần, không quên gửi tấm card có ghi thêm dòng chữ Phan Tấn Dư, lính Trường Sa.
Tại con đường này 20 năm trước, cựu binh Nguyễn Văn Dũng đã may mắn tìm được nhà đồng đội
Một anh thanh niên tên Vũ gọi người xe ôm ngay góc đường, nhờ hỏi thăm theo kiểu hú họa. May thay, anh này biết láng máng và nhận lời dẫn anh đến đầu ngõ.
Anh bước vào nhà, thấy một bà má ngồi trước cửa. Nhìn trong nhà không thấy bàn thờ nên không dám hỏi gì. Lần lữa một lúc, anh tới gần thăm dò “má có bao nhiêu người con, các anh chị làm gì?”.
Mẹ và em liệt sĩ Phan Tấn Dư
Đang lúc bối rối, anh dạo qua gian phòng khách, nhìn thấy phía trên cao ở bức tường bên hông có tấm hình anh Dư. Quá hồi hộp, anh run run hỏi: “Má ơi, hình ai vậy?”. Má bảo: “Nó là thằng Dư, con của má”. Anh tiếp: “Dư đi lính Trường Sa phải không má? Con là đồng đội của Dư nè má!”.
“Trong giây phút nhớ nhớ, quên quên của tuổi già, má cứ tưởng tôi là thằng Dư, con má trở về. Má ôm tôi mừng quấn quíu, khóc nức nở”, anh Dũng bồi hồi nhớ lại.
Với sự chăm lo của anh Dũng và đồng đội, ngôi nhà má đã được sửa sang đẹp hơn
Từ ngày tìm được nhà, mỗi năm, hai ba lần anh Dũng về thăm mẹ anh Dư, bà vui lắm: “Tôi đã nhẹ lòng hơn, dẫu sao cũng làm được điều mình mong muốn, thỉnh thoảng thay Dư về chăm sóc má. Vậy mà, có lúc ngồi bên tôi, má nói: nếu Dư hy sinh, thi thể của nó đã được đưa về rồi chớ con?”.
Cựu binh Nguyễn Văn Dũng trong một lần về thăm mẹ Niệm
Anh nghẹn lòng: Từng đó năm nhận giấy báo tử của Dư, má vẫn chưa tin con mình mất. Má vẫn không hình dung được con trai má đã nằm lại giữa biển sâu trong cuộc chiến giữ đảo Trường Sa hai mươi mấy năm về trước.
Phương Oanh - Trang Hà