Không bỏ giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn
Về thông tin liên quan đến Luật Hộ tịch, mới đây, Chính phủ và Bộ Tư pháp đã đưa ra quan điểm chính thức là đề nghị giữ lại hai loại văn bản giấy khai sinh và giấy đăng ký kết hôn trong Luật Hộ tịch.
Theo đó, ông Nguyễn Công Khanh (Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực Bộ Tư pháp) cho rằng giấy khai sinh đã tồn tại từ lâu, trở thành thói quen trong đời sống xã hội, là thẻ vào đời của người dân đã cấp hàng trăm năm nay.
Còn giấy đăng ký kết hôn là giấy công nhận chính thức của Nhà nước về việc hai người nam và nữ sống chung hợp pháp, vừa đảm bảo trang trọng, có ý nghĩa thiết thực đối với đôi vợ chồng đó.
Giấy khai sinh đã tồn tại từ lâu, trở thành thói quen trong đời sống xã hội, là thẻ vào đời của người dân đã cấp hàng trăm năm nay.
Chính vì vậy, việc lưu giữ, sử dụng cũng không gây trở ngại gì trong sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, nhiều loại giấy khác như giấy xác nhận cha, mẹ, con, hộ khẩu… với rất nhiều biểu mẫu khác sẽ được bỏ, Lao động cho biết.
Đồng ý là cải cách thì phải cắt bỏ bớt thủ tục, giấy tờ, nhưng vấn đề là nên bỏ loại giấy tờ nào? Quốc hội sẽ là cơ quan quyết định cuối cùng” - đại diện Bộ Tư pháp nói.
Trước đó, theo báo cáo của thường trực Ủy ban Quốc phòng - an ninh, cơ quan thẩm tra tiếp tục đề nghị lấy tên căn cước công dân thay cho chứng minh nhân dân, và thẻ căn cước công dân sẽ được cấp cho công dân từ khi mới sinh ra và sẽ thay thế giấy khai sinh.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, thẻ căn cước công dân cấp cho người dưới 14 tuổi sẽ có nội dung tương tự giấy khai sinh, có tên cha mẹ; còn thẻ căn cước công dân cấp cho người từ 14 tuổi trở lên mới có thêm các thông tin khác như ảnh, dấu vân tay, đặc điểm nhận dạng...
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng, thẻ căn cước hay giấy khai sinh chỉ là tên gọi, vì vậy khi đã quyết định cấp thẻ căn cước từ khi mới sinh thì không cần cấp giấy khai sinh nữa, Vnmedia cho biết thêm.
Hảo Min