Viêm gân cơ trên vai, bệnh lý ngày càng phổ biến của người Việt
Bà M. (60 tuổi, Nam Định) tới bệnh viện thăm khám sau khi xuất hiện tình trạng đau mỏi ở khớp vai, tay ở bên vai đó cảm giác yếu hơn so với bên còn lại.
Bà đã thử nhiều loại thuốc từ uống tới bôi mua ở hiệu thuốc gần nhà nhưng không khỏi nên mới nghe lời con trai lên Hà Nội thăm khám. Kết quả, bà được kết luận bị viêm gân cơ trên vai.
Cũng gặp phải tình trạng viêm gân cơ trên vai nhưng một bệnh nhân khác còn rất trẻ tuổi. Anh T.A (30 tuổi, Hà Nội) đam mê môn tennis, mỗi ngày sau giờ làm anh đều dành khoảng 3 tiếng buổi tối để tập luyện. Gần đây, anh xuất hiện các cơn đau ở vai, việc chơi thể thao thậm chí là vận động cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo Ths. BSCK II Ly Rina, viêm gân cơ trên vai là bệnh lý khá phổ biến ở những người trong độ tuổi trung niên trở lên.
Về cấu tạo, gân cơ trên vai là một trong 4 cơ thuộc nhóm cơ chóp xoay, bao gồm cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ dưới vai và cơ tròn bé. Nó có chức năng vận động dạng, xoay vai, khi hoạt động phối hợp với nhau và giữa cho là một trong 4 cơ thuộc nhóm cơ chóp xoay, bao gồm cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ dưới vai và cơ tròn bé.
Viêm gân cơ trên vai hay còn gọi là thoái hóa gân trên vai, đau gân trên vai. Ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa rõ cơ chế bệnh sinh của viêm gân.
Ths. BSCKII Ly Rina cho biết viêm gân cơ trên gai thường gặp ở các vận động viên chơi các môn thể thao có động tác vung tay qua đầu lập đi lập lại như ném, đập bóng, smash, bơi…
Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm đặc điểm giải phẫu của khớp vai làm cho gân cơ chóp xoay dễ va chạm vào mỏm cùng vai, tình trạng mất vững hoặc rối loạn vận động xương vai, và tuổi tác.
Nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn ở những người có các bệnh mạn tính như tiểu đường, rối loạn mỡ máu, béo phì. Ngoài ra, có bằng chứng sơ bộ cho thấy yếu tố di truyền cũng góp phần tăng nguy cơ viêm gân trên gai.
Những người bị viêm gân cơ trên vai thường xuất hiện cơn đau khi thực hiện các động tác giang tay, đưa tay ra trước lên cao… Cảm giác đau cũng xuất hiện trong các hoạt động hàng ngày như mang áo quần, chải tóc, lấy đồ vật ở trên cao… Vị trí đau thường ở bên ngoài, ngang mức cơ Delta, đau nhiều về đêm nhất là khi nằm nghiêng về phía vai đau. Với những người chơi thể thao, biểu hiện thường gặp là đau hoặc yếu vai, hoặc giảm khả năng thi đấu.
"Khi gặp phải tình trạng các cơn đau vai với những đặc điểm như trên, nhất là khi tình trạng kéo dài hơn một tuần thì nên tới gặp bác sĩ để được thăm khám", bác sĩ Ly Rina cho biết.
Với tình trạng viêm gân cơ trên vai, hai biến chứng nghiêm trọng nhất có thể gặp là đông cứng khớp vai và rách chóp xoay. Tình trạng này nếu không được điều trị thì lâu dài sẽ làm cho tầm vận động giảm đi, người bệnh dễ bị viêm dính khớp vai và khiến cho việc điều trị khó khăn.
Tùy vào tình trạng của từng trường hợp khác nhau, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bảo tồn phù hợp, can thiệp phẫu thuật đúng thời điểm sẽ giúp người bệnh tránh được các biến chứng.