Vì sao mùa Đông thường ngủ nhiều?
Sự thay đổi mùa không chỉ ảnh hưởng đến các hoạt động ngoài trời mà còn phá vỡ một số quy trình tự nhiên của cơ thể, đặc biệt là giấc ngủ.
Vào mùa đông, sự thay đổi thời tiết không chỉ ảnh hưởng đến các hoạt động ngoài trời mà còn phá vỡ một số quy trình tự nhiên của cơ thể, đặc biệt là giấc ngủ.
Thông thường, nhu cầu ngủ của người trưởng thành vào khoảng 7 - 9 tiếng/ngày. Dù nhu cầu này không thay đổi theo mùa, nhưng theo dữ liệu từ Hiệp hội giấc ngủ quốc gia Mỹ – National Sleep Foundation, con người có xu hướng ngủ thêm từ 1,75 - 2 giờ/ngày trong mùa đông.
Ảnh minh họa.
Điều gì khiến con người có xu hướng ngủ nhiều hơn trong ngày đông lạnh giá?
Thiếu ánh sáng
Thiếu hụt ánh sáng là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc ngủ nhiều vào mùa đông. Vào mùa này, con người có xu hướng tiếp xúc với ánh sáng mặt trời ít hơn mùa hè do ngày ngắn, đêm dài và ngại ra ngoài do trời lạnh. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đồng hồ sinh học của mỗi người.
Trong không gian tối, hormone gây buồn ngủ melatonin hoạt động mạnh mẽ hơn. Cùng lúc đó, mắt cũng tiết ra một dạng protein kích thích cơn buồn ngủ khi thiếu sự xuất hiện của ánh sáng. Vì vậy nhiều người chỉ muốn đi ngủ ngay lập tức.
Ngay cả khi đang ngồi làm việc dưới ánh sáng nhân tạo từ đèn trong phòng thì cường độ của ánh sáng này vẫn thấp hơn nhiều so với ánh sáng tự nhiên. Ngoài ra, mọi người thường không ra ngoài nhiều và tìm kiếm ánh sáng tự nhiên nên cảm giác buồn ngủ cũng tăng lên khiến chúng ta ngủ nhiều vào mùa đông.
Bên cạnh đó, ánh nắng giảm xuống cũng khiến da tổng hợp ít vitamin D hơn. Khi lượng vitamin D thấp con người dễ buồn ngủ và mệt mỏi hơn vào ban ngày. Đây là lý do nhiều người cần bổ sung vitamin D qua đường thực phẩm hoặc thuốc vào mùa đông.
Rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD)
Rối loạn cảm xúc theo mùa là một chứng rối loạn có liên quan đến sự thay đổi theo mùa, thường là vào mùa thu và mùa đông. Rối loạn cảm xúc theo mùa có thể khiến con người khó ngủ vào ban đêm nhưng lại tạo ra cảm giác buồn ngủ vào ban ngày.
Ảnh minh họa.
Các triệu chứng khác của SAD như thay đổi tâm trạng, cảm giác buồn bã, chán nản…Tất cả những điều này có thể khiến chúng ta dễ chìm vào giấc ngủ hơn, ngay cả vào ban ngày.
Thói quen sinh hoạt thay đổi
Sự thay đổi về nhiệt độ và ánh sáng cũng dẫn đến những xáo trộn trong sinh hoạt thường ngày. Khi thời tiết lạnh, mọi người thường ngại ra ngoài vận động hơn. Điều này khiến cơ thể khó sản xuất endorphin. Khi thiếu đi hormone này, cơ thể dễ uể oải, buồn ngủ nhiều hơn.
Ngoài ra, vào mùa đông, quá trình trao đổi chất cũng diễn ra nhanh hơn. Hệ quả là chúng ta có xu hướng tiêu thụ nhiều thức ăn chứa tinh bột, đạm và đường. Điều này làm tăng lượng serotonin và melatonin trong cơ thể tăng lên, dẫn đến hiện tượng “căng da bụng chùng da mắt”.
Nhiệt độ mát mẻ giúp ngủ ngon
Cơ thể người vốn có cơ chế điều hòa thân nhiệt, đóng vai trò duy trì nhiệt độ lý tưởng trong nhiều tình huống. Chẳng hạn như khi nhiệt độ quá cao, cơ thể sẽ tự hình thành các phản xạ như trở người, tung chăn.
Tuy nhiên, nếu được ngủ trong nhiệt độ mát mẻ (từ 18 đến 22°C) thì cơ chế điều hòa thân nhiệt sẽ không phải hoạt động quá nhiều, các hành động phản xạ diễn ra ít hơn. Từ đó, cơ thể hoàn toàn trong trạng thái nghỉ ngơi khiến con người ngủ ngon hơn.
Ảnh minh họa.
Nhìn chung, việc ngủ nhiều vào mùa đông hay những ngày mưa là phản ứng hoàn toàn tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, nếu thường xuyên ngủ nhiều hơn 10 tiếng/ngày dễ rơi vào trạng thái buồn bã, tinh thần sa sút, mất khẩu vị, đó có thể là biểu hiện chứng trầm cảm theo mùa (SAD).
Chứng bệnh này có thể kết thúc khi thời tiết ấm lên nhưng vẫn gây nhiều tác động tiêu cực lên sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống. Vì vậy nếu nhận thấy bản thân có những biểu hiện trên, hãy cân nhắc tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý.
Làm gì để năng động hơn vào mùa đông?
Để vượt qua cái giá lạnh của mùa đông, trước hết nên thiết lập một kế hoạch cá nhân chi tiết cụ thể, đặc biệt là cho việc tập thể dục ngoài trời. Ánh sáng bên ngoài sẽ làm giảm đáng kể tần suất tiết melatonin của tuyến tùng, từ đó giúp giảm mệt mỏi, uể oải rất nhanh chóng.
Bên cạnh đó, hãy lựa chọn một chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung đầy đủ các vitamin thiết yếu, đặc biệt là vitamin D - loại chất dinh dưỡng vốn được tổng hợp từ ánh sáng mặt trời. Ăn uống no và đủ chất sẽ giúp cơ thể giữ ấm từ bên trong và có thêm sinh lực để hoạt động năng nổ trong một ngày dài.