Từ vụ sư đập hộp iPhone 6: Người xuất gia cần sống thế nào?
Trên hành trình tìm về sự giải thoát trong đạo Phật, người xuất gia luôn thấy rõ điều kiện tu tập quyết định một phần không nhỏ trong lộ trình đến với bến bờ giác ngộ. Chính vì điều này, mỗi người học đạo luôn cố gắng để đạt được chí nguyện mà mình đang hướng đến.
Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về cách sống và con đường giác ngộ của những người đang tu học theo Phật, Báo điện tử Gia Đình Việt Nam xin chia sẻ một bài viết của thầy Thích Huệ Sĩ (TP HCM) về điều này.
Mọi người điều có những điều kiện tu tập căn bản như nhau khi gia nhập tăng đoàn của đức Phật, không phân biệt giai cấp, màu da,… Tuy nhiên mỗi người cần thấy rõ một số điều trong cuộc sống.
Đó là đối với vật chất, một nhà tu hành tuy không đòi hỏi những nhu cầu xa xỉ trong cuộc sống nhưng chí ít những thứ cần thiết về sự ăn, mặc, ở, bệnh,… cũng ở mức độ trung bình để cho chúng ta an tâm tu hành.
Nếu là một người tu hành chân chánh thì không nên quá bận rộn với việc tìm cầu vật chất, tạo dựng cho mình một những ngôi chùa to, Phật lớn mà quên đi nhiệm vụ chính của người tu là phải tu. Một khi cơn vô thường đã đến, cái già, cái chết gần kề, mình mới giựt mình sực tỉnh thì đã luống qua thời gian quý báu rồi.
Ngày nay điều kiện về vật chất rất đầy đủ nhưng những người nổi bật về sự tu chứng thì có mấy ai. Ngược lại, thời Phật còn tại thế tuy vật chất còn nhiều mặt thiếu thốn, những vị tu theo hạnh đầu đà, ngày ăn một bữa, đêm ngủ dưới gốc cây,… nhưng số lượng người thành công trên con đường đạo quả rất nhiều.
Từ đó chúng ta thấy rằng, vật chất quá hưng thạnh thì chưa hẳn là điều tốt cho người tu nếu những người ấy không biết tiết độ. Nhưng nếu sống ở một nơi quá thiếu thốn về vật chất thì cũng là một trở ngại cho việc tu hành. Vì khi vật chất quá thiếu thốn, dẫn đến thể trạng bị suy nhược, tinh thần không minh mẫn, ảnh hưởng đến việc hành trì của người tu.
Tóm lại, về phương diện vật chất, tuy những nhà tu hành không chịu ảnh hưởng nhiều về nó nhưng điều này góp phần không nhỏ trên bước đường tu chứng của các vị ấy. Vì vậy, vật chất có nhiều hay ít không quan trọng mà quan trọng ở chỗ người sở dụng vật chất ấy như thế nào cho hợp lý. Người thế gian cần làm ra nhiều vật chất để phát triển xã hội. Còn người tu hành chỉ cần vật chất vừa đủ để duy trì cho thể khoẻ mạnh là được rồi.
Thứ đến là bản thân người tu tập đó. Tuy giáo lý của đức Phật mang đậm tính từ bi, bình đẳng nhưng không phải không có những quy tắc căn bản. Nếu tăng đoàn của đức Phật không có những quy tắc căn bản cần và đủ, phù hợp với chơn lý thì tăng đoàn không được mọi giới trọng vọng như thế.
Những quy tắc căn bản ấy là gì? Về mặt thân thể thì phải đầy đủ lục căn, về xã hội thì không phải là người trốn nợ, người đang bị pháp luật truy nã, về gia đình thì phải được sự đồng thuận của người thân… Đây chính là những hình thức, là điều kiện căn bản mà người tu tập nào cũng phải tuân theo ở buổi đầu. Nếu không tuân theo những điều kiện cơ bản này thì trong tăng đoàn của đức Phật sẽ là một tăng đoàn ô hợp.
Và cũng có thể là nơi để cho những người phạm tội, những người lang thang, cơ nhở vào trú ẩn, chớ không phải là nơi của những người thanh tịnh, giải thoát ở. Nếu ở một tăng đoàn như thế sẽ có nhiều bất lợi cho người tu tập thật sự.
Để hiểu rõ hơn về những điều kiện trong sự tu tập qua sự nương tựa vào chánh pháp thì trong kinh Trung bộ, tập 1, bài kinh Thừa Tự Pháp Phật đánh giá rất cao những người tu tập theo hạnh viễn ly, không tích chứa tài sản, vật chất qua câu nói: “Làm sao những đệ tử của Ta là những người thừa tự pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật”.
Tuy đây là một câu nói có vẻ rất đơn giản nhưng lại hàm chứa một triết lý rất là sâu sắc. Vì khi đã là một sa môn, một người tu rồi thì hãy lấy tinh thần giáo lý làm đầu, lấy tinh thần tu tập làm đầu, không nên chú trọng quá nhiều vào các thế lợi mà ảnh hưởng đến con đường tu tập.
Qua câu nói mọi người đều có thể ngầm hiểu, Phật đã thấy rõ được nguy hiểm của những tham dục thế gian mới từ bỏ tất cả để tìm được pháp giác ngộ giải thoát và khuyên các hàng đệ tử cũng cảnh giác các vấn đề đó để cho con đường tu tập được tốt đẹp.
Còn trong Tương Ưng bộ kinh, đức Phật dạy “Ai thấy pháp thì người ấy thấy Ta, ai thấy Ta thì người ấy thấy Pháp”. Tức là pháp được nâng lên ngang bằng với Phật. Cũng từ điều này cho chúng ta thấy nếu chúng ta tôn kính Phật, nhớ ơn Phật thì không cần làm điều gì to tát mà chúng ta chỉ thực hành theo những lời dạy của Ngài là đủ.
Còn với những người nói là đệ tử của Phật mà không tôn trọng và thực hành theo pháp Phật, tuy hình thức là đệ tử của Phật nhưng bên trong kỳ thực là không phải, không khéo những người ấy còn phá pháp của Phật.
Thích Huệ Sĩ