Tự cứu mình khỏi khoản nợ gần 3 tỷ đồng nhờ 3 cách đơn giản
Hành trình trả khoản nợ gần 3 tỷ đồng của Jay Stansfield khiến nhiều người có động lực trả dứt các khoản nợ, thoát khỏi tình trạng khốn đốn vì khủng hoảng tài chính.
Jay Stansfield, 43 tuổi, từng chìm đắm trong khoản nợ khổng lồ và sống trong bất lực, lo sợ. Anh nợ tới 100.000 bảng Anh (2,8 tỷ đồng) từ năm 2009 và phải dành tới 1 thập kỷ để thoát nợ.
Jay Stansfield, 43 tuổi
Thiết lập 1 bảng tính
Jay nói rằng bước đầu tiên để giành quyền kiểm soát là tính toán chính xác những gì mình sẽ chi tiêu và khi nào.
Anh giải thích: “Thay đổi chính giúp tôi hiểu được chi tiêu của mình là thiết lập một bảng tính. Bạn nên lập 1 bảng liệt kê ra các hóa đơn cần phải thanh toán, ngày đến hạn thanh toán và số tiền tương ứng.
Cột tiền lương/thu nhập của bạn cũng rất quan trọng. Bạn sẽ biết rằng lương của mình có đủ để thanh toán nợ hay không, nếu thừa thì con số là bao nhiêu. Những khoản sinh hoạt hàng ngày như tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống… cũng nên viết rõ ràng. Bảng tính càng chi tiết bao nhiêu bạn càng dễ nắm được tình trạng tài chính của bản thân”.
Jay Stansfield khuyên nên kiểm tra thường xuyên trong suốt tháng để xem chi tiêu của bạn diễn ra như thế nào và liệu ngân sách của bạn có đang đi đúng hướng hay không. Nếu chi phí bất ngờ phát sinh, hãy lên kế hoạch phù hợp.
“Nếu bạn không có cái nhìn tổng quan về số tiền đang vào và ra khỏi tài khoản, bạn sẽ không thể kiểm soát được số tiền của mình” – Anh nói.
Bên cạnh đó, Jay cũng lập riêng 1 “quỹ dự phòng” ngay cả khi vẫn đang nợ nần. Dù nợ nần bạn cũng không thể “cản đường” những trường hợp đặc biệt xảy ra và cần đến tiền. Bạn làm sao có thể biết bao giờ thì xe hỏng, bao giờ bạn đau ốm… nên hãy coi quỹ này là khoản tiền mặc định phải chi hàng tháng. Mỗi tháng Jay sẽ bỏ ra khoảng 50 bảng Anh (1,5 triệu đồng) để phòng trường hợp khẩn cấp xảy ra.
Ảnh minh họa.
Ưu tiên những khoản quan trọng
Dù nhiều khoản nợ bạn cũng nên ưu tiên những khoản quan trọng trước.
“Theo nguyên tắc chung, trước tiên hãy đảm bảo rằng bạn có thể trả tiền nhà, các tiện ích và thực phẩm. Sau đó giải quyết các thẻ tín dụng lãi suất cao, mọi khoản vay và thuế hội đồng. Thiết lập kế hoạch thanh toán với tất cả các công ty này để họ biết bạn đang làm gì để giải quyết các khoản nợ “ – Jay cho biết.
Jay Stansfield có thói quen ưu tiên các khoản nợ cần thiết trước. Ví dụ như những khoản nợ tín dụng, bạn cần thanh toán trước hạn, ngược lại khoản nợ người thân, bạn bè… thời gian có thể linh hoạt hơn.
“Thay vì quên khoản nợ của mình đi cho đỡ… đau đầu, tôi học cách đối diện. Dĩ nhiên, tôi cũng phải nghĩ nhiều cách để cải thiện thu nhập của mình. Một khoản thu nhập lớn sẽ giúp bạn đỡ lo nghĩ về khoản nợ của mình hơn. Không chỉ cần tiền trả nợ, tôi còn phải đảm bảo cuộc sống sinh hoạt hàng ngày nên cải thiện thu nhập là yếu tố quan trọng” – anh nói.
Nói chuyện thẳng thắn với chủ nợ
Nhiều người gánh nợ thường lẩn tránh chủ nợ nhưng với anh Jay Stansfield, một trong những cách giúp anh thoải mái hơn khi nợ nần là nói chuyện thẳng thắn với chủ nợ.
“Tôi từng rất lo sợ những ngày đến hạn trả nợ, thế nhưng từ khi nhấc điện thoại lên và nói chuyện rõ ràng với chủ nợ, tôi thấy mình chủ động hơn, đỡ áp lực hơn” – anh chia sẻ.
Nếu tháng đó bạn thiếu khả năng chi trả, nói thẳng với họ tình trạng của mình bạn còn có hy vọng được thông cảm. Trong vài trường hợp, bạn cũng có thể lùi lịch thanh toán của mình nếu chủ nợ cho phép.
Jay khuyên, khi nợ nần cũng không nên giấu gia đình. Họ có thể sẽ cho bạn lời khuyên để thoát khỏi cảnh khủng hoảng tài chính.
-> Bà mẹ 4 con 3 lần vô gia cư, gặp thời kiếm hơn 2 tỷ đồng/tháng