Triệu chứng dễ nhầm của bệnh đậu mùa khỉ và thuỷ đậu
Bệnh đậu mùa khỉ và thủy đậu đều xuất hiện các triệu chứng như phát ban, nổi mụn nước, gây tổn thương trên da,... khiến nhiều người dễ bị nhầm lẫn 2 loại bệnh này.
BS.CKII Huỳnh Thị Thúy Hoa - khoa nội A Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho rằng người dân còn khó phân biệt, dễ nhầm lẫn giữa hai loại bệnh: đậu mùa khỉ (Monkeypox) và thủy đậu (Chickenpox).
"Nhân viên y tế phân biệt được nhưng người dân thì không phân biệt được. Nghe tên bệnh đều có từ "đậu" nhưng không biết bệnh gì, nguy hiểm như thế nào, vắc xin phòng bệnh ra sao", bác sĩ Hoa nhận định.
Bệnh đậu mùa khỉ có nhiều nét tương đồng với bệnh thuỷ đậu (Ảnh minh họa)
Tương tự, bác sĩ Nguyễn Trần Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM nhận định, bệnh đậu mùa khỉ có nhiều nét tương đồng với bệnh thuỷ đậu.
Virus thủy đậu thuộc họ Human, nhóm Herpesviridae, lây từ người sang người. Bệnh này đang lưu hành và có vaccine phòng bệnh nhưng không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia mà phải tiêm dịch vụ.
Đậu mùa khỉ là siêu vi, giống với bệnh đậu mùa (xảy ra trước năm 1980), diễn tiến của bệnh từ lúc tiếp xúc đến khi biểu hiện bệnh cần 2 - 3 tuần.
Triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ và thuỷ đậu cũng giống nhau, với các biểu hiện sốt, đau cơ, đau đầu, sang thương ở da, niêm mạc (ban đầu xuất hiện hồng ban, đến sẩn, bóng nước và cuối cùng là đóng mày khô).
Với đậu mùa khỉ, 5 ngày đầu triệu chứng thoáng qua, người bệnh mệt mỏi, đau nhức người nhưng đặc biệt hạch sưng to như hạch nách, hạch bẹn…
Phân biệt bóng nước trên da
Bác sĩ Nam cho biết, đậu mùa khỉ còn xuất hiện bóng nước tập trung nhiều ở tay, chân, sau mông, cơ quan sinh dục. Kích thước của các bóng nước này có thể từ 0,5 đến 1 cm. Bóng nước của đậu mùa khỉ nổi lên cùng lúc khác với thuỷ đậu thời gian nổi trên từng vị trí khác nhau.
Với bệnh thuỷ đậu, bóng nước to, nhỏ; còn ở đậu mùa khỉ kích thước bằng nhau. Thuỷ đậu không có hạch còn đậu mùa khỉ thì hạch sưng to, nhìn mắt thường thấy rõ.
Bên cạnh đó, điểm khác biệt giữa đậu mùa khỉ và thủy đậu là vị trí bóng nước, hạch, vết sẹo. Ở đậu mùa khỉ, bóng nước từ mặt rồi lan ra cơ thể, hạch sưng to, vết sẹo sâu, còn thủy đậu thì bóng nước từ thân lan ra, vết sẹo nông.
Điểm khác biệt giữa đậu mùa khỉ và thủy đậu là vị trí bóng nước, hạch, vết sẹo (Ảnh minh họa)
Chuẩn đoán, mức độ bệnh
Theo bác sĩ Nam, đậu mùa khỉ được chẩn đoán qua thực hiện PCR Monkeypox virus từ sang thương, mức độ lây lan ít, tỉ lệ tử vong 3-6%. Thủy đậu được thực hiện qua PCR VZR từ sang thương bóng nước, mức độ lây lan cũng ít, tỉ lệ tử vong thấp.
Ở bệnh thuỷ đậu, mẹ mắc có thể lây cho con nhưng đậu mùa khỉ hiện nay chưa có nghiên cứu về vấn đề này, vì số ca mắc ở bà bầu ít hơn. Đậu mùa khỉ hiện nay nam giới mắc nhiều.
Trong các y văn ghi chép trẻ nhiễm đậu mùa khỉ thấp hơn, có thể xuất hiện ở trẻ vị thành niên, vì vậy nguy cơ lây cho trẻ thấp. Biến chứng do đậu mùa khỉ ở trẻ em đa phần là nhiễm trùng khi các nốt bóng nước vỡ ra.
Hiện theo hướng dẫn của WHO hay Bộ Y tế, đậu mùa khỉ hay thuỷ đậu được sàng lọc từ yếu tố dịch tễ như có đến vùng dịch hay không.
Theo phân loại dịch tễ của WHO, Việt Nam xếp vào nhóm 1 là nhóm chưa xuất hiện ca đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, bác sĩ Nam khuyến cáo nếu nghi ngờ, người dân cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được hướng dẫn, khảo sát, chẩn đoán đặc hiệu có liên quan tới đậu mùa khỉ hay không.
-->> Tiêm vaccine đậu mùa có phòng được bệnh đậu mùa khỉ không?