Trẻ la hét khi ngủ có phải là triệu chứng bệnh tâm thần?
Không nên kết luận bé bị tâm thần, đó có thể là những chấn động tâm lý mà những hoạt động trong cuộc sống gây ra.
Hỏi:
Con tôi năm nay gần 3 tuổi, tuy nhiên từ 14 tháng tuổi bé ngủ đêm hay la hét, đập giường chiếu, đập người nằm bên cạnh rồi một thời gian bé ngưng. Vì thấy cháu phát triển bình thường nên tôi cũng không lo lắng lắm, nghĩ cháu hiếu động ban ngày, đêm lặp lại hành động ban ngày như bác sĩ giải thích khi tôi đi tư vấn. Nhưng gần 1 tháng nay đêm cháu lại khóc, la hét, tôi cố dỗ dành có lúc tức quá phét vào mông cho cháu tỉnh nhưng cháu càng la to hơn chừng khoảng 10 phút mới ngủ tiếp. Bác sĩ ơi con tôi có phải thần kinh có vấn đề không? nếu muốn khám tôi phải cho con đi khám ở đâu? Hiện tại con tôi ăn uống bình thường, sức khỏe rất tốt.
Trả lời:
BS Phạm Ngọc Thanh - Trưởng Đơn vị Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 giải thích:
Con gái của bạn gần được 3 tuổi, nhưng từ 14 tháng tuổi bé ngủ đêm hay la hét, đập giường chiếu, đập người nằm bên cạnh rồi một thời gian bé ngưng. Nhưng 1 tháng gần đây, bé lại khóc, la hét, bị bạn phét vào mông cho tỉnh, nhưng bé càng la to hơn khoảng 10 phút rồi ngủ tiếp. Như vậy, là cho đến thời điểm này, bé có 2 đợt bị rối loạn giấc ngủ.
Theo như bạn kể, những hành vi bất thường đó xảy ra trong lúc bé ngủ, chứng tỏ bé có những cơn ác mộng gây kinh hoàng cho bé. Bạn không nên phét vào mông để đánh thức bé, vì vô tình bạn thêm một hành vi bạo lực đối với bé nữa. Để chuẩn đoán bệnh bé chính xác nhất, bạn nên đến khám tâm lý cho bé tại đơn vị Tâm Lý uy tín.
Trong khi chờ đợi, bạn nên xem trong 2 thời điểm trước khi bé có những biểu hiện rối loạn giấc ngủ, có biến cố nào xảy ra gây sự hoảng sợ cho bé không? Bé có chơi trò chơi hay xem phim siêu nhân không? Có ai nhát ma hoặc cho bé xem phim ma không? Bé có cùng với người lớn xem phim có những màn bạo lực không? Cách giáo dục trong gia đình có dùng lời hù dọa, mắng chửi, đánh đập trẻ khi trẻ không làm hài lòng cha mẹ không? Trẻ có bị ép buộc ăn uống khi trẻ từ chối ăn không? Cần tìm hiểu những yếu tố đó để tìm ra nguyên nhân gây căng thẳng, lo sợ cho bé và tìm cách trấn an trẻ để trẻ có một giấc ngủ tốt hơn.