Tọa đàm "Điều trị F0 tại nhà: Làm gì để hiệu quả cho bệnh nhân, an toàn với gia đình và cộng đồng?"
Nhằm cung cấp kiến thức và những lưu ý cần tránh cho bệnh nhân F0 đang điều trị tại nhà, ngày 14/1 Gia đình Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Điều trị F0 tại nhà: Làm gì để hiệu quả cho bệnh nhân, an toàn với gia đình và cộng đồng?"
Theo thống kê của Bộ Y tế, kể từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.908.353 ca, trong đó có 1.587.273 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Tổng số liều vắc xin đã được tiêm ở Việt Nam tính đến ngày 10/1 là 161.277.807 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.291.624 liều, tiêm mũi 2 là 71.161.335 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 11.824.848 liều.
Mặc dù, thời gian qua, ca mắc COVID-19 trên cả nước vẫn duy trì ở mức cao và tăng nhanh nhưng 80% trong đó là bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, hoặc không triệu chứng.
Các nhà khoa học của Đại học Anh cho rằng, COVID-19 là một căn bệnh con người có thể mắc đi mắc lại nhiều lần, như các loại cảm cúm thông thường.
Chính vì vậy, để giảm áp lực cho các cơ sở điều trị, việc điều trị F0 tại nhà đang là mô hình điều trị phù hợp nhất hiện nay.
Theo đó, từ ngày 16/8, Bộ Y tế chính thức triển khai thí điểm điều trị F0 tại nhà ở TP.HCM, sau đó mở rộng ra TP. Hà Nội và các tỉnh thành phố trên cả nước.
Để phân luồng các bệnh nhân F0 đủ điều kiện điều trị tại nhà, ngày 30/10, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành văn bản số 2353/SYT-NVY về việc hướng dẫn quản lý, theo dõi, giám sát, hỗ trợ các trường hợp F0 điều trị tại nhà. Theo đó, F0 muốn được điều trị tại nhà cần đảm bảo những điều kiện sau:
- Là người nhiễm COVID-19 (được khẳng định dương tính bằng xét nghiệm PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) không có triệu chứng lâm sàng; hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ: như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi.
- Không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy, nhịp thở ≤ 20 lần/phút, SpO2 ≥ 97% khi thở khí trời; không có thở bất thường như: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào.
- Về độ tuổi: Trẻ em trên 3 tháng tuổi, người lớn ≤ 49 tuổi và chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường; không đang mang thai.
Ngoài những điều kiện kể trên, ông Vũ Cao Cương - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết muốn điều trị F0 tại nhà còn phải đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị...
"Phải là nhà ở riêng lẻ, căn hộ trong khu tập thể, khu chung cư, phải có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay, có dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân…, phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch và phải được giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo dịch bệnh", ông Cương cho hay.
Tính đến hết ngày 8/1, toàn thành phố Hà Nội có gần 44.000 F0 đang được điều trị. Trong đó có tới gần 34.000 F0 điều trị tại nhà và gần 7.000 F0 điều trị tại cơ sở thu dung của Hà Nội và quận, huyện. Như vậy, có gần 93% F0 ở Hà Nội thuộc tầng 1.
Tuy nhiên, câu chuyện F0 điều trị tại nhà vẫn khiến nhiều người lo lắng về việc sử dụng thuốc thế nào cho đúng, cần chuẩn bị tâm lý ra sao, liên hệ nhân viên ý tế hỗ trợ như thế nào, làm gì để an toàn, không lây nhiễm cho những người xung quanh,....
Nhằm giải đáp những thắc mắc này cũng như cung cấp cho độc giả và người dân các kiến thức xung quanh việc điều trị Covid-19 tại nhà, vào ngày 14/1 tới đây Tạp chí Gia đình Việt Nam sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Điều trị F0 tại nhà: Làm gì để hiệu quả cho bệnh nhân, an toàn với gia đình và cộng đồng?".
Tọa đàm có sự góp mặt của chuyên gia y tế PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa và Doanh nhân Nguyễn Thu Trang - Tổng giám đốc Công ty cổ phần thiết bị y tế T.A.F, Top 10 Doanh nhân tiên phong ngành thể thao và sức khỏe.
Các chuyên gia hàng đầu tham dự tọa đàm
Cùng với đó, Tọa đàm còn có sự góp mặt của các nhân vật F0 đã điều trị khỏi tại nhà. Họ sẽ chia sẻ câu chuyện chữa bệnh của chính mình cũng như những kinh nghiệm thực tế giúp chiến thắng dịch bệnh Covid-19.
Buổi tọa đàm được đăng tải trên tạp chí điện tử, hệ thống FanPage và kênh Youtube Gia đình Việt Nam.
Mời quý độc giả theo dõi và đặt câu hỏi cho các chuyên gia để được giải đáp.