Tin lời “thầy lang Tiktok” dùng cỏ chữa suy thận, 3 tháng sau vào viện nhận kết quả đắng chát
Người đàn ông 47 tuổi mắc suy thận độ 3, nghe lời “thầy lang tiktok” dùng cỏ mật chữa bệnh khiến bệnh trở nặng.
Anh Hoàng - tên nhân vật đã được thay đổi (47 tuổi, ở Hà Nội) cho biết, anh bị suy thận độ 3 từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, do thấy người không còn đau mệt, nghĩ bệnh đã khỏi nên anh không uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Thay vào đó, anh lên mạng xã hội nghe theo lời “thầy lang trên Tiktok”, tự ý uống cỏ mực, đậu đen xanh lòng để điều trị. Hơn 3 tháng qua, mỗi ngày anh duy trì uống khoảng một nắm tay cỏ mực và 2 - 3 muỗng đậu đen.
Tuy nhiên, bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm, mà cơ thể anh ngày càng yếu hơn. Lúc này anh mới vào bệnh viện để "cầu cứu" bác sĩ.
Tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân đến khám trong tình trạng ăn uống kém, da xanh xao, chân đau nhức, cơ thể mệt mỏi. Bệnh tình của anh Hoàng đã chuyển sang suy thận cấp trên nền suy thận mạn giai đoạn 5.
“Bệnh nhân ‘hết hồn’ khi nghe bác sĩ thông báo tình trạng bệnh. Bệnh nhân được tư vấn nhập viện để lọc máu nhằm tránh nguy cơ hôn mê, tử vong do các biến chứng suy thận cấp gây ra.
Nếu đáp ứng điều trị bằng thuốc kém, chức năng thận không phục hồi tốt hơn, anh Hoàng có thể sẽ phải lọc máu định kỳ suốt đời”, BS Thiệu cho biết.
Bác sĩ Thiệu thăm khám, điều trị cho bệnh nhân (Ảnh: BSCC)
Theo BS Thiệu, nhiều bệnh nhân suy thận tự ngưng điều trị và thay thế hoặc uống kèm thêm các loại lá cây như cỏ mực (nhọ nồi), đậu đen xanh lòng, cây rễ gió, cây mộc thông… khiến bệnh nặng hơn, không thể hồi phục, phải lọc máu suốt đời.
“Cỏ mực hay còn gọi là cây nhọ nồi là một vị thuốc trong đông y. Theo đó, cỏ mực có tác dụng như cầm máu. Việc sử dụng một bài thuốc cho bệnh nhân mắc các bệnh lý về thận mà không qua nghiên cứu rõ ràng là rất nguy hiểm”, vị bác sĩ phân tích.
Bác sĩ Thiệu nói thêm, thực tế các loại thuốc khi đưa vào cơ thể có hai cách đào thải là đào thải qua gan và đào thải qua thận.
“Trong trường hợp người bệnh đã suy giảm chức năng thận lại bắt thận làm việc thêm nữa, vô tình góp phần làm chức năng thận suy giảm hơn.
Đối với bệnh nhân đã có bệnh lý về thận, tốt nhất không nên tùy tiện sử dụng các loại thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ. Kể cả những bài thuốc Đông y cũng phải do bác sĩ y học cổ truyền chỉ định”, BS Thiệu khuyến cáo.