Thứ sáu, 26/04/2024 12:51
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ sáu, 20/05/2022 15:52

Tiếp vụ việc ông bà nội xin "giải cứu" cháu khỏi mẹ đẻ và bố dượng: Người thân nên yêu cầu cách ly cháu bé

Liên quan đến vụ việc ông bà nội khẩn cầu "giải cứu" 2 cháu thoát khỏi mẹ đẻ và bố dượng, chuyên gia luật cho rằng, người thân cần yêu cầu cách ly 2 cháu.

2902b27001c6c09899d7

Luật sư Đặng Xuân Cường - Công ty Luật Trương Anh Tú.

Trao đổi với Gia đình Việt Nam, Luật sư Đặng Xuân Cường - Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay: Việc ông Đoàn Trọng Sáng, bà Nguyễn Thị Hồng (ông bà nội của hai cháu T.N và H. A) qua thăm 2 cháu nội (khi bố đã mất mẹ lấy chồng, hai cháu ở với mẹ và bố Dượng) là sự yêu thương quan tâm chăm sóc thể hiện tình cảm tốt đẹp trong gia đình điều này cần được tôn trọng và tạo mọi điều kiện.

Việc chị N. A. (mẹ ruột của hai cháu) và anh T. (bố Dượng) ngăn cấm ông bà nội đến thăm cháu là không phù hợp với truyền thống yêu thương trong gia đình.

Theo Luật sư Đặng Xuân Cường, về mặt pháp lý, bảo vệ trẻ em và những người yếu thế trong xã hội là Nguyên tắc nhân đạo của pháp chế xã hội chủ nghĩa được thể hiện tại Điều 37 của Hiến pháp năm 2013 “Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.

e5bddee1302cf172a83d-1514

Những vết thương bầm tím trên cơ thể cháu H.A được phát hiện trong thời gian ở với bố dượng và mẹ đẻ.

Empty

Giấy ra viện của Bệnh viện Thanh Nhàn chẩn đoán cháu H.A phải "theo dõi chấn thương sọ não".

Việc anh T. đã nhiều lần hành hạ các cháu, cụ thể vào ngày 28/12/2020 và ngày 9/4/2021 theo lời khai của cháu T.N. và giấy ra viện ngày 19/4/2021 ghi rõ cháu T.N chẩn đoán “theo dõi chấn thương sọ não” là hành vi bạo lực gia đình theo điều 2 của Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007.

Theo Luật sư Cường, căn cứ luật hôn nhân gia đình: “Điều 104. Quyền, nghĩa vụ của ông bà nội, ông bà ngoại và cháu

Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu; trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 105 của Luật này thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu.

Cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà nội, ông bà ngoại; trường hợp ông bà nội, ông bà ngoại không có con để nuôi dưỡng mình thì cháu đã thành niên có nghĩa vụ nuôi dưỡng”.

Ông Bà nội hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp khi quyền lợi ích của các cháu bị ảnh hưởng.

Về việc 2 cháu bé bị phát hiện có nhiều vết bầm tím, thâm tím trên cơ thể trong thời gian ở với mẹ đẻ và bố dượng có dấu hiệu của việc tác động ngoại lực, dấu hiệu của việc bạo hành trẻ em. Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra sự việc, tuy nhiên đến nay chưa có kết quả.

Cũng theo Luật sư Đặng Xuân Cường, ông bà nội, người thân của 2 cháu nên yêu cầu UBND phường Minh Khai (nơi hai cháu đang ở tại gia đình của mẹ và bố Dượng) cách ly hai cháu ra khỏi bố mẹ và áp dụng biện pháp thay thế để chăm sóc các cháu theo Điều 31, 32, nghị định 56/2017 NĐ-CP ngày 9/5/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em.

"Việc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 50 Luật trẻ em được thực hiện đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; trẻ em bị xâm hại nhưng cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em từ chối thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp hoặc trẻ em bị xâm hại có nguy cơ tiếp tục bị xâm hại bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em cư trú hoặc nơi xảy ra trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này có thẩm quyền ra quyết định tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em theo Mẫu số 07tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và bố trí nơi tạm trú an toàn theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 50 Luật trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế theo quy định tại khoản 3 Điều 52 Luật trẻ em trong vòng 12 giờ tính từ thời điểm tiếp nhận thông tin.

Thời hạn tạm thời cách ly được quyết định căn cứ vào đánh giá nhu cầu và môi trường an toàn của trẻ em, được gia hạn, nhưng thời hạn cách ly tối đa không quá 15 ngày trừ trường hợp phải tiếp tục cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Khi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em được đánh giá bảo đảm điều kiện an toàn cho trẻ em theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hủy bỏ quyết định tạm thời cách ly.

Trẻ em được tạm thời cách ly khẩn cấp khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em cần được thực hiện ngay việc giao chăm sóc thay thế trước khi thực hiện các thủ tục nhận chăm sóc thay thế”, Luật sư Đặng Xuân Cường phân tích.

Ngoài ra ông bà nội có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu được quyền chăm sóc các cháu do bố mẹ không đủ điều kiện về đạo đức chăm sóc giáo dục con.

Về mặt hình sự, Luật sư Đặng Xuân Cường cho rằng, trước đây anh T. đã có nhiều lần thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng sực khỏe của hai cháu T.N và H. Cơ quan chức năng quận Hai Bà Trưng, phường Minh Khai đã vào cuộc theo nội dung tố cáo.

Luật sư Đặng Xuân Cường nhấn mạnh: "Anh T. là bố dượng bị tạm giữ ở cơ quan công an để điều tra nhưng sau đó được cho về nhà vì vợ chồng bà Hồng rút đơn, không yêu cầu truy tố trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên nếu anh T. tiếp tục có hành vi hành hạ và xâm phạm tính mạng sức khỏe của các cháu thì ông bà nội nên đưa cháu đi giám định thương tật nếu trường hợp có thương tật xảy ra ông bà nội có quyền yêu cầu cơ quan điều tra hình sự công an quân Hai Bà Trưng khởi tố ông T. tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác theo Điều 134 Bộ luật hình sự".

Lê Quân - Hà Long  
Xem thêm