Thiền - 'Phép màu' của quan sát hơi thở và thả lỏng cơ thể
Nhiều nghiên cứu y học cũng như kết quả thực chứng của những người luyện tận Thiền đã cho thấy tác dụng tích cực và nguồn năng lượng mà Thiền mang lại cho cơ thể. Tại sao lại như vậy?
Đâu là nguồn cội và cơ chế của nguồn năng lượng diệu kỳ mà việc hành thiền mang lại cho sức khỏe về thể chất và tinh thần của con người?
Dù có nhiều trường phái nghiên cứu, lý giải và thực hành khác nhau về Thiền, song các bậc thầy, các học giả cũng như những nhà tu hành đều gặp nhau ở một điểm: Thiền là liệu pháp được thực hiện bởi cơ thể và tinh thần của chúng ta, đưa nó đạt đến trạng thái an tĩnh, tự nhiên, nhi nhiên. Hay như Đức Đạt Lai Lạt ma McLeod Ganj đưa ra trong cuốn "Thiền quán - Con đường tuệ giác" thì "Có nhiều cách thiền khác nhau, nhưng tựu chung lại, chúng đều có các kỹ thuật làm cho tâm bình an…".
Thiền giúp cơ thể và tinh thần con người đạt đến trạng thái an tĩnh, tự nhiên.
Thiền cho tâm bình an, thân mạnh khỏe
Ứng dụng vào y học và tâm lý học hiện đại, Thiền còn mang những màu sắc khác - mà thường thấy nhất là được coi như một cách chữa lành "tâm bệnh" và nhiều chứng bệnh thực thể khác cho con người. Nhiều nhà khoa học, các bác sĩ và người nổi tiếng đã đưa ra những câu chuyện được chứng thực hoặc do họ chứng kiến sự kỳ diệu từ thành tựu của việc tập Thiền với sức khỏe. Điểm gặp nhau của những câu chuyện này là tác dụng vô cùng to lớn của " phép Thở" trong Thiền.
Theo bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc- một cây bút chuyên về y khoa quen thuộc, phép "hành Thiền" có cơ chế chữa bệnh thông qua việc đưa cơ thể đạt tới trạng thái thả lỏng, thư giãn…kết hợp điều hòa hơi thở, thanh lọc các luồng tư duy bề bộn trong đầu một cách tự nhiên. Nhờ đó, chúng ta giải tỏa stress, tạo ra nguồn năng lượng tự nhiên chống lại bệnh tật, tăng cường hệ miễn dịch, và đôi khi khôi phục một số chức năng…
Chỉ riêng trong phép luyện Thở - một cấp độ của Thiền, cuộc đời và tấm gương tự chữa bệnh của bác sỹ Nguyễn Khắc Viện đã là một minh chứng khá rõ. Ông tự nghiên cứu, chắt lọc phần luyện tập thích hợp nhất với cơ thể mình từ Yoga (Du già) và Khí công, tạo nên một phép "Dưỡng sinh" - Thiền bằng hơi thở. Nhờ đó, thay vì chỉ sống được 2 năm sau phẫu thuật cắt bớt phần lớn phổi (như các bác sĩ Pháp nhận định), ông đã hưởng thọ đến 85 tuổi, nghĩa là sống thêm được 50 năm sau lời "tiên đoán" đó.
Hay như nhạc sỹ jazz Quang Long (hiện sinh sống tại TP Hồ Chí Minh) từng kể lại câu chuyện của mình trên báo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần (tháng 12/2010). Theo đó, ông phát hiện ra mình mắc bệnh ung thư tháng 8/2008. Bác sỹ cho biết, tế bào ung thư có khả năng di chuyển theo đường mật và gan, cần phải đại phẫu.
Trước "viễn cảnh" gắn bó suốt phần đời còn lại với thuốc và các thiết bị y khoa trợ giúp, Quang Long đã từ chối phẫu thuật. Nhờ một sự tình cờ, ông tìm đến với thở thiền mà theo ông thì "Nôm na là "quan sát" hơi thở của mình". Quang Long nói: " Có lẽ, nhờ thiền mà tâm mình dần dần tỉnh lại, cái gì phải đến chắc chắn sẽ đến, cái gì tự đi khắc sẽ đi. Không mong đợi, cũng không lo lắng, sợ hãi". Có lẽ, nhờ sự lạc quan và bình tĩnh đó, câu chuyện của người nghệ sĩ này đã diễn biến khá "có hậu".
Tháng 8/2009, Quang Long sang Mỹ, đi chụp phim thấy khối u dài khoảng 3 cm, tức là u vẫn phát triển nhưng không đè lên đường mật mà mọc ra ngoài. Ông được bác sĩ khuyên nên phẫu thuật cắt bỏ và đã đồng ý. Đến nay, dù không ai tiên đoán được các diễn tiến tiếp theo của căn bệnh, nhưng có thể thấy tác dụng không nhỏ của việc luyện thiền và thở đối với cơ thể và bệnh tình của ông.
Giải trừ phiền não - Nguồn căn những bệnh "cơ hội"
Như chúng ta đều biết, khi cơ thể khỏe mạnh, tâm lý cân bằng, bệnh tật thường khó/ ít xâm nhập cơ thể. Nhưng khi chúng ta buồn phiền, bi quan, lo lắng - hệ lụy của các vấn đề tinh thần - thì một số bệnh cơ hội tìm cách tấn công vào hệ miễn dịch cũng như các bộ phận chức năng của cơ thể. Nhẹ thì mất ngủ, chán ăn, rụng tóc, mệt mỏi không nguyên nhân kéo dài, nặng hơn thì là mắc phải hội chứng ruột kích thích, đau dạ dày, bệnh đường tiết niệu (do hệ miễn dịch kém, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập), một số bệnh da liễu…
Nhìn nhận hướng giải quyết vấn đề sức khỏe theo hướng này, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cho biết: "Ở góc độ người thầy thuốc, tôi quan tâm đến thứ thiền đơn giản mà hiệu quả trong giữ gìn sức khỏe, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Đó là thứ thiền trong đời sống hàng ngày. Nó liên quan đến sức khỏe, đến khoa học y học, được nghiên cứu và ứng dụng khá rộng rãi hiện nay. Nó đã mang lại những hiệu quả rất bất ngờ, chữa được nhiều căng thẳng (stress), lo âu, nhiều bệnh lí do hành vi lối sống, gây ra mà thuốc men không thể chữa dứt."
Thiền giúp giữ gìn, nâng cao sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống.
"Quán niệm hơi thở" nghĩa là quan sát, dõi theo và nhớ/ nghĩ (niệm) về hơi thở vào, hơi thở ra của chính mình. Đi từ phương pháp "thở bụng" giản đơn - nhưng đã có hiệu quả tốt đối với sức khỏe - đến thiền quán niệm hơi thở là một bước tiến xa, từ đó có thể đi sâu đến "thành tựu chánh trí", đến tuệ giác về vô thường, về duyên sinh, về không, về vô ngã…"
Phương pháp "dưỡng sinh Nguyễn Khắc Viện" có 3 khâu tập là thở, vận động và thư giãn (luyện ý), liên quan đến hoạt động của 3 bộ phận chủ yếu của cơ thể là nội tạng, cơ bắp, thần kinh.
Trong đó tập thở bụng cho đúng cách là quan trọng nhất, vì tác động trực tiếp đến những bộ phận nội tạng rất quan trọng là tim, phổi, dạ dày, ruột, dạ con ( có thể hình dung các bộ phận này luôn được "thể dục", được "xoa bóp" lúc thở). Thở tốt giúp lưu thông khí huyết, tác động tích cực đến hoạt động cơ bắp và thần kinh.
(Sưu tầm)