Tại sao ngón áp út lại là ngón đeo nhẫn cưới?
Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao khi kết hôn, người ta lại đeo nhẫn cưới vào ngón áp út mà không đeo vào một trong bốn ngón còn lại?
Cùng làm thử một "thí nghiệm" nho nhỏ sau. Bạn hãy để khép hai lòng bàn tay lại, sau đó gập các ngón giữa và áp sát chúng vào nhau, đồng thời các ngón tay còn lại thì chống vào nhau ở đầu mút ngón tay. Bây giờ, thử tách các cặp ngón tay ra, bạn sẽ thấy bạn có thể tách rời hai ngón tay cái, hai ngón tay trỏ và hai ngón út khỏi nhau rất dễ dàng; tuy nhiên, muốn tách hai ngón áp út rời khỏi nhau thì lại là điều gần như không thể.
Muốn tách hai ngón áp út rời khỏi nhau thì lại là điều gần như không thể.
Có thể hiểu rằng, ngón tay giữa ở đây chính là bản thân bạn. Còn lại, ngón tay cái tượng trưng cho cha mẹ, ngón tay trỏ tượng trưng cho anh chị em, ngón áp út tượng trưng cho người bạn đời của bạn, và ngón út tượng trưng cho con cái của bạn.
Trên bàn tay, ngón áp út tượng trưng cho người bạn đời của bạn.
Cha mẹ bạn không thể sống suốt đời với bạn, vì một ngày nào đó cha mẹ sẽ rời xa bạn. Anh em bạn cũng thế, tuy cùng bạn lớn lên nhưng rồi họ sẽ theo những ngả đường khác nhau, sẽ có gia đình riêng và sẽ rời xa bạn để lo liệu cho cuộc sống của mình. Và tất nhiên, con cái bạn cũng vậy, chúng có cuộc đời riêng, sau này sẽ lập nên gia đình của riêng mình và không thể sống cùng bạn mãi mãi.
Còn bạn đời lại là một nửa hoàn hảo mà số phận mang đến cho bạn. Họ là người cùng bạn hòa quyện, gắn bó với nhau mãi mãi không rời suốt cả cuộc đời - cho dù thế giới có bỏ hai bạn ra đi và cuộc sống của hai người có trải qua bao thăng trầm, ngọt đắng đến thế nào đi nữa.
Và đó chính là lý do tại sao mà người ta lại đeo nhẫn đôi hay nhẫn cưới ở ngón áp út, và gọi ngón này là ngón tay đeo nhẫn.
Lam Lan (tổng hợp)