"Tác phẩm của Ngô Xuân Bính đến từ tương lai”
Giám đốc bảo tàng Hà Nội đã có những nhận định sắc nét về "Ego - Người" của họa sĩ Ngô Xuân Bính và cho rằng tác phẩm của ông đến từ tương lai.
Nằm trong Kế hoạch số 229/KH-UBND ngày 25/8/2022 của UBND TP Hà Nội về việc Tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2022 cũng như Sở VH&TT Hà Nội về việc Tổ chức lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2022, triển lãm "Ego - Người" của họa sĩ Ngô Xuân Bính được coi là hoạt động tiêu biểu, được mong chờ đặc biệt.
Triển lãm “Ego - Người” trưng bày các tác phẩm hội họa, điêu khắc của nghệ sĩ Ngô Xuân Bính, được thực hiện trên nhiều chất liệu khác nhau, kết hợp giữa truyền thống và đương đại.
Đặc biệt, triển lãm thực hiện nhiều thủ pháp trưng bày, sắp đặt sáng tạo, mang đến một không gian nghệ thuật độc đáo, góp phần làm đa dạng các sản phẩm sáng tạo của Bảo tàng Hà Nội, từ đó tăng tính hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Thủ đô, khách tham quan trong và ngoài nước.
Chia sẻ tại họp báo về triển lãm vào chiều 15/11, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội - ông Nguyễn Tiến Đà cho biết, triển lãm được thiết kế đa chiều, hiển thị không gian sống, không gian cây xanh, không gian dịch vụ, không gian kết nối và không gian tổ chức lao động qua các tác phẩm hội họa, điêu khắc, tạo hình đặc sắc của tác giả.
Giám đốc Bảo tàng Hà Nội đánh giá cao các tác phẩm cũng như sức sáng tạo của hoạ sĩ Ngô Xuân Bính.
“Chúng ta có những giấc mơ ngay cả khi chúng ta không ngủ. Hoạ sĩ Ngô Xuân Bính là như vậy. Ngô Xuân Bính mơ làm sao đưa Việt Nam cất cánh về nhận thức mỹ thuật. Đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Để chuẩn bị cho triển lãm này, Ngô Xuân Bính làm việc ở đây nhiều tháng để thi công, từ sáng đến đêm. Người họa sỹ mơ cả trong khi thức.
Trong "Ego - Người" của Ngô Xuân Bính, tôi nhìn thấy mình, gia đình mình, tổ tiên của mình trong triển lãm này. Những tác phẩm của Ngô Xuân Bính không chỉ xuất phát từ quá khứ mà còn đến từ tương lai” - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội khẳng định.
Ông Nguyễn Tiến Đà cũng kỳ vọng rằng, với không gian trưng bày rộng 3.000m2 các tác phẩm nghệ thuật của Ngô Xuân Bính sẽ lan toả tới công chúng.
Cũng trong sự kiện, đánh giá về triển lãm “Ego - Người” của hoạ sĩ Ngô Xuân Bính, hoạ sĩ Nguyễn Mạnh Đức chia sẻ: "Hai triển lãm trước, tôi thấy năng lượng của Ngô Xuân Bính rất lớn để có thể hoàn thành một khối lượng công việc nhiều đến vậy. Trong dòng chảy của nghệ thuật, ông đi một cách điềm tĩnh để chinh phục khán giả khó tính, hoạ sĩ đồng nghiệp khó tính, thậm chí chinh phục cả những người từng không hiểu ông. Dần dần Ngô Xuân Bính là một phần không thể thiếu trong dòng chạy nghệ thuật nước nhà.
Tôi nghe nhiều tới chuyện công nghiệp văn hoá trong thời đại mới, tự cường văn hoá thì hình ảnh của Ngô Xuân Bính và các tác phẩm của ông chính là minh chính cho sự tự cường và công nghiệp văn hoá. Nếu không có sự tự thân này thì chúng ta đừng bao giờ nói tới công nghiệp văn hoá”.
Còn họa sỹ Lê Văn Thìn nói: “Tượng của Ngô Xuân Bính phản ánh sự chuyển động của con người. Những động tác mạnh mẽ như thể hiện sự giải phóng, sự tự do về thân thể và trí tuệ.”
Xem các tác phẩm trong trưng bày, họa sỹ Lê Văn Thìn cho hay ông cảm nhận được hồn cốt dân tộc, văn hóa truyền thống Việt Nam thông qua bóng dáng họa tiết Đông Sơn, những hình người trên trống đồng, những mảng chạm khắc ở đình làng…
“Với ý niệm tạo ra những tác phẩm cho không gian công cộng ngay từ khi bắt đầu sáng tác, Ngô Xuân Bính là người tiên phong mở ra xu hướng nghệ thuật đô thị trong thời đại mới, vừa hiện đại, vừa đậm nét truyền thống,” họa sỹ Lê Văn Thìn nhận định.
Họa sĩ Ngô Xuân Bính cũng khẳng định, đô thị kỷ nguyên mới “Ego – Người” sẽ là cuộc trưng bày nghệ thuật lớn nhất trong sự nghiệp của họa sỹ với hơn 200 bức tranh sơn mài, sơn dầu và hơn 100 tượng điêu khắc với các chất liệu như đồng, đá, gỗ. Tác phẩm lớn nhất – “Thông linh” được làm bằng chất liệu gỗ, nặng hơn 4,5 tấn.
Họa sỹ xác định đây sẽ là những tác phẩm nghệ thuật dành cho không gian đô thị, góp phần tạo nên một đời sống văn hóa nhiều màu sắc cho những công dân của thời hiện đại.
“Rồi đây, phần lớn nhân loại sẽ sống tập trung ở đô thị, đó là tương lai hiện hữu toàn cầu. Chúng ta sẽ hướng đến một đô thị của cái đẹp,” họa sỹ bày tỏ.
Tuy nhiên: “Con diều có bay cao bao nhiêu cũng vẫn gắn với sợi dây. Bản thân tôi có thể để sự sáng tạo và trí tưởng tượng đi xa đến đâu nhưng cũng sẽ không bao giờ tách rời khỏi hồn cốt dân tộc,” họa sỹ Ngô Xuân Bính chia sẻ.
Họa sỹ Ngô Xuân Bính là người đa tài bởi ông tinh thông hội họa, thơ ca, y học, võ thuật (sáng lập ra môn phái võ Nhất Nam) và âm nhạc.
Ông nhận Giải thưởng Y học quốc tế Nikolay Pirogov và Huân chương cao quý “Vì những đóng góp lớn lao và đặc biệt cho sự nghiệp y học quốc tế” (2007), được phong hàm giáo sư y học dân tộc thuộc Hiệp hội Y học dân gian Liên bang Nga (2010).
Từ năm 1991, ông đã tổ chức các triển lãm cá nhân tại Trung tâm Triển lãm tạo hình Minsk, Trung tâm Triển lãm nghệ thuật tạo hình Moscow (Nga).
Sau triển lãm “Du và Dội” (2017) và “Niệm” (2019), đây sẽ là lần thứ 3 ông tổ chức triển lãm tại Bảo tàng Hà Nội.