Sống với phút giây hiện tại
Hãy sống hết lòng với giây phút hiện tại để thêm yêu đời và thấy cuộc sống nhiều ý nghĩa.
Mặt trời hừng đông. Ngày mới lại đến. Buổi sáng bắt đầu cho một ngày mới của đời sống. Cô giáo dạy Triết của tôi thời năm lớp Đệ Nhất (lớp 12 bây giờ) đã ngoài 60. Mỗi lần đến thăm cô (hay bất ngờ gặp lại cô đâu đó), cô đều chép miệng nói: “Cuộc đời sao nhạt nhẽo, vô vị quá, phải không em?”.
Có lần cô tâm sự: “Buổi sáng thức dậy, cô không muốn ra khỏi giường vì luôn cảm thấy buồn chán; cảm giác chán chường, vô vị, lạt lẽo cứ bao trùm kín mít đầu óc như một nỗi thất vọng lênh đênh kéo dài…”
Tôi hiểu cô. Đối với cô trải qua bao thăng trầm, chứng kiến bao đổi thay, vô thường của kiếp sống. Cuộc đời còn lại thì quá ngắn ngủi. Cuộc sống đúng là hảo huyền, như hoa đốm, giọt sương!
Buổi sáng bắt đầu cho một ngày mới của đời sống. |
Khác với cô giáo dạy Triết của tôi, ông bạn láng giềng mỗi sáng gặp nhau ở sân – đều cười nhạt sau cái lắc đầu “Mở mắt đã thấy công việc – lật đật xuống giường nhiều lúc quên cả xỏ dép – vào phòng đánh răng rửa mặt, vội vả thay quần áo, ra mở cửa đón khách…(ông là chủ của một hiệu thuốc Tây). Ngồi dính vào cái quầy này cho đến 10 giờ đêm…”.
Tôi hiểu ông. Ông đang buôn bán đắt đỏ, khách hàng ra vào nườm nượp, hằng ngày thu lợi hơn mấy trăm ngàn làm sao dám bê trễ, dứt bỏ? Sống vội vã như bị dồn đuổi nên không biết “trời trăng mây gió” gì là phải. Và cái chứng bệnh “ăn không ngon, ngủ không yên”- luôn bồn chồn, mệt mỏi, thấp thỏm lo âu mà ông đã tốn khá nhiều tiền cho bác sĩ cũng không thuyên giảm cũng là phải!
Nhìn người, biết người – Tôi luôn có dịp “nhìn lại mình” để coi mình đã đón buổi sáng như thế nào, đã sống như thế nào trong ngày để tránh được hai thái cực nguy hại, vừa buồn thêm vừa hoang phí đời sống như thế.
Không giống cô giáo cũ, khi còn nằm trên giường biết mình đã thức dậy – Tôi luôn có niềm vui đầu tiên là “nhận biết mình còn sống! Tôi còn có mặt trên cõi đời này”. Đó là một điều hạnh phúc. Một niềm vui lớn.
Nghĩ nhớ đến mấy người bạn mà tôi vừa đưa họ lên nghĩa trang, hay vừa được mới đến “ăn giỗ” lần thứ nhất – lại cảm thấy dù gì, mình vẫn còn diễm phúc để sống, để làm việc hơn họ ít nhất là trong một buổi, một ngày.
Thân còn khỏe. Trí còn sáng suốt. Tôi nghĩ mình còn có thể “mượn thân giả, làm việc, tu hành”thêm nữa. Đó là một ân huệ lớn mà mình được hưởng sao lại lãng quên, bỏ phí?
Như lệ thường, tôi thắp hương ở bàn thờ Phật, ông bà già ngồi bán ở chiếc đi-văng đối diện, ngửi mùi trầm thơm, nghe hơi thở đều đều nhẹ nhàng ra vô buồng phổi để thấy giây phút buổi sáng hiện tại thật quý, thật đẹp, thật…đáng sống biết bao! (cho dù thời gian cảm nhận không lâu, cho dù sau đó, trong ngày có bận bịu với chuyện “cơm áo, gạo, tiền” muôn thuở). Tôi thường quán niệm bài kinh ngắn “Nhất Dạ Hiền Giả” để luôn nhắc mình hãy sống hết lòng với giây phút hiện tại, dù cho nhân duyên có như thế nào:
“Quá khứ không truy tìm,
Tương lai không ước vọng,
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai thì chưa đến…
Chỉ có pháp hiện tại,
Tuệ quán chính ở đây,
Không động, không rung chuyển!…”
Biết sống với phút giây hiện tại, tôi không cảm thấy “cuộc đời sao nhạt nhẽo, vô vị quá” như lời cô giáo cũ, bởi vì cùng lúc tôi cũng ý thức được, “thân người khó được”, có được rồi, thì hãy biết trân quý đời sống, để được có thời gian hoàn thiện mình. Thực hiện thêm những ước mơ cho mình, cho người dù là rất nhỏ.
Tôi cũng thường âm thầm tự hỏi, những người thân của tôi, bạn hữu của tôi đã ra đi rồi, liệu họ có thể có đủ duyên lành để trở lại làm người chăng? Hay là (…). Còn sống là còn có dịp làm điều tốt đẹp, còn có duyên gần gũi Phật pháp – sao lại có thể là “chán chường, vô vị, lạt lẽo cứ bao trùm kín mít đầu óc” nhỉ?
Sống với phút giây hiện tại để yêu đời và thấy cuộc sống ý nghĩa hơn. |
Vạn pháp đều do tâm tạo – khiến ta vui hay buồn; hạnh phúc hay khổ đau; không có phép mầu nào có thể ban phát, sai khiến. Tâm u tối, trì trệ, hoang mang quay cuồng như cô giáo cũ của tôi, thì luôn thấy đời “vô vị, chán chường” là hệ quả tất yêu. Còn Tâm lăng xăng toan tính tham lam vô độ của người bạn láng giềng “luôn bồn chồn, mệt mỏi, thấp thỏm lo âu” cũng là chuyện “thường ngày”phải đến.
Tôi luôn bắt đầu một ngày với niềm vui “biết mình vẫn còn hít vào thở ra” bình thường. Vẫn còn có dịp đọc kinh, niệm Phật, làm điều lành…Tôi giữ nguyên niềm vui và sự tỉnh táo, thong thả bắt đầu việc mưu sinh như bao người chung quanh một cách cần mẫn. Làm gì cũng làm nhưng luôn tỉnh giác giữ tâm yên một chỗ. Gắng không cho nó xáo động, chạy nhảy lung tung.. Một buổi sáng yên tịnh, trong lành, tươi mát đã đem lại cho tôi suốt một ngày an vui, tha thiết với cuộc sống mà không hề có chút bận tâm nào đến ngày mai, mình còn có mặt hay không trên thế gian này!