Nguồn dưỡng chất quý từ cá hồi
Cá hồi là một trong số những loại cá dồi dào dưỡng chất nhất, rất quan trọng với sự phát triển não bộ. Ngoài DHA, cá hồi còn chứa rất nhiều các chất dinh dưỡng: thuộc nhóm vitamin: vitamin D, vitamin B12, vitamin B, vitamin A, vitamin B6; nhóm các nguyên tố vi chất: canxi, kali, sắt, phốt pho, kẽm, đồng, magie và nhóm axit amin: thiamin, niacin, riboflavin, pantothenic.
Giá của loại cá này cũng chẳng rẻ chút nào, nhưng với vị ngọt béo tự nhiên, và đặc biệt là nguồn dưỡng chất dồi dào, cá hồi luôn là đặc sản trên bàn tiệc. Nếu từng đến dùng buffet tại các nhà hàng cao cấp, sẽ thấy món cá hồi luôn được đặt tại một vị trí quan trọng trên quầy thức ăn. Từng lát cá hồi màu vàng cam, mềm mại, được đặt vào khay có ướp đá lạnh, để thịt cá luôn tươi mới. Để ăn món gỏi cá hồi đúng điệu, có thể vắt vài giọt chanh tươi lên từng miềng cá, rồi nhẹ nhàng cuốn trong lá tía tô, thêm một chút củ cải trắng bào sợi mỏng, chấm cùng xì dầu, mì tạt và không thể thiếu một lát gừng non muối chua.
Vị béo ngậy của cá, vị cay của mù tạt hòa quyện cùng hương thơm của lá tía tô như tan chảy trong miệng người thưởng thức
Ngoài ăn gỏi, cá hồi còn được các đầu bếp dùng để làm cơm cuộn kiểu Nhật, cá hồi áp chảo… Với các bà mẹ nuôi con nhỏ, hẳn không xa lạ gì với món ruốc cá hồi. Với nhiều người, cá hồi không chỉ ngon bởi phần thịt phi lê, phần bụng ngọt ngào, mà phần hấp dẫn nhất của cá hồi chính là chiếc đầu cá. Không giống như nhiều loại cá khác, đầu cá chỉ có xương là chính, đầu cá hồi có nhiều sụn, lớp thịt chắc, thơm. Khi nấu lên, đầu cá hồi rất béo, nên thường dùng để nấu canh chua, măng chua…
Cách chọn cá hồi ngon
- Nếu mua cả con, nên chọn con cá có mắt trong, sáng, cầm phần đuôi của cá và lắc nhẹ. Nếu thấy phần thịt ở đốt sống lưng chắc thì đó là cá tươi.
- Ấn vào mình cá để kiểm tra, bạn nên chọn những con cá có độ đàn hồi tốt. Không nên chọn loại cá hồi có nhiều mỡ và thịt cá ngả sang màu xám và mang bị thâm.
Cá hồi tươi sẽ đảm bảo dinh dưỡng
- Nếu mua fillet cá đã sơ chế sẵn, nên chọn miếng fillet có màu vàng cam, chắc, sờ tay vào vân có độ đàn hồi, không có cảm giác cá bị ẩm, ướt, tiết ra nước.
- Phần bụng cá hồi thường nhiều mỡ, béo hơn phần sống lưng, bạn nên cân nhắc để lựa chọn phần cá phù hợp với nhu cầu sử dụng.
- Nếu không chế biến đúng cách, cá hồi sẽ có mùi tanh, rất khó ăn. Vì vậy, bạn nên bỏ túi một vài cách sau để khử mùi tanh của cá hồi: Dùng nước cốt chanh tươi, ngâm cá khoảng vài phút sau đó làm sạch như bình thường. Cá sẽ sạch nhớt và không bị tanh. Tuy nhiên, không nên ngâm cá quá lâu sẽ mất vị tươi của cá. Bạn cũng có thể cho cá vào ngâm cùng sữa tươi trước khi chế biến, để làm cá hết mùi tanh và tăng thêm độ tươi ngon.
Cách bảo quản cá hồi
Với những miếng cá hồi đã sơ chế, không rửa cá bằng nước lạnh để tránh bị tanh cá. Nếu muốn rửa lại, bạn nên rửa cá bằng nước muối loãng ấm trước khi cất giữ.
Có thể bảo quản cá hồi ngắn hạn bằng cách ướp lạnh để giữ cá tươi ngon và nên sử dụng trong vòng 24h. Nếu muốn bảo quản lâu hơn, nên để trong ngăn đá, và chỉ để tối đa trong 3 tháng. Những loại cá đã cấp đông, nên sử dụng để chế biến thức ăn chín. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng: vì dinh dưỡng trong cá rất dễ bị mất, thế nên, để rã đông cá hồi, bạn nên cho nó vào ngăn mát tủ lạnh tới khi lớp đá tan dần, thịt cá không bị bở, nát.
Cá hồi nhanh chín nên chỉ cần nấu cá trong thời gian ngắn. Không nên dùng cá hồi để chế biến các món ăn ở nhiệt độ cao, trong thời gian dài nhưu kho, hay rán, làm thịt cá bị khô, mất đi vị mềm, ngọt đặc trưng. Nên dùng cá theo cách ăn gỏi, salad, hay áp chảo chín vừa hoặc hơi tái. Bạn cũng không nên nêm nếm quá nhiều gia vị, hành, tỏi… làm mất hương vị tự nhiên của cá hồi.
→ Cách giảm cân nhanh chóng từ những món ngon hấp dẫn trong mùa thu
Lệ Thủy