Số ca ngộ độc rượu dịp cuối năm tăng cao
Tết Nguyên đán cận kề, nhu cầu tiêu thụ rượu của người dân tăng cao. Cùng với đó, số ca ngộ độc rượu cũng gia tăng.
Chỉ trong 2 tuần gần đây, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hàng chục trường hợp cấp cứu do ngộ độc rượu nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, xuất huyết tiêu hoá, xơ gan…
Đáng nói, nhiều ca ngộ độc methanol trong tình trạng rất nặng, nguy kịch. Thậm chí, có bệnh nhân nghiện rượu nhiều năm, đã mắc xơ gan cổ chướng, tiểu đường, nhưng hàng ngày vẫn uống rượu.
Điển hình, nam thanh niên N.T.H. (25 tuổi, quê ở Tuyên Quang) sau cuộc nhậu liên hoan cuối năm cùng bạn bè đã rơi vào trạng thái lơ mơ, được đưa đến viện trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng nặng.
Một trường hợp khác là bệnh nhân P.T.K. (61 tuổi, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng hôn mê. Thời điểm trước khi nhập viện, ông uống đến 1 lít rượu/ngày.
Các bác sĩ đánh giá, tất cả cơ quan nội tạng của bệnh nhân đều bị tổn thương. Trong đó, bệnh nhân bị xơ gan, đái tháo đường, gout, kèm theo xuất huyết da, máu giảm, thực quản và dạ dày bị loét, hoại tử chỏm xương đùi, teo não, miễn dịch kém… Với trường hợp này, các bác sĩ tiên lượng nguy cơ tử vong cao.
Một trường hợp bị ngộ độc rượu được điều trị tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Theo TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, nhiều trường hợp đến viện trong tình trạng đường máu gần như bằng 0 và tổn thương não, thậm chí, mất não và tử vong.
Khi uống rượu tạo cảm giác no giả, nên nhiều người uống mà không ăn khiến bị hạ đường huyết. Có trường hợp uống liên tục vài ngày, uống quá nhiều, uống tràn lan, tới khi nguy kịch mới vào viện thì đã để lại di chứng rất nặng nề, đặc biệt là di chứng não. Uống quá nhiều rượu còn gây ra các bệnh như: Viêm tụy cấp, suy gan, cơ tim giãn, teo não, rối loạn tâm thần, thiếu máu, suy tủy...
“Đặc biệt, người uống phải rượu pha cồn công nghiệp còn nguy hiểm đến tính mạng. Nếu uống phải rượu rởm và cồn sát trùng rởm, lúc đầu say như uống rượu thông thường, nhưng 1-2 ngày sau mới mờ mắt, hỏng não thì đã quá muộn. Không chỉ rượu methanol mà ngay cả rượu truyền thống ethanol nếu như lạm dụng cũng có thể gây ra ngộ độc, tử vong” - TS Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.
Để phân biệt hai loại rượu methanol và ethanol, TS Nguyễn Trung Nguyên lưu ý, khi uống rượu pha methanol có vị hơi ngọt, chứ không đắng như rượu thông thường.
Thậm chí, khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu, nên dễ bị nhầm lẫn. Khoảng 1-2 ngày sau uống, bệnh nhân có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu, co giật, hôn mê… Khi đến bệnh viện, hầu hết trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, năm 2022, Hà Nội ghi nhận không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra trên địa bàn, xảy ra 5 trường hợp ngộ độc methanol; 5 trường hợp sự cố về ATTP (phản ứng với phụ gia thực phẩm), đã được điều tra và xử lý kịp thời.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh, với rượu, bia không có ngưỡng nào là an toàn. Nếu có uống, không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới, 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần. Một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai, lon bia 330ml (5%); 1 cốc bia hơi 330ml; 1 ly rượu vang 100ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30ml (40%).