Sai lầm khi chạy ô tô qua đường ngập nước, chỉ một lần phải trả giá tiền triệu
Khi gặp những đoạn đường ngập sâu, tài xế được khuyến cáo không cho ô tô đi qua vì phương tiện có thể bị thủy kích hoặc "dính" phải các lỗi nghiêm trọng khác. Tuy nhiên, nếu bắt buộc phải di chuyển qua khu vực lũ lụt, người lái cần lưu ý một số quy tắc lái xe an toàn.
Điều khiển ô tô qua khu vực ngập nước là điều không đơn giản, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ngay cả với những người có kinh nghiệm lái xe. Việc lái xe vào tuyến đường ngập nước khiến độ bám của bánh xe với mặt đường giảm, dễ gây mất lái, thậm chí xe bị ngập sâu trong nước.
Tuy nhiên, nhiều tài xế vẫn thưởng mắc lỗi sai khi lái xe qua đường ngập nước, dẫn đến nhiều hư hỏng động cơ không đáng có. Hệ lụy sẽ gây tốn thời gian cũng như chi phí để khắc phục.
Không xác định mức nước ngập
Nhiều tài xế cho rằng ô tô không dễ bị vào nước như xe máy nên phóng ào ào khi lái xe qua đường ngập nước, nhưng đây là điều cần tránh.
Theo đó, tài xế cần phải nắm rõ xe mình có gầm cao hay thấp. Các dòng xe sedan/hatchback gầm thấp có thể kể đến như Kia Morning, Hyundai i10, Toyota Vios, Honda City, Mazda 3… thường có khoảng sáng gầm xe từ 130 – 160mm.
Các dòng crossover hay MPV như Kia Seltos, Hyundai Tucson, Mazda CX-5, Honda CR-V, Toyota Innova… thường có khoảng sáng gầm xe từ 170 – 200mm. Các dòng SUV như Toyota Fortuner, Ford Everest, Mitsubishi Pajero Sport, Nissan Terra… thường có khoảng sáng gầm xe từ 200 – 280mm.
Thông thường, nước ngập dưới mức nửa bánh xe sẽ đủ an toàn, tuy nhiên nếu đó là dòng nước đang chuyển động, mức này giảm đáng kể. Các chuyên gia khuyên mực nước an toàn chỉ khoảng 10cm trở xuống, quá mức này, bánh xe có thể không còn bám trên mặt đường.
Chạy nhanh
Nếu chạy quá nhanh, có thể tạo sóng ở phía trước mũi xe, khiến nước bị tràn lên nắp ca-pô, lọt vào họng hút gió, gây thủy kích cho máy. Chạy nhanh còn khiến bắn nước vào các xe di chuyển đằng sau và hướng đối diện hoặc bánh xe mất độ bám, tài xế khó kiểm soát. Chạy quá chậm, dừng nhiều cũng không khuyến khích, vì tốc độ thấp sẽ khiến nước dễ thâm nhập qua đường pô, cũng có thể gây chết máy.
Vượt hoặc chạy song song xe khác
Về cách di chuyển, nên nối đuôi theo xe phía trước trên đoạn đường ngập lụt luôn an toàn hơn so với việc đi song song hoặc vượt làn. Xe phía trước khi di chuyển sẽ tạo hiệu ứng rẽ nước về hai bên trong một khoảng thời gian ngắn, giúp các xe di chuyển đằng sau đỡ ngập bánh hơn, qua đó độ bám của bánh xuống mặt đường không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Tuy nhiên, khi bám đuôi xe trước đi chuyển trên đường ngập lụt, tài xế nên giữ khoảng cách an toàn, chỉ bật đèn pha thấp, giữ tốc độ đều, chậm, quan sát kỹ phần đường phía trước và đèn phanh để phản ứng kịp thời khi xe trước phanh đột ngột.
Qua đường ngập nước, lái xe nên đi thế nào?
Khi quyết định lái xe qua đường ngập nước, tài xế nên đi số thấp, tắt tất cả các phụ tải như điều hòa, hệ thống giải trí để tăng khả năng vận hành của động cơ.
Với xe số tự động, người lái nên chuyển chế độ S, giữ ga đều và ở tốc độ thấp. Vì khi đi đường đông, ngập nước, việc tăng ga đột ngột và phanh lại khiến nước có thể tràn vào cổ hút, xâm nhập vào máy gây hiện tượng thủy kích.
Đặc biệt lưu ý không dừng lại trong vùng ngập. Nếu bắt buộc phải dừng lại thì về số N, kéo phanh tay và vẫn giữ ga.
Khi xe có thể tiếp tục lăn bánh, nhanh tay vào số và di chuyển qua vùng ngập.
Lái xe ở vòng tua máy cao và số thấp (tùy thuộc vào loại hộp số), giữ tốc độ ổn định, giữ chân ga.
Trong trường hợp xe bị chết máy trong vùng ngập nước thì tuyệt đối không được khởi động lại. Nếu khởi động lại có thể làm cong tay biên hoặc nặng hơn sẽ gãy tay biên và làm vỡ lốc máy.
Tắt chìa khóa công tắc máy để ngắt nguồn chính cung cấp đến các phụ tải điện và hộp điều khiển để tránh không cho các thiết bị điện bị hư hỏng do bị chạm chập.
Dùng dụng cụ tháo cọc âm ắc quy để bảo vệ các hệ thống điện trên xe.
Đặc biệt, không được mở cửa xe khi nước đã ngập cao hơn mép dưới của cửa. Vì khi mở cửa, nước sẽ tràn vào bên trong xe làm hư hỏng các hộp điều khiển. Tài xế có thể ra khỏi xe bằng cửa sổ và chờ cứu hộ hỗ trợ.