Phục hồi kinh tế sau Covid-19: Doanh nghiệp chủ động “tự cứu mình”
Các chuyên gia cho rằng, phải mất ít nhất 2 năm nữa nền kinh tế mới có thể hết khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, do đó các doanh nghiệp cần chủ động “cứu lấy mình” để vượt qua giai đoạn khủng hoảng này.
Hơn 2 năm qua, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước chịu nhiều áp lực bởi đại dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp không thể trụ vững phải chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, số khác thì buộc phải ngừng hoạt động hoặc giải thể.
Không chỉ vậy, đại dịch covid-19 vừa mới được kiểm soát thì chiến tranh Nga – Ukraina xảy ra làm nền kinh tế trong nước và thế giới bước vào thời kỳ mới của lạm phát, gây ra rất nhiều bất ổn, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của không ít doanh nghiệp.
Ngày 16/7 tại Hà Nội đã diễn ra lễ ra mắt Ban điều hành Liên đoàn Doanh nhân 1984 nhiệm kỳ 2022 - 2024
Chia sẻ tại Lễ ra mắt Ban điều hành Liên đoàn Doanh nhân 1984 nhiệm kỳ 2022 - 2024, ông Bùi Cao Sơn - Chuyên gia Đào tạo và Huấn luyện Doanh nghiệp cho biết, có 3 thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp hiện nay phải đối mặt.
Thứ nhất, đứt gãy cung ứng. Ông Sơn cho rằng đây là khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải. Nhiều tập đoàn lớn đã phải giảm công suất do không đủ chip, không đủ nguồn nguyên liệu.
Thứ 2, khó khăn về nhân sự. Theo ông Sơn, vấn đề tuyển nhân sự hiện nay rất khó, đặc biệt là vị trí Sale và Maketing do phải cạnh tranh bởi 1 số ngành sau đại dịch. Những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tìm nhân sự và giữ chân nhân sự không hề dễ dàng.
Thứ 3, đối mặt với lạm phát dẫn đến vấn đề tài chính bị đè nặng, gây áp lực lớn lên cộng đồng doanh nghiệp, có thể tác động đến quyết định duy trì hoạt động hay tạm thời rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Rất nhiều ý kiến được các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm phục hồi kinh tế sau Covid-19
Đồng quan điểm với ông Sơn trong những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải, ông Nguyễn Đăng Hanh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn kiến trúc, kĩ thuật và xây dựng Arteco chia sẻ, công ty của ông cũng đã gặp phải nhiều thách thức do ảnh hưởng của đại dịch.
“Hai năm vừa rồi do ảnh hưởng của dịch bệnh, chúng tôi làm việc trong lĩnh vực xây dựng chịu nhiều khó khăn. Thứ nhất về nguyên vật liệu, giá cả tăng cao. Thứ hai, phụ thuộc rất lớn vào con người, nguồn nhân lực thợ xây.
Tuy nhiên, công ty tôi đã tối ưu hóa về mặt quy trình, kiểm soát chặt chẽ về mặt chất lượng, chắt chiu từng cơ hội mà khách hàng đã tạo cho mình để từ đó mình tạo công ăn việc làm giúp doanh nghiệp có thể tồn tại”, ông Hanh cho hay.
Bên cạnh những khó khăn gặp phải, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng “trong nguy có cơ” và nên chủ động "tự cứu mình" để vượt qua giai đoạn khủng hoảng này.
Theo Chuyên gia đào tạo và huấn luyện doanh nghiệp, một trong những giải pháp đầu tiên để khắc phục khó khăn là các doanh nghiệp phải tìm được đa dạng nguồn cung ứng, không chỉ trong nước mà còn ở quốc tế.
“Nếu như trước đây các doanh nghiệp chỉ tuyển nhân sự có kinh nghiệm thì hiện nay các doanh nghiệp nhỏ bị các doanh nghiệp lớn cạnh tranh nên rất khó khăn để thu hút được nhân sự. Vì vậy, thay vào đó, chúng ta nên đón ngay các bạn sinh viên thực tập, các bạn sinh viên mới ra trường để giúp cắt giảm chi phí, đồng thời có những chính sách để giữ chân nhân sự”, ông Sơn cho hay.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, các chuyên gia hàng đầu dự báo kinh tế toàn cầu có thể đi vào suy thoái, phải mất ít nhất 2 năm nữa nền kinh tế mới hết khó khăn. Do đó, các doanh nghiệp phải có tính toán xa hơn và lên ngân sách dài hơn chứ không đơn thuần như trước kia.
Hiểu được những khó khăn các doanh nghiệp đang gặp phải, Liên đoàn Doanh nhân 1984 ra đời như một kênh kết nối và hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp, tạo ra một sân chơi để cho các bạn CEO đồng niên có thêm cơ hội gia tăng kinh doanh và tìm kiếm các nhà cung cấp tốt cho mình.
Ông Nguyễn Hồng Quảng - Chủ tịch Liên đoàn Doanh nhân 1984
Ông Nguyễn Hồng Quảng - Chủ tịch Liên đoàn Doanh nhân 1984 cho biết, thời gian qua Liên đoàn đã có những hoạt động thiết thực kết nối kinh doanh như tổ chức cafe doanh nghiệp cuối tuần, tổ chức nhiều chuyến đi thăm quan, học hỏi các doanh nghiệp thành viên,... để tăng tương tác, đoàn kết và có thêm nhiều bài học, kinh nghiệm của các doanh nghiệp lớn mạnh, từ đó về áp dụng cho chính doanh nghiệp của mình.
“Sắp tới chúng tôi cũng sẽ họp những doanh nghiệp lớn, mạnh trong liên đoàn để cùng nhau đưa ra giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để hỗ trợ các thành viên trong liên đoàn”, ông Quảng nói.
-->> Liên đoàn Doanh nhân 1984: Kết nối và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp