"Ốc đảo" bản Cướm 30 năm mơ một cây cầu
30 năm trôi qua, hàng trăm hộ dân bản Cướm, xã Diên Lãm, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An vẫn nuôi giấc mơ một cây cầu để thoát cảnh cô lập, bủa vây bởi bốn bề sóng nước mỗi khi mưa lũ về.
Chủ tịch UBND xã rẻo cao Diên Lãm, ông Nguyễn Văn Dũng ngồi với chúng tôi trong căn phòng làm việc đơn sơ, ánh mắt đau đáu âu lo nghĩ về tháng ngày mưa bão độ cuối năm sắp đến.
"Đến hẹn lại lên, gần 200 hộ dân bản Cướm sẽ lại đối mặt với điệp khúc bị chia cắt, cô lập. Hàng trăm học sinh sẽ phải gián đoạn việc đến trường” - ông Dũng nói.
Bản Cướm nằm nơi tít tắp xa
Bản Cướm ra đời từ 30 năm trước, đó là những ngày thực hiện chủ trương định canh định cư với mục đích đón dân từ địa bàn lân cận về lập nghiệp. Cũng ngần đó năm, 175 hộ dân nơi xứ heo hút lâm cảnh cô lập, chia cắt tựa "ốc đảo" mỗi khi mùa mưa lũ đến.
Khi chúng tôi đến, bà Lô Thị Nhất đang ngồi tựa cửa bậc thềm, ánh mắt xa xăm ngó nhìn về dòng suối Cướm. Bà tâm sự: "Già này chỉ ước trước khi nhắm mắt xuôi tay được nhìn thấy một cây cầu bắc qua con suối. Mưa bão về, lao động sản xuất bị đảo lộn, dân bị chia cắt hết sức khốn khổ".
Chỉ tay về phía dòng suối đã gắn chặt biết bao ký ức những tháng năm tuổi thơ, người đàn bà khắc khổ buồn bã thống kê, nơi đây từng có hai người dân bị cuốn trôi khi lũ bất ngờ ập đến.
Điệp khúc "dựng cầu tạm - lũ cuốn" gắn chặt với người dân bản Cướm ngót 30 năm nay
Ông Lô Văn Long - Trưởng bản Cướm cho hay, mùa mưa lũ về hàng trăm học sinh bản địa không thể đến trường, đành ngậm ngùi tự học tại nhà không hẹn ngày tới lớp.
"Phụ huynh không dám mạo hiểm cho con đến trường, bởi lũ có thể đổ về không hẹn trước. Thương lắm các thầy cô giáo vùng cao, những ngày mưa bão phải thay nhau túc trực, đón đưa học sinh qua suối", ông Long không nén được tiếng thở dài.
Những người dân bản Cướm nơi "thâm sơn cùng cốc" kể lại, 30 năm trước, họ rời quê nhà hào hứng tìm về chốn này định cư bởi những lời hứa hẹn. Cán bộ định canh định cư nói chắc "như đinh đóng cột" rằng, cơ sở hạ tầng nơi "miền đất hứa" sẽ nhanh chóng được xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ. Đặc biệt, cây cầu bê tông bắc qua suối Cướm sẽ được triển khai "vào một ngày không xa"!
Mùa mưa lũ, cầu bị nước cuốn, hàng trăm học sinh bản Cướm không dám mạo hiểm đến trường
Dân nghe xong, ai nấy vui mừng khôn xiết. Thế nhưng 30 năm trôi đi, lời hứa năm xưa vẫn mãi là một giấc mơ. Chẳng còn cách nào người dân đành tự động viên nhau gắng gượng siết chặt tay ngày ngày run rẩy băng qua cầu tạm.
“Mưa lũ về, hiểm nguy rình rập, học sinh không dám liều mạng đến trường. Thóc lúa, hoa màu vận chuyển qua suối, thường xuyên bị lũ cuốn trôi. Không thể qua suối mùa mưa bão, bố mẹ em cũng như các phụ huynh khác trong bản không thể xuống nương tăng gia sản xuất, cảnh nhà vất vả không kể xiết" - em Lộc Thị Thảo Nguyên, học sinh lớp 9B Trường THCS Hoàn Lãm cho hay.
Chủ tịch UBND xã Diên Lãm, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm, sau vụ có người dân bản địa bị lũ cuốn, lo lắng cho an nguy của chính mình, dân bản Cướm góp tiền làm cầu tạm qua suối.
“Trụ cầu” được vanh bằng nứa, cố định bằng cọc xung quanh, sau đó... xếp đá vào. Mặt cầu được ghép bằng ván gỗ ọp oẹp.
Giấc mơ an cư với người dân bản Cướm dường như vẫn quá xa vời
Khốn khổ cho dân, cầu tạm bợ nên bị nước lũ cuốn trôi như cơm bữa, có năm cả chục lần. Những người bản địa lại tiếp tục điệp khúc góp tiền để "nối những bờ vui" rồi lại cứ thế bị lũ cuốn đi trong tiếc nuối, ngậm ngùi.
Chúng tôi rời bản Cướm trong chiều muộn khi cơn mưa đang trút xuống nặng hạt nhưng vẫn văng vẳng bên tai câu hỏi nghe nhói lòng của một cháu nhỏ: "Bao giờ có cầu?".
Câu hỏi đó dường như là mong ước chng của toàn người dân bản Cướm nhưng có vẻ như giấc mơ an cư với họ dường như vẫn quá xa vời.