Nước mắm thành sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia thứ 2 của Thanh Hóa
Sản phẩm OCOP 5 sao thứ 2 của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thuộc về thương hiệu Lê Gia. Trước đó 4 năm, một sản phẩm khác của doanh nghiệp này là mắm tôm cũng đã đạt tiêu chuẩn tương tự.
Mới đây tại Hà Nội, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương đã họp, đánh giá và chấm điểm phân hạng sản phẩm OCOP. Sau khi tiến hành đánh giá, chấm điểm 52 sản phẩm, hội đồng đã chọn ra được 28 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao, trong đó có sản phẩm nước mắm Lê Gia - Cốt đặc biệt 40N của Công ty TNHH Thực phẩm & TMDV Lê Gia.
Trước đó, mắm Lê Gia là một trong những chủ thể OCOP 5 sao Quốc gia đầu tiên được công nhận đợt 1 năm 2020 với sản phẩm mắm tôm Lê Gia. Hiện tại doanh nghiệp đang nỗ lực lan tỏa giá trị của sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia tới khách hàng trong nước và quốc tế.
Lê Gia có nhà máy tại xã Hoằng Phụ (H. Hoằng Hóa, Thanh Hóa), một vùng đất có truyền thống đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và nghề làm nước mắm truyền thống với làng nghề nổi tiếng Khúc Phụ.
Sáng lập thương hiệu Lê Gia là Lê Ngọc Anh, một kỹ sư xây dựng bỏ việc để khởi nghiệp bằng nước mắm truyền thống của quê hương. Sau hơn 10 năm, sản phẩm của Lê Gia đã có mặt tại khắp các chuỗi cửa hàng, siêu thị trên cả nước; một số sản phẩm đã xuất khẩu đến nhiều thị trường khó tính như: Nhật Bản, EU, Mỹ…
Nước nắm Lê Gia từng tham gia ứng tuyển sản phẩm OCOP năm 2020 nhưng chưa đạt. Doanh nghiệp vẫn kiên trì, nỗ lực nâng cao chất lượng để sau 4 năm đã được công nhận tiêu chuẩn 5 sao.
Giám đốc Lê Gia – Lê Ngọc Anh nói, được công nhận OCOP 5 sao vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm lớn lao. Bởi sản phẩm OCOP không chỉ đơn thuần là sự công nhận về chất lượng mà nó còn biểu thị cho yếu tố gắn kết cộng đồng, tác động xã hội của sản phẩm.
“Chúng tôi sẽ luôn cố gắng gắn mình vào quê hương, đồng hành và thúc đẩy cùng cộng đồng phát triển. Việc xuất khẩu được nước mắm không chỉ là hoạt động thương mại thuần túy mà còn là việc "xuất khẩu văn hóa" của cha ông đến với bạn bè quốc tế và cũng giúp cho những người con xa xứ luôn được gần gũi với quê hương”, giám đốc Lê Gia - Lê Ngọc Anh chia sẻ.
Nước mắm Lê Gia được ủ lên men trong suốt 24 tháng bằng phương pháp nén gài truyền thống. Nguyên liệu chọn lọc gồm cá tươi từ biển Thanh Hóa, muối hạt 2 năm tuổi và tuyệt đối không chất bảo quản hay phụ gia. Sản phẩm nước mắm Lê Gia được làm hoàn toàn từ cá cơm tươi và muối hạt ủ 2 năm, lên men trong thùng gỗ suốt 24 tháng bằng phương pháp nén gài truyền thống, không thêm phụ gia hay chất bảo quản. Sản xuất hoàn toàn với phương pháp truyền thống và áp dụng kiểm soát chất lượng với tiêu chuẩn trong và ngoài nước.
Không chỉ dừng lại ở nước mắm, Lê Gia còn phát triển các dòng sản phẩm gia vị truyền thống khác như mắm tép, mắm tôm, và các loại thực phẩm ăn liền.
Bên cạnh đó, Lê Gia còn tiên phong trong việc quảng bá văn hóa làng nghề thông qua mô hình du lịch trải nghiệm. Du khách đến đây không chỉ được tìm hiểu quy trình làm mắm mà còn được nghe những câu chuyện sống động về đời sống ngư dân và cách làm mắm truyền thống của làng nghề Khúc Phụ.