Nhân mùa Vu Lan: "Mua chim phóng sanh là tiếp tay cho cái ác!"
Đó là khẳng định của Đại đức Thích Chúc Tín, trụ trì chùa Bát Nhã (Đà Nẵng) về việc nhiều người đi chùa lễ Phật mua chim phóng sanh, dù nhìn bên ngoài việc làm đó tưởng như là một việc thiện!
PV Infonet đã đem vấn đề này đến gặp Đại đức Thích Chúc Tín, trụ trì chùa Bát Nhã (số 176 Triệu Nữ Vương, phường Nam Dương, quận Hải Châu, Đà Nẵng). Ngôi chùa này trước đây thường có khá nhiều người đem chim đến bán cho những người đi lễ Phật mua để phóng sanh.
Thưa Đại đức, không hiểu sao bây giờ không còn thấy những người bán chim phóng sanh trước cổng chùa nữa?
Đại đức Thích Chúc Tín: Sao không thấy? Vẫn còn đó chứ. Họ đang ngồi chờ ở cái quán gần chùa, có ngày nào không có đâu, thậm chí còn nhiều hơn nữa. Khi nào có khách đến lễ Phật đông thì họ lại xuất hiện. Chẳng qua nó không còn ồ ạt, giành giật như hồi trước.
Thưa Đại đức, tình hình hồi trước như thế nào, còn bây giờ như thế nào?
Đại đức Thích Chúc Tín: Hồi trước họ vào bán tận trong chùa, níu kéo khách đi lễ Phật, rồi giành giật, chửi bới hết sức phức tạp. Bây giờ thì có đỡ hơn nhờ chùa có đề nghị công an và đội quy tắc đô thị của phường giúp giải toả tình trạng đó trong các dịp lễ lớn của nhà chùa, như lễ Vu lan hay lễ Phật đản. Nhưng đó là trong các ngày đại lễ, còn ngày thường người ta lảng vảng bán chim trước cổng chùa thì làm sao các thầy ra dẹp được. Không chỉ ở chùa Bát Nhã mà hầu như chùa nào cũng có tình trạng này!
Thưa Đại đức, đạo Phật dạy nên hiểu như thế nào về chuyện phóng sanh?
Đại đức Thích Chúc Tín: Trong đạo Phật, phóng sanh chỉ là một phương tiện để tu tập. Về mặt tướng, Phật dạy mình đừng có cùm kẹp mà để cho các loài vật được tự do. Còn về nghĩa bóng, phóng sanh là phóng thích những cái tâm ô uế như cái tâm tham, cái tâm đố kị, cái tâm hơn thua, cái tâm thù hận... ra khỏi con người mình để mình được tự do.
Khi mình phóng những cái đó đi rồi, mình được tự do thì những người khác gần mình cũng được tự do. Tự nhiên cuộc sống sẽ trở nên bình yên. Còn mình để những cái tâm đó trong lòng thì những người gần mình cũng sinh ra thù hận, tạo ra cho họ sự thù hận. Ý nghĩa sâu xa của việc phóng sanh trong đạo Phật là như vậy chứ không phải là mua mấy con chim, con cá đem đi phóng sanh.
Một khi con người đã đầy tham lam, thù hận, đầy những đố kị hơn thua, tranh giành thì việc mua vài con chim đem tới chùa thả chẳng có ý nghĩa gì cả. Cũng như một muỗng muối bỏ vô ly nước thì còn có vị mặn, nhưng bỏ vô hồ nước thì có ý nghĩa gì đâu?
Đại đức Thích Chúc Tín trụ trì chùa Bát Nhã (Đà Nẵng) - Ảnh: HC
Như vậy việc mua bán chim để phóng sanh là một việc không nên?
Đại đức Thích Chúc Tín: Thực sự đó không phải là một việc làm chính đáng. Mới nhìn vô thì thấy việc mua chim để phóng sanh tưởng như là một việc thiện. Nhưng theo quan niệm của nhà Phật thì đó không phải là một việc lành. Bởi vì nếu là một việc lành thì ngay từ đầu người ta đã không đem nhưng con chim đó nhốt vào lồng.
Chẳng qua việc mua chim để phóng sanh chỉ là một việc thiện mang tính hình thức. Chứ lương tâm đã lành rồi thì còn biết bao nhiêu việc khác phải làm. Còn nếu như cứ làm những điều không lành thì việc đến chùa mua vài con chim để phóng sanh có nghĩa lý chi đâu. Phóng sanh theo kiểu hình thức, cuối cùng những người bắt chim lấy đó làm một nguồn kinh tế thì việc phóng sanh của mình hoá ra lại tiếp tay cho cái ác.
Tình trạng của những con chim được đem đến chùa phóng sanh như thế nào thưa Đại đức?
Đại đức Thích Chúc Tín: Có nhiều con chim bị nhốt lâu ngày quá, không cho ăn nên yếu đi, khi thả ra thì bay không nổi nữa. Thậm chí có những người bắt chim cắt cụt đuôi và cánh khiến khi được thả ra thì chim không bay được mà chỉ lởn vởn một chỗ, rồi lại bị những người đó bắt đem bán. Việc làm như vậy hết sức phản cảm đối với vấn đề tín ngưỡng. Thế nhưng vẫn có những người mua chim đó để phóng sanh vì họ nghĩ là làm một điều thiện.
Đúng, nhìn vô thì đó là một điều thiện, không ai nói đó không phải là điều thiện cả. Bởi vì có người bắt chim nhốt vô lồng, người khác thấy vậy mua lại thả cho nó bay đi. Đó là một điều thiện. Nhưng xét về nguồn gốc, con chim đang bay tự do nhưng vì có người muốn mua để phóng sanh nên mới có người bắt chim và biến nó thành nguồn kinh tế cho mình. Như vậy là không còn thiện nữa!
Nhà chùa đã có những động thái như thế nào để giúp những người đi chùa hiểu được điều đó?
Đại đức Thích Chúc Tín: Trước đây chùa Bát Nhã có ra một cái "cáo thị" đặt ở sân chùa, khuyến cáo những người đến chùa lễ Phật không nên mua chim phóng sanh. Thế nhưng chẳng có mấy người đọc và làm theo. Bởi nhiều người đến chùa chỉ mang theo cái tâm mê tín, suốt ngày nhờ viết sớ, xin bùa chú, rồi cầu an, cầu siêu... chứ không phải hướng đến chuyện tu tập để giác ngộ, giác ngộ để sống một cuộc sống bình yên trong cuộc đời.
Phải làm sao triệt đi nạn bắt chim. Bởi vì bắt chim cũng là một hình thức phá hại môi sinh, môi trường chứ không phải là chuyện đơn giản. Trong một thành phố, cây xanh mà không có bóng dáng những con chim thì nó nói lên nhân tâm của con người ở chỗ đó. Chim chóc đậu trên cây cối, người ta nói "đất lành chim đậu". Nhưng cây không còn bóng chim nữa thì liệu đất đó có "lành" không?
Nếu thêm một lần nữa đề nghị Đại đức có lời khuyên nào đối với những người đi chùa mua chim để phóng sanh thì Đại đức sẽ khuyên họ như thế nào?
Đại đức Thích Chúc Tín: Tôi chỉ mong những người mua chim mang đến chùa phóng sanh hãy suy nghĩ đó có phải là một việc thiện lâu dài hay không? Những con chim đang sống một đời sống tự do, tại sao có người bắt nhốt trong lồng rồi lại có người mua thả ra. Đối với tôi, đó là một hình thức tiếp tay cho những người bắt chim. Mọi người cần suy nghĩ việc làm của mình có lợi ích lâu dài hay không, có đóng góp được cho loài chim nói riêng, cho môi sinh, môi trường nói chung hay không?
Cũng có những người mua chim để phóng sanh mang ý niệm giúp chúng sanh thoát ra khỏi sự trói buộc. Nhưng thực tại thì có người trói nó, rồi mình đi phóng sanh nó. Cứ người này bắt, người kia thả, rồi lại bắt, rồi lại phóng sanh, vô tình mình tạo ra một cái nghề mà nghề này hình như ở nước ngoài không nơi nào có. Lẽ ra nhà nước phải triệt tiêu cái nghề phá hoại môi sinh, môi trường này đi. Không thể nào buôn bán, kiếm lợi trên sự sống của loài vật khác như vậy được!
Xin cám ơn Đại đức!
|
Nguồn: Hải Châu/ Infonet (thực hiện tháng 8/2013)