Thứ năm, 09/05/2024 11:53
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ tư, 08/03/2023 05:30

Nhà phải có nóc

Anh bạn tôi cứ vào dịp 8/3 lại đăng ảnh dọn dẹp nhà cửa, rửa bát, tặng hoa cho vợ và con gái lên trang cá nhân dù 364 ngày còn lại, anh ấy còn không biết cái chổi để ở đâu. Điều kỳ lạ là những hình ảnh như thế lại được rất nhiều người thả tim, nhấn like đi kèm comment: “Nhà phải có nóc”.

IMG-2972

Ảnh minh họa

1. Mấy năm trở lại đây, câu “nhà phải có chóp” hay “nhà có nóc” liên tục được nhắc đến như một trend của giới trẻ trên mạng xã hội. Chóp hay nóc được hiểu là đường lối, là kim chỉ nam, là trật tự trong gia đình, trong quan hệ mà ở đó, người phụ nữ giữ vai trò… chủ đạo, dẫn dắt.

“Đàn ông là cột là kèo, đàn bà là cái sợi neo buộc vào”. Bấy lâu nay, dân gian thường quan niệm như vậy khi sử dụng hình ảnh ngôi nhà để nói về gia đình. “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, “đàn ông trên nhà, đàn bà dưới bếp”. Người ta mặc định vị thế của người phụ nữ là vai phụ trên sân khấu gia đình và cả xã hội. Người phụ nữ vì thế, khi được ví là “nóc”, là “chóp”, thậm chí là “đỉnh gút chóp” không tránh khỏi sự ngờ vực, hoài nghi phía sau những nụ cười khúc khích của cánh mày dâu.

Anh bạn tôi cứ vào dịp 8/3 lại đăng ảnh dọn dẹp nhà cửa, rửa bát, tặng hoa cho vợ và con gái lên trang cá nhân dù 364 ngày còn lại, anh ấy còn không biết cái chổi để ở đâu. Điều kỳ lạ là những hình ảnh như thế lại được rất nhiều người thả tim, nhấn like đi kèm comment: “Nhà phải có chóp”.

Tôi đồ rằng, khi đọc những dòng comment như thế, anh ấy cũng đang khúc khích cười, rằng thôi thì nhà cũng phải có… chóp vào ngày 8/3.

2. Hồi còn đi học, tôi nhớ mãi hình ảnh thầy tôi, một nhà sư phạm mực thước, một nhà khoa học khả kính tan giờ làm về nhà cơm nước, dọn dẹp, gấp cả đồ lót cho vợ và con gái. Thấy tôi ngượng ngùng, thầy bảo: người quân tử, hảo hán, trượng phu đôi khi nằm chính ở những điều giản dị như thế chứ không phải chuyện xưng hùng xưng bá với đời. Lúc đó, bạn gái đi cùng tôi đến nhà thầy (cũng là vợ tôi bây giờ) liếc xéo: Anh nhìn thầy mà học!. Thú thật khi ra trường đi làm, lấy vợ, sinh con, có những lúc tôi đã quên lời thầy.

Đã có những lúc, tôi xem mình là chóp, là móng, là cột trong nhà. Cho rằng, mình vất vả kiếm tiền thì mình phải ở “cửa trên” so với vợ. Chuyện nhà cửa, con cái, giỗ chạp nội ngoại khoán trắng cho cô ấy. Nhiều hôm đi nhậu đến… sang canh mới về, gọi vợ mở cửa không được, tôi “gây hấn” với cả khu phố. Điều kỳ lạ là sáng hôm sau, mấy tay hàng xóm lại nhìn tôi bằng ánh mắt đầy ngưỡng mộ, kiểu anh hùng phố này đếch thằng nào bằng tôi.

Lúc còn nhỏ, tôi vẫn thắc mắc tại sao khi đi làm đồng về, gánh lúa, gánh khoai luôn được đặt lên đôi vai của các dì, các thím, các cô, các bà, các chị, các mẹ mà không phải là các chú, các dượng, các anh, các ông, các bố… Điều đó lý giải vì sao phụ nữ Việt Nam hồi xưa thường bị còng lưng trước so với nam giới.

Đôi gánh nặng trĩu cuộc đời đã gì chặt số phận người phụ nữ nông thôn dưới lũy tre làng. Đến bữa cơm, phụ nữ, nàng dâu luôn phải ngồi xới cơm cho đàn ông trong nhà. Nếu nhà nhiều con trai đang sức ăn, tuổi lớn, đến lúc nâng được bát cơm lên thì đã nhìn thấy đáy nồi. Ngày xưa “chóp nhà” đã bị xiêu vẹo trong quan niệm cổ hủ, cực đoan như thế.

3. Giờ đây, khi xã hội đã thay đổi, nhà có chóp lẽ ra không phải là chuyện tặng một bó hoa, một món quà, một dòng status chúc mừng hoan hỷ trên mạng xã hội nhân ngày 8/3. Tinh thần ngày Quốc tế phụ nữ không phải và không thể nằm ở chỗ xem phụ nữ là những người chịu nhiều thiệt thòi, hy sinh cần phải động viên, chúc mừng, cảm ơn trong tâm thế ấy.

Nhà có chóp không phải là nâng vợ, nâng mẹ, nâng con gái lên trong 1 ngày rồi 364 ngày còn lại hạ họ xuống, để họ trở về với nhà cửa, con cái, đồng áng, ruộng vườn trong tâm thế đầu tắt mặt tối.

Nhà có chóp phải là sẵn sàng đón nhận bình đẳng giữa nam và nữ trong mọi mối quan hệ từ gia đình đến xã hội. Là khi thấy cơ quan có một lãnh đạo nữ được bổ nhiệm, đừng nghĩ họ lên chức là do họ đẹp trong cái nhìn hẹp hòi, định kiến. Nhà có chóp và cơ quan cũng phải có… chóp.

Nhà có chóp phải là nếu như vợ đi nhậu với bạn, mình sẵn sàng ở nhà nấu nướng, chăm con mà không cảm thấy ức chế, tỵ nạnh, hoàn toàn thoải mái.

Nhà có chóp phải là nếu như vợ có năng lực hơn mình, có cơ hội để phát triển sự nghiệp, mình sẵn sàng lùi lại một bước làm hậu phương mà không ngại những ì xèo của đám bạn nhậu hay đồng nghiệp cùng cơ quan.

Nhà có chóp là sẵn sàng nộp hết lương như trách nhiệm chứ không phải xem vợ là các ngân hàng, gửi vào thì dễ rút ra thì khó.

Nhà có chóp nghĩa là sẵn sàng đi chợ, nhặt rau, rửa đít cho con nếu vợ có khả năng sửa ống nước, lắp bóng điện, quét sơn trần nhà.

Nhà có chóp nghĩa là trong các cuộc tranh cãi, bình đẳng từ chân lý luôn là thước đo chứ không phải đáp án được soạn sẵn từ “cửa Khổng sân Trình” với tam tòng tứ đức.

Làm được như thế, tin tôi đi, phụ nữ chẳng cần phải nhận hoa trong ngày 8/3. Họ cũng chẳng còn yếu thế, chẳng cần phải… vùng lên trên hành trình bước tới vũ đài văn minh của giới họ.

Giờ thì chóp nhà đã thay đổi nhưng làm sao để không phải chuyện thay đổi chỉ diễn ra trên… mạng. Phụ nữ, thực ra họ không cần phải là chóp, là nóc, chỉ cần đặt họ ở ngay bên cạnh chúng ta, như một bức tường, bên cạnh một bức tường, ghép lại thành một tổ ấm, ấy đã là quá đủ rồi.

Quang Duy  
Thiết kế cửa sổ đại kỵ tránh 10 điều làm tiêu tán tài lộc
Tuổi già keo kiệt chi 5 thứ này phúc khí dễ bay mất
Quanh nhà xuất hiện 3 điều báo hiệu may mắn sắp đến
Vì sao ngày càng nhiều bà nội không muốn chăm cháu?
Hối hận sau 5 năm bán nhà ở quê chuyển về sống gần con trai
Vì sao nói 'phần mộ sụp con cháu ít, trên mộ không có cỏ tài sản cạn kiệt'?
3 tài sản cha mẹ dễ gây bất hòa con cái
Làm gì để sống một mình không cô độc?
Chăm cháu khi về già có 4 điều cấm kỵ không nên nói
Cùng làm một việc, ở một nơi nhưng kẻ giàu, người nghèo
Không có gỗ không đỡ được nhà, không xóm giềng không thể sống tốt
Lời 'dặn dò' con gái trong đám cưới gây sốt MXH, chuyên gia khuyên 'không nên': Vì sao?
Tuổi 70 vợ chồng thỏa thuận 4 điều để an tâm dưỡng già
Con cái trưởng thành thường trốn tránh cha mẹ
34 năm gia đình hạnh phúc nhờ sẻ chia việc nhà
Nữ sinh lớp 8 tự làm hại bản thân do nguyên nhân thường thấy trong các gia đình
3 kiểu gia đình không thay đổi sớm muộn cũng bị đào thải
Phụ nữ hiện đại phải cân bằng gia đình và công việc
Lạnh lùng với người nhà, thân thiện với người ngoài có phải bất hiếu?
Lời chúc 8/3 ý nghĩa dành cho sếp nữ, đồng nghiệp và bạn bè
Xem thêm